Chính trị

Làm rõ khái niệm “người trực tiếp, thường xuyên” làm công tác xây dựng pháp luật

T. Thành 15/05/2025 19:16

Thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận) về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu đề nghị, cần làm rõ khái niệm “người trực tiếp, thường xuyên” làm công tác xây dựng pháp luật

Nội dung cụ thể, phạm vi rõ ràng, có định mức và lộ trình thực hiện

Đa số ĐBQH tán thành việc ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

img_5148.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận)

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết và các tài liệu khác có liên quan, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, dự thảo Nghị quyết có nhiều điểm mới đột phá, thể hiện tinh thần thể chế hóa nghiêm túc các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, giải quyết được “điểm nghẽn” về thể chế trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết có nội dung cụ thể, phạm vi rõ ràng, cơ chế triển khai chi tiết, có định mức và lộ trình thực hiện.

img_5242.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp

Nhiều ĐBQH tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết là quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

img_4147.jpg
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, với các nhóm chính sách về cơ chế tài chính; chính sách về bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn lực; chính sách về áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số đã bao hàm toàn bộ nội dung và mục đích xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Cần bổ sung thêm đối tượng tham gia công tác xây dựng pháp luật

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình về chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật (Điều 7); cho rằng, đây là chính sách hợp lý nhằm thu hút, đãi ngộ người làm công tác pháp luật – vốn là công việc chuyên sâu, áp lực cao, đòi hỏi năng lực, kiến thức và trách nhiệm lớn.

img_5371.jpg
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, quy định như vậy vẫn chưa đầy đủ và rõ ràng. Việc giao cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thêm các đối tượng (điểm c và d) có thể dẫn đến thiếu thống nhất, chồng chéo và khó bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng thực hiện nhiệm vụ tương tự ở các cơ quan khác nhau. Vì dự thảo Nghị quyết chưa xác định rõ thế nào là “người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu” do đó, khái niệm này có thể bị hiểu rộng hoặc hẹp tùy cơ quan áp dụng.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị, sửa đổi bổ sung khoản 1 quy định theo hướng xác định rõ các khái niệm “người trực tiếp, thường xuyên” làm công tác xây dựng pháp luật và quy định rõ tiêu chí xác định nhóm đối tượng được hỗ trợ hàng tháng.

Và khi đối chiếu các tiêu chí với bảng mô tả vị trí việc làm mà cán bộ, công chức đang đảm nhận, nếu bảng mô tả việc làm đó đáp ứng đủ tiêu chí thì sẽ được hỗ trợ hàng tháng, không chỉ giới hạn một số vị trí, cơ quan như dự thảo Nghị quyết quy định.

img_5502.jpg
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu

Mặt khác, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị, xem xét bổ sung đối tượng là công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đại biểu, xuyên suốt trong quá trình xây dựng pháp luật của Quốc hội từ quy trình xây dựng chính sách, đến khâu soạn thảo luật, pháp lệnh nghị quyết đến quy trình xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội đều có sự tham gia của công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tại các tỉnh, thành phố với vai trò tham mưu cho Đoàn ĐBQH và ĐBQH.

img_5306.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp

Bên cạnh đó, công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tại các tỉnh, thành phố đã tham mưu đắc lực cho Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tại các tỉnh, thành phố sẽ không thuộc đối tượng Chính phủ quy định do không tham mưu xây dựng pháp luật cho chính quyền địa phương. Đồng thời, cũng không thuộc đối tượng do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định do công chức tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH mặc dù tham mưu trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nhưng lại thuộc biên chế và hưởng lương của địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm rõ khái niệm “người trực tiếp, thường xuyên” làm công tác xây dựng pháp luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO