Làm rõ nguyên tắc suy đoán vô tội

Phương Thủy 14/08/2015 08:17

Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản được công nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về Quyền chính trị, dân sự năm 1966 của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã cam kết thực hiện thông qua nguyên tắc này thông qua việc gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị vào năm 1982. Vì vậy, khi cho ý kiến về một số nội dung lớn của Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các Ủy viên UBTVQH cho rằng, cần quy định rõ về nguyên tắc suy đoán vô tội để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử.

Để phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 31 của Hiến pháp năm 2013, Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) khi trình ra QH tại Kỳ họp thứ 9 đã quy định, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cũng nhấn mạnh, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình; trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; mọi hoài nghi về tội của người bị buộc tội nếu không thể làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ. Tuy nhiên, các ĐBQH đều cho rằng, quy định nguyên tắc suy đoán vô tội tại Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể của Hiến pháp.

Nguồn: tranhtung.com
Nguồn: tranhtung.com

Phải chú ý đến tình tiết ngoại phạm

Để làm rõ hơn nội dung các nguyên tắc suy đoán vô tội, đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đặc biệt, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội. Hay nói cách khác, nếu không đủ căn cứ để sáng tỏ việc buộc tội người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bắt buộc phải có kết luận những cá nhân này không có tội, kịp thời minh oan cho cá nhân - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu không đủ căn cứ để sáng tỏ việc buộc tội người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bắt buộc phải có kết luận những cá nhân này không có tội, thì sẽ không bao quát hết mọi tình huống trong truy tố, xét xử. Các quốc gia trên thế giới cũng áp dụng song song nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc xét xử có lợi cho đương sự. Hay nói cách khác, nếu không có đủ ở khoảng cao, thì phải xử lý ở khoảng thấp. Chúng ta không thể tuyên vô tội nếu như người ta chỉ phạm tội nhẹ, không phạm tội nặng, hay chỉ chịu hình phạt nhẹ, không phải chịu hình phạt nặng, vì nếu bỏ nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình lưu ý.

Nhưng các Ủy viên UBTVQH cho rằng, trước khi áp dụng nguyên tắc xét xử có lợi cho đương sự, thì phải chú ý bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội được thực hiện nghiêm túc trong quá trình truy tố, xét xử. Bởi thực tế hoạt động phòng chống tội phạm cho thấy, những trường hợp nào không xuất phát từ nguyên tắc này thường có oan sai. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, quy định của Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) chưa giúp bắt buộc các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là cơ quan điều tra, áp dụng nguyên tắc này trong quá trình hoạt động. Để bảo đảm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, thì những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là điều tra viên, phải bắt đầu quá trình làm việc của mình từ suy nghĩ đối tượng này không có tội. Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cần quy định rõ, khi điều tra phải chú ý đến những tình tiết ngoại phạm cho nghi can để bảo đảm được suy đoán vô tội, nghiêm cấm chuyện có ấn tượng ngay từ đầu đây là tội phạm và cố gắng thu thập bằng chứng, củng cố hồ sơ để chứng minh người ta phạm tội. Suy đoán vô tội phải quan tâm đến các yếu tố nào giúp khẳng định người ta vô tội và không được củng cố hồ sơ theo định hướng có sẵn - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Tố tụng hình sự không đơn thuần là việc bắt người và ra bản án

Từ thực tế áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong thời gian qua, nhiều Ủy viên UBTVQH nhấn mạnh, các cơ quan có trách nhiệm, nhất là cơ quan điều tra phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội (bằng chứng ngoại phạm) song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội. Cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện song song hai công tác này mới có thể không để lặp lại lỗi thường được cơ quan điều tra mắc phải là không chú ý đến các tình tiết gỡ tội, chỉ tập trung chứng minh tội phạm, buộc bị can phải chịu tội, chịu trách nhiệm cho một vụ việc. Thậm chí có trường hợp vì lỡ bắt rồi nên phải xử một tội hoặc tuyên một hình phạt tương xứng. Từ đòi hỏi của thực tế này, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cần quy định rõ, trong những trường hợp này, dù cơ quan chức năng không truy tố, thì phải có quyết định để không xử lý bị can theo pháp luật hình sự, giúp tránh tình trạng để người ta phải lơ lửng chịu trách nhiệm cho một tội mà người ta không mắc phải. Khi không chứng minh được tội nào, thì cơ quan tố tụng đã căn cứ vào Khoản 1, Điều 25 của Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo vì hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội. Đây là điều vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của con người, của công dân, nên phải kiên quyết không cho phép lặp lại trong quá trình truy tố, xét xử - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị.

Chứng minh trong tố tụng hình sự là hoạt động cực kỳ phức tạp, không chỉ là những hành vi khách quan, những hậu quả thực tế mà còn cả những yếu tố tâm lý của người phạm tội. Mọi sai lầm trong chứng minh nhiều khi có thể phải trả giá bằng sinh mạng của con người. Do đó, nếu chỉ chứng minh theo hướng suy đoán có tội thì rất dễ dẫn đến việc coi tố tụng hình sự chỉ đơn thuần là việc bắt người và ra bản án kết tội kèm theo những hình phạt cụ thể. Việc định kiến người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội là hết sức nguy hiểm. Nó đồng nhất người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội kéo theo đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng tràn lan, thiếu căn cứ, chà đạp lên quyền con người mà nhiều trường hợp khi vụ án được xem xét lại thì họ hoàn toàn vô tội. Lúc đó, có bồi thường oan sai đi chăng nữa thì hậu quả đối với họ không thể nói là đã bù đắp được toàn bộ.

Mặt khác, hoạt động tố tụng hình sự bao gồm hai nhiệm vụ: Bảo vệ xã hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm và bảo vệ cá nhân người bị buộc tội chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền. Suy đoán vô tội còn đem đến sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là Nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được hậu thuẫn bằng quyền lực nhà nước với một bên yếu thế hơn là người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Như vậy, không chỉ là quyền của người bị buộc tội, nghĩa vụ của bên buộc tội, thể hiện giá trị của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người, suy đoán vô tội còn phù hợp với quy luật của nhận thức trong tố tụng hình sự: một người luôn vô tội khi Nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội.

Ngoài ra, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: Họ không thể làm sai mà vẫn áp đặt ý chí chủ quan của mình để kết tội nghi can. Hơn nữa, nguyên tắc này bảo đảm tính pháp chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự, là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực tố tụng hình sự. Vì vậy, nguyên tắc này phải được quy định rõ hơn trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ trình ra QH tại Kỳ họp thứ 10 tới để xem xét, thông qua.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm rõ nguyên tắc suy đoán vô tội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO