Nguyên nhân chậm cổ phần hóa “đúng nhưng chưa đủ”
- Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ông kỳ vọng gì vào phiên chất vấn này?
- Một nội dung rất được quan tâm là việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Chính phủ xác nhận “việc sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm”.
Nguyên nhân đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng như Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ ra trong phiên chất vấn lĩnh vực kinh tế tổng hợp, gồm: bất ổn của thị trường tài chính trong nước và đặc biệt là tác động của dịch bệnh làm cho công tác cổ phần hóa cũng như nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư bị hạn chế; có thực trạng là khi mua doanh nghiệp cổ phần hóa thì người ta nhìn vào cả khu đất vàng, nhưng khi Quốc hội và Chính phủ quy định không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở nên không còn địa tô chênh lệch, không còn hấp dẫn nhà đầu tư nữa; các phương án để cổ phần hóa chưa trình nên chậm…
Một trong những giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa là gắn trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa, đặc biệt là đại diện chủ sở hữu, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Vấn đề ở chỗ, nếu chúng ta chưa tháo bỏ được các tiêu cực liên quan đến đất đai trong cổ phần hóa thì sẽ dẫn đến tình trạng không ai nhận trách nhiệm và cũng chẳng ai chịu làm. Như thế, cổ phần hóa sẽ tiếp tục chậm.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế
Các nguyên nhân này đều đúng, song chỉ đúng một phần. Do vậy, tại phiên chất vấn sáng nay, tôi rất mong người đứng đầu Chính phủ sẽ làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến cổ phần hóa chậm. Trong đó, nổi lên mấy vấn đề quan trọng sau.
Thứ nhất, cần xác định lại mục tiêu cổ phần hóa để làm gì? Trước đây, chúng ta đặt mục tiêu là để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quan trọng hơn là làm tăng hiệu quả doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, bởi thực tế có những doanh nghiệp không hiệu quả, lãi giả lỗ thật và có nguy cơ phá sản; trong khi đó, khu vực tư nhân đang phát triển và có năng lực tốt. Vậy mục tiêu này đã thực hiện tốt chưa? Bây giờ, chúng ta có giữ nguyên mục tiêu như vậy không hay cần xác định lại? Có lẽ, lần này, chỉ nên đặt ra vấn đề là phải xác định lại mục tiêu của cổ phần hóa, còn mục tiêu cụ thể là gì thì cần có thời gian. Khi rõ mục tiêu mới đưa ra được danh mục dự án và lộ trình thực hiện.
Thứ hai, như Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu, có một thực trạng là cổ phần hóa thì người ta chỉ nhằm vào đất mà không nhằm vào hiệu quả, triển vọng thực sự của doanh nghiệp nhà nước trong ngành nghề mà nó hoạt động. Đó chính là sự biến tướng của cổ phần hóa, xa rời mục tiêu cổ phần hóa mà chúng ta đặt ra ban đầu. Vậy xác định vấn đề này thế nào và có cách nào để hạn chế sự biến tướng khi cổ phần hóa?
- Vậy theo ông, mục tiêu của cổ phần hóa thời gian tới nên là gì?
- Trước hết, cần phải thống nhất rằng, nếu chúng ta vẫn muốn duy trì doanh nghiệp nhà nước thì việc cổ phần hóa là rất cần thiết và cần tiếp tục làm. Còn về mục tiêu của cổ phần hóa, quan trọng nhất hiện nay là phải xác định Nhà nước nên trực tiếp làm gì thông qua hệ thống doanh nghiệp nhà nước? Chẳng hạn, có ý kiến đề xuất Nhà nước nên làm về các ngành nghề mới hay đổi mới sáng tạo, vậy phải xem xét rằng Nhà nước có nên làm không, nếu làm có hiệu quả hơn khu vực tư nhân không, hay nên để cả Nhà nước lẫn khu vực tư nhân cùng làm?... Trên cơ sở đó, những cái gì mà doanh nghiệp nhà nước đang làm nhưng không thuộc phần xác định Nhà nước phải làm thì cần phải cổ phần hóa doanh nghiệp đó, chuyển sang doanh nghiệp tư nhân. Đó mới là mục tiêu quan trọng nhất của cổ phần hóa!
Thứ nữa, mục tiêu của cổ phần hóa là phải tạo điều kiện cho khu vực ngoài nhà nước phát triển, vì thực tế cho thấy có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Điều này cần phải được khắc phục, phải để những lĩnh vực nào mà tư nhân làm tốt hơn Nhà nước thì phải tạo điều kiện cho họ làm!
Chúng ta cổ phần hóa doanh nghiệp chứ không bán đất
- Đâu là giải pháp ngăn chặn biến tướng trong cổ phần hóa, thưa ông?
- Tôi tán thành quan điểm phải tách đất ra khỏi định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa, bởi chúng ta cổ phần hóa doanh nghiệp chứ không bán đất. Cùng với đó, phải kiểm soát chặt vấn đề đất đai với các doanh nghiệp này. Cụ thể, sau khi cổ phần hóa thì chuyển sang hình thức cho thuê đất, nên phải quản lý về quỹ đất, chứ bây giờ chỉ dựa vào việc họ đăng ký kế hoạch sử dụng đất sẽ không ổn vì họ sẽ vẽ ra đủ thứ để giữ lại quỹ đất của mình.
Vấn đề quan trọng nữa là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu họ chỉ giữ quỹ đất mà không được chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ gây ra lãng phí trong sử dụng quỹ đất nếu họ ôm đất nhiều, song nếu buông lỏng và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì họ lại tìm kiếm siêu lợi nhuận. Vấn đề này liên quan đến quản lý đất đai của doanh nghiệp nhà nước trước và sau cổ phần hóa và là trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng cần đặc biệt lưu ý rằng, đất giao cho doanh nghiệp nhà nước trước và sau cổ phần hóa thì bản chất đó là một loại tài sản công. Do đó, cần làm rõ vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc quản lý đối với tài sản dưới dạng là đất đai và bất động sản thuộc doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa. Đây là những vấn đề đòi hỏi cả Quốc hội cũng như Chính phủ cần lưu tâm trong vấn đề cổ phần hóa!
- Có ý kiến cho rằng, hiện, không nên tạo áp lực cổ phần hóa mà nên tập trung vào các giải pháp cải cách, thay đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là thúc đẩy họ thực hiện những dự án đầu tư quan trọng quốc gia mà ở đó có thể tạo sản phẩm mới, ngành nghề mới. Ý kiến của ông thế nào?
- Tôi cho rằng đây là hai tiến trình hoàn toàn khác nhau. Khi chúng ta vẫn muốn duy trì doanh nghiệp nhà nước thì cần phải làm song song hai việc: vừa cổ phần hóa vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Việc cải cách sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả và có khả năng cạnh tranh. Trong quá trình cải cách đó, việc cổ phần hóa một phần doanh nghiệp nhà nước cũng đóng góp vào nâng cao vai trò, khả năng của doanh nghiệp nhà nước. Tôi nhấn mạnh lại, cần làm song song hai việc này.
- Xin cảm ơn ông!