Làm rõ trường hợp đặc biệt UBND cấp tỉnh điều chỉnh khu vực bầu cử
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều 12/5, tham gia thảo luận tại Tổ 2, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị cần làm rõ trường hợp đặc biệt UBND cấp tỉnh điều chỉnh khu vực bầu cử.

Cân nhắc quy định số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử cấp xã cho phù hợp
Các đại biểu nhất trí với việc dự thảo Luật đề xuất sửa đổi 25 điều có nội dung liên quan đến tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Cụ thể, dự thảo Luật lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến HĐND cấp huyện như: HĐND; đại biểu HĐND cấp huyện; UBND cấp huyện, các tổ chức phụ trách bầu cử, đơn vị bầu cử cấp huyện...
Dự thảo Luật cũng điều chỉnh, bổ sung một số nội dung có liên quan đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, như: thẩm quyền quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu (khoản 4 Điều 11); việc tăng số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở cấp xã (khoản 2 Điều 22); bổ sung thành phần đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tham dự các hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các điều 39, 44, 49); bổ sung quy định chuyển tiếp, quy định đối với những nơi hiện không tổ chức HĐND phường (Điều 96)...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, nội dung sửa đổi, bổ sung này nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, bảo đảm thống nhất và phù hợp với các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng ghi nhận dự thảo Luật cho phép các hình thức vận động bầu cử trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm tạo sự linh hoạt, đa dạng hơn, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng vùng miền, địa phương có địa giới hành chính rộng, nhất là đối với những khu vực xa xôi như hải đảo.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cân nhắc quy định số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử cấp xã cho phù hợp với quy mô dân số của từng địa phương sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính.

Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nhận thấy, đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập có quy mô rất lớn, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cấp xã cũng lớn hơn, do đó, đề nghị xem xét, củng cố lại nhân sự bầu cử ở cấp xã cho phù hợp với thực tiễn và có tính bao quát hơn.
Về việc xác định khu vực bầu cử, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định việc xác định khu vực bầu cử do UBND cấp xã quyết định và trường hợp cần thiết thì do UBND cấp tỉnh điều chỉnh khu vực bầu cử.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, việc xác định khu vực bầu cử là rất quan trọng, liên quan đến yếu tố bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực bầu cử. Trong bối cảnh địa giới hành chính của một số đơn vị hành chính cấp xã mở rộng hơn, số lượng đơn vị bầu cử tăng lên, quy mô dân số lớn hơn, do đó việc bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực bầu cử, bảo đảm an ninh chính trị đặt ra nhiều thách thức hơn. Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại quy định giao chính quyền cấp xã quyết định khu vực bầu cử.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, cũng nêu thực tế, với tổ chức các đơn vị hành chính hiện nay, nhiều đơn vị có địa bàn khó khăn và có yếu tố liên quan đến quốc phòng - an ninh. Sau thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ hình thành những xã có địa bàn rộng hơn, có những đơn vị có điều kiện địa lý vô cùng khó khăn, đặc biệt là nhưng khu vực biên giới, hải đảo, và có những nơi sẽ nảy sinh phức tạp về an ninh trật tự.
Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong cuộc bầu cử, cần quy định rất rõ những trường hợp nào là trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh điều chỉnh khu vực bầu cử, để sau này có hướng dẫn cụ thể hơn cho cơ quan thực thi trong quá trình tổ chức bầu cử, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị.
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu cá nhân
Góp ý vào dự thảo Luật dữ liệu cá nhân, các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực, nguy cơ lộ, mất dữ liệu cá nhân trong quá trình thu thập, chuyển giao, lưu trữ, khai thác, sử dụng ngày càng cao nếu không có biện pháp bảo vệ tương xứng, các hoạt động chiếm đoạt, đăng tải công khai, thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đã và đang gây ra những hậu quả đối với chủ thể dữ liệu.
Thực trạng này cũng làm ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của các ngành, lĩnh vực tương ứng, thậm chí ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế và chủ quyền số của quốc gia.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong thời đại chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số quốc gia.
Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% - 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị cân nhắc lại quy định về mức xử phạt hành chính nêu trên, vì nếu áp dụng đối với doanh nghiệp là tập đoàn rất lớn, hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực và có tổng doanh thu rất lớn, nhưng chỉ vì một sai phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân mà bị xử phạt với mức phạt như dự thảo Luật là quá lớn và không tương xứng với mức độ vi phạm.

Dự thảo Luật bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó, bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư và quy định dùng luật này để sửa luật đầu tư.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, việc bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần bảo đảm thống nhất với các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Do vậy, cần cân nhắc tập trung sửa nội dung trong phần sửa đổi Luật Đầu tư của dự án một luật sửa 7 luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Góp ý vào khoản 5, Điều 7 dự thảo Luật về cấm mua, bán dữ liệu cá nhân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: “Việc mua bán dữ liệu cá nhân có tuyệt đối cấm không?”. Bởi, thực tế hoạt động thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân được chủ thể dữ liệu cá nhân đồng ý; do vậy, đề nghị, chỉnh sửa quy định này thành cấm “mua, bán dữ liệu cá nhân trái pháp luật”.
Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Hải Quân nêu thực tế, một số tổ chức thu thập dữ liệu cá nhân và được chủ thể dữ liệu cá nhân cho phép, có nghĩa là tổ chức được phép thu thập, chuyển giao, khai thác dữ liệu cá nhân đó.
Do đó, đối với các hành vi mua, bán quyền dữ liệu cá nhân có thể cho phép khi được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; chuyển giao dữ liệu cá nhân, cung cấp, chia sẻ dữ liệu cá nhân trong nội bộ các tổ chức, doanh nghiệp để xử lý, sử dụng; chia sẻ dữ liệu cá nhân phục vụ kinh doanh hợp pháp và hành vi cung cấp dữ liệu cá nhân theo yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đại biểu Vũ Hải Quân cũng đề nghị, cần làm rõ nội hàm của các khái niệm “mua bán dữ liệu cá nhân” và “chuyển giao dữ liệu cá nhân” nhằm phân biệt các khái niệm này với nhau.
Từ thực tiễn triển khai Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan đến quy định về sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu, một số đại biểu nêu vấn đề, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn, họ đang gặp khó khăn trong việc thu thập, quản lý sự đồng ý của hàng chục nghìn nhân viên trong quá trình vận hành.
Vì thế, việc yêu cầu lấy ý kiến từng cá nhân bằng văn bản sẽ gây chậm trễ và cản trở hoạt động nội bộ, đặc biệt trong các trường hợp, như đánh giá nhân sự, luân chuyển lao động giữa các đơn vị trong cùng một tập đoàn hoặc thực hiện các chính sách phúc lợi nội bộ.
Do đó, dự thảo Luật cần quy định theo hướng mở rộng phạm vi miễn trừ yêu cầu về sự đồng ý trong một số trường hợp nhất định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong công tác quản lý lao động, đồng thời, bảo đảm quyền lợi và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người lao động.