Làm rõ phạm vi đối tượng chịu thuế
Góp ý kiến với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở Hội trường sáng nay, 9/5, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị, cần làm rõ phạm vi đối tượng chịu thuế, đồng thời bổ sung định nghĩa cụ thể loại đồ uống có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng hoặc có nguồn gốc tự nhiên, tránh “đánh thuế nhầm” lên ngành nông nghiệp, tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, dự thảo Luật bổ sung thuế suất 10% đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Khải, quy định này chưa hợp lý, vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn.
Thực tiễn cho thấy, khái niệm “nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam” chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên (như nước dừa, nước trái cây...) có thể bị đánh đồng với nước ngọt có gas. Hiện nay, khoảng 200 nghìn bà con nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến lo lắng rằng, sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị coi là nước giải khát chịu thuế hay không? Và, việc áp cùng mức thuế 10% như nước ngọt có gas là chưa phù hợp, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp nếu quy định này được thông qua.

Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, chỉ đánh thuế với đồ uống có đường là chưa toàn diện, mà cần có sự kết hợp các giải pháp khác, như tăng cường truyền thông về dinh dưỡng để thay đổi hành vi tiêu dùng, vì mức thuế 10% có thể quá thấp để tác động đến sức khỏe cộng đồng.
Từ những phân tích như vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, cần làm rõ phạm vi đối tượng chịu thuế, đồng thời bổ sung định nghĩa cụ thể loại đồ uống có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng hoặc có nguồn gốc tự nhiên (nước ép 100% trái cây, sữa, nước dừa nguyên chất…) nhằm tránh “đánh thuế nhầm” lên ngành nông nghiệp, đồng thời tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Cùng với đó, cần xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp, theo đó có thể lùi thời điểm áp thuế đến năm 2027 với mức khởi điểm thấp (ví dụ 5-8% trong năm đầu), sau đó tăng lên 10%. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thời gian thích ứng và cải tiến công thức giảm đường.
Đồng thời, bảo đảm sử dụng nguồn thu hiệu quả - một phần nguồn thu thuế từ đồ uống có đường nên được đầu tư vào y tế dự phòng và giáo dục dinh dưỡng để bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng được thực hiện một cách bền vững, thay vì chỉ tập trung vào tăng thu ngân sách nhà nước.
.jpg)
Điều này sẽ vừa bảo đảm lợi ích Nhà nước (tăng thu và giảm gánh nặng bệnh tật về sau), lợi ích nhân dân (sức khỏe được cải thiện), và hài hòa lợi ích doanh nghiệp (có lộ trình điều chỉnh sản xuất phù hợp, khuyến khích nghiên cứu đồ uống ít đường), đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ.
Đồng thời, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong ngành thực phẩm theo hướng phát triển các sản phẩm nước giải khát ít đường, sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên an toàn, qua đó thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ trong nước và đáp ứng xu hướng tiêu dùng lành mạnh của người dân.
Mở rộng ưu đãi thuế cho mọi dòng xe sử dụng năng lượng sạch
Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch, chính sách hiện hành đang ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt rất thấp cho xe ô tô điện chạy pin (ví dụ xe dưới 9 chỗ chỉ chịu 3% thuế tiêu thụ đặc biệt đến hết tháng 2/2027, sau đó sẽ tăng lên 11%), đồng thời áp dụng mức thuế ưu đãi cho một số xe lai điện (như xe hybrid).
Tuy nhiên, một số quy định hiện hành còn bất cập, trong khi đó, dự thảo Luật chỉ quy định ưu đãi thuế (thuế suất bằng 70% xe xăng cùng loại) cho dòng hybrid sạc ngoài (PHEV), còn dòng hybrid tự sạc (HEV) thì vẫn chịu thuế như xe xăng thường.
Cho rằng, quy định nêu trên “chưa hợp lý” bởi xe hybrid không sạc ngoài vẫn giúp giảm nhiên liệu hóa thạch tiêu thụ và giảm phát thải. Đây là bước chuyển tiếp quan trọng sang xe điện hoàn toàn khi hạ tầng sạc chưa hoàn thiện. Ngoài ra, lộ trình tăng thuế với ô tô điện sau năm 2027 (từ 3 lên 11%) được đánh giá là quá nhanh, có thể kìm hãm đà phổ cập xe điện trong giai đoạn đầu, đại biểu Trần Văn Khải nêu vấn đề.
Với tinh thần đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, mở rộng ưu đãi thuế cho mọi dòng xe sử dụng năng lượng sạch - áp dụng thuế suất ưu đãi cho cả xe hybrid không có sạc ngoài, ví dụ thuế suất bằng 70% mức thuế xe xăng cùng loại thay vì 100%, nhằm tạo “sân chơi” công bằng cho các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, có thể giảm sâu hơn (còn 50% mức thuế xe xăng) cho dòng PHEV có sạc ngoài, theo khuyến nghị của các hiệp hội và thông lệ quốc tế, để khuyến khích phát triển dòng xe tiên tiến này.
Đồng thời, kéo dài thời gian ưu đãi thuế cho xe điện chạy pin theo hướng xem xét chưa tăng thuế suất lên 11% ngay sau 2027, mà nên kéo giãn lộ trình tăng thuế thêm 5-10 năm, hoặc tăng dần “từng bước nhỏ”. Điều này bảo đảm giá xe điện hợp lý hơn trong trung hạn, khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện mà không tạo “cú sốc” về thuế, đại biểu Trần Văn Khải nói.
Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề nghị, cần ưu tiên thúc đẩy khoa học, công nghệ và công nghiệp sạch, theo đó chính sách thuế cần hài hòa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp, tiếp tục chấp nhận giảm nguồn thu ngắn hạn từ thuế tiêu thụ đặc biệt xe điện để đạt lợi ích lâu dài về môi trường (giảm ô nhiễm, giảm phụ thuộc nhiên liệu nhập khẩu) và tạo đà cho doanh nghiệp sản xuất trong nước (như các hãng xe điện nội địa) phát triển. Bổ sung các ưu đãi bổ trợ, như ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất pin, trạm sạc... nhằm hình thành hệ sinh thái xe điện hoàn chỉnh.
Với chính sách tổng thể như vậy, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, sẽ đặt người dân vào trung tâm - người dân được hưởng phương tiện giao thông hiện đại, chi phí vận hành thấp. Còn, Nhà nước đạt mục tiêu giảm phát thải và phát triển ngành công nghệ cao; và doanh nghiệp nội địa có cơ hội vươn lên dẫn đầu thị trường xe sạch trong khu vực.
Nên bãi bỏ hoặc thu hẹp đối tượng điều hòa chịu thuế
Liên quan đến các mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, theo quy định hiện hành, máy điều hòa từ 90.000 BTU trở xuống thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (trong khi loại trên 90.000 BTU thì không chịu thuế). Điều này đang gây nhiều tranh luận do tính chất mặt hàng đã thay đổi.
Theo đại biểu Trần Văn Khải, quy định nêu trên chưa hợp lý, vì rằng máy điều hòa nhiệt độ ngày nay không còn là hàng xa xỉ, mà đã trở thành nhu cầu phổ biến, thiết yếu cho đời sống người dân ở cả đô thị và nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao.
“Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa (vốn nhằm mục tiêu hạn chế tiêu dùng) thực tế không làm giảm nhu cầu;dù thuế cao, người dân vẫn phải sử dụng để bảo đảm sinh hoạt và sức khỏe”.
Nêu vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, mức thuế hiện tại vì vậy mang tính chất đánh vào người tiêu dùng phổ thông, không đúng tinh thần đánh vào hàng xa xỉ hoặc có hại. Thêm nữa, quy định hiện hành còn bất cập, vì điều hòa công suất lớn (trên 90.000 BTU) lại không chịu thuế, trong khi điều hòa nhỏ cho hộ gia đình lại chịu thuế 10%, dẫn đến thiếu công bằng - người thu nhập thấp dùng máy nhỏ lại chịu thuế, còn doanh nghiệp hoặc người giàu lắp máy trung tâm công suất lớn lại không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Lập luận coi điều hòa nhỏ là mặt hàng cần hạn chế vì tiêu tốn điện cũng không còn thuyết phục, bởi công nghệ hiện đại (inverter, tiết kiệm điện) đã được ứng dụng rộng rãi, giúp máy lạnh đời mới tiết kiệm điện năng hơn rất nhiều.
Vì thế, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất, nên bãi bỏ hoặc thu hẹp đối tượng điều hòa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó loại bỏ điều hòa nhiệt độ dân dụng (dưới 90.000 BTU) ra khỏi danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.
Trường hợp vẫn cần điều tiết, thì chỉ nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với hệ thống điều hòa công suất cực lớn (phục vụ không gian rộng đặc biệt) và cần đánh giá kỹ hiệu quả. Việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho điều hòa dân dụng sẽ hỗ trợ trực tiếp người dân (giảm giá thành, nhất là người thu nhập thấp sẽ dễ tiếp cận thiết bị chống nóng), đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước mở rộng thị trường, đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ.
Cùng với đó, cần khuyến khích tiết kiệm năng lượng thông qua biện pháp khác, thay vì đánh thuế, Nhà nước nên siết chặt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đối với điều hòa và tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm điện. Các giải pháp khoa học công nghệ, như phổ biến cảm biến nhiệt thông minh, vật liệu cách nhiệt tốt trong xây dựng... cần được thúc đẩy để giảm nhu cầu sử dụng điều hòa mà không ảnh hưởng đến tiện nghi của người dân.
Đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích, ngân sách nhà nước có thể giảm một phần thu từ thuế điều hòa, nhưng sẽ được bù đắp bằng lợi ích xã hội dài hạn, như người dân (đặc biệt công nhân, người nghèo) sẽ giảm được chi phí sinh hoạt, sức khỏe được bảo vệ tốt hơn trong thời tiết có xu hướng ngày càng khắc nghiệt, doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hơn kích thích sản xuất, từ đó thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp có thể tăng.
“Chính sách thuế hợp lý với điều hòa vừa thể hiện tinh thần nhân văn, vừa phù hợp xu hướng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường hiện nay”, đại biểu Trần Văn Khải khẳng định.
Đối với xăng và các nhiên liệu truyền thống, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu hóa thạch truyền thống hiện đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với xăng khoáng, trong khi xăng sinh học E5 chịu 8% và E10 là 7% (dầu diesel và nhiên liệu khác không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng có thuế bảo vệ môi trường).
Đại biểu Trần Văn Khải đề xuất, nên cơ cấu lại chính sách thuế với xăng dầu theo hướng cân nhắc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng trong dài hạn, thay vào đó tăng dần thuế bảo vệ môi trường hoặc các cơ chế định giá phát thải carbon.