Nâng cao chất lượng tổng hợp, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị cử tri

Làm rõ nội dung để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời

- Thứ Hai, 25/05/2020, 08:18 - Chia sẻ
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT), ngoài việc cử tri nêu câu hỏi được chuẩn bị trước, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị yêu cầu cơ quan công quyền làm rõ hơn các nội dung “đã hứa” với cử tri và nhân dân, như tiến độ, hoàn thành, thời gian thực hiện… Theo đó, Thường trực HĐND cần yêu cầu đại diện cơ quan công quyền, phòng, ban chuyên môn tham dự, báo cáo làm rõ nội dung cử tri đề cập, giúp cho vấn đề được làm sáng tỏ ngay, nhất là trách nhiệm của các ngành để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Nhiều kiến nghị được triển khai

Việc tổng hợp và đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là một trong những hoạt động giám sát trực tiếp nhất của người đại biểu dân cử, Tổ đại biểu HĐND các cấp, thể hiện trách nhiệm của đại biểu dân cử đối với cử tri; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan công quyền trước HĐND, cử tri và nhân dân. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri không phải để biết, nắm thông tin mà phải theo, đôn đốc, nắm bắt việc giải quyết của các cơ quan công quyền trước những bức xúc, những nội dung cử tri quan tâm, cần được xem xét, giải quyết. Đồng thời, phân định được nguyên nhân cử tri kiến nghị, tổng hợp chuyển đến cá nhân hay tổ chức nào để cùng tìm ra giải pháp giải quyết.

Tại các cuộc TXCT của đại biểu HĐND thời gian qua, người dẫn chương trình đã gợi mở, gợi ý, tạo không khí phấn khởi cho cử tri, nhân dân phản ánh những vấn đề, nội dung quan tâm cần được giải quyết; đại biểu HĐND lắng nghe, ghi chép, tiếp thu, đồng thời yêu cầu đại diện cơ quan công quyền trả lời, làm rõ ngay những nội dung thuộc thẩm quyền. Các kiến nghị cử tri được thư ký tổng hợp, phân định thống nhất với HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam chuyển đến các cấp, các ngành xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đại diện các cơ quan chức năng thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết trên tinh thần đúng người, đúng chỗ, đúng việc, đúng trình tự; nhiều kiến nghị đã được tổ chức thực hiện, tạo niềm tin trong nhân dân và dư luận tốt trong xã hội, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của HĐND và các đại biểu dân cử.


Cần tăng cường khảo sát, đánh giá hiệu quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri  
Ảnh:  L. Thanh

Có nơi, có việc chưa được xem xét, giải quyết thấu đáo

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng thẳng thắn nhìn nhận, có những cuộc TXCT có chỗ, có nơi chưa có nhiều cử tri phản ánh, ý kiến thiếu trọng tâm, trọng điểm, hoặc ý kiến cử tri đã được thông báo, kiến nghị đang được xem xét, giải quyết. Có những ý kiến nội dung chỉ xoay quanh vấn đề một cơ sở, một sự việc nhỏ diễn ra thường xuyên, hay là khu vực chưa có tính khái quát, tổng thể…

Công tác tập hợp, tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số Tổ đại biểu HĐND đôi lúc còn chậm, tổng hợp nội dung không đúng với cấp có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị cử tri mặc dù đã được tổng hợp chuyển đến cơ quan hữu quan để giải quyết song có chỗ, có nơi, có việc còn chưa được xem xét, giải quyết thấu đáo, tháo gỡ được những khó khăn, bức xúc, đáp ứng mong đợi của cử tri. Có trường hợp còn đổ lỗi do điều kiện khách quan hay cơ chế… Có trường hợp thủ trưởng cơ quan còn phó thác cho cấp phó, hoặc cán bộ giải quyết phần việc thuộc trách nhiệm người đứng đầu cơ quan phải giải quyết nghiêm túc với HĐND, với cử tri và nhân dân…

Tăng cường khảo sát, đánh giá hiệu quả việc giải quyết

Để nâng cao chất lượng tổng hợp và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri, vấn đề quan trọng đầu tiên là mỗi đại biểu phải dành thời gian thỏa đáng cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử, tham gia đầy đủ các cuộc TXCT, tiếp công dân; lắng nghe để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri; kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm để kiến nghị, đôn đốc, theo đến cùng việc giải quyết.

Trong các hội nghị TXCT, người tổ chức, đề dẫn phát huy dân chủ, gợi mở, tạo không khí sôi nổi để cử tri phát biểu ý kiến; người làm công tác tổng hợp kiến nghị cử tri phải hiểu biết và chủ động, linh hoạt, tổng hợp cụ thể, chính xác. Thực tế cho thấy, tại các cuộc TXCT, ngoài việc cử tri nêu câu hỏi được chuẩn bị trước, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị có tính chất yêu cầu cơ quan công quyền làm rõ hơn các nội dung “đã hứa” với cử tri và nhân dân, như tiến độ, hoàn thành, thời gian thực hiện… Theo đó, Thường trực HĐND yêu cầu đại diện cơ quan công quyền, phòng, ban chuyên môn báo cáo làm rõ nội dung cử tri đề cập, giúp cho vấn đề được làm sáng tỏ ngay, nhất là trách nhiệm của các ngành để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Mỗi cuộc TXCT trước và sau kỳ họp HĐND, UBND các cấp cũng như thủ trưởng các cơ quan chuyên môn phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm trước HĐND và cử tri về những vấn đề cử tri kiến nghị, xã hội quan tâm. Do vậy, UBND mỗi cấp giao nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn thực hiện yêu cầu phải nghiêm túc báo cáo các vấn đề cử tri quan tâm đến Thường trực HĐND để chuyển đến các đại biểu HĐND giám sát; báo cáo ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, đúng trọng tâm không né tránh và phải xác định rõ trách nhiệm, giải pháp, thời hạn giải quyết.

Nội dung kiến nghị của cử tri luôn là các vấn đề tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục. Vì vậy, sau mỗi cuộc TXCT, kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND có văn bản yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện kiến nghị của cử tri; kết quả thực hiện phải có báo cáo bằng văn bản gửi đến Thường trực HĐND. Trên cơ sở báo cáo đó, Thường trực HĐND nghiên cứu, xem xét phân công cho các ban, các tổ đại biểu để tăng cường khảo sát, đánh giá hiệu quả việc giải quyết và báo cáo với HĐND tại các kỳ họp tiếp theo.

TRÂM ANH