Làm rõ hơn thẩm quyền phê chuẩn, thẩm tra

Trần Hiếu - Nguyễn Thăng 14/01/2016 18:32

(ĐBNDO) - Cần quy định rõ hơn về thẩm quyền phê chuẩn, thẩm tra những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, thực hiện là ý kiến nêu ra tại tại phiên họp thứ 44 của UBTVQH thảo luận về Dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).

Quy định rõ vai trò của cơ quan thẩm tra

 Điều 10. Thẩm quyền quyết định đàm phán điều ước quốc tế

1. Chủ tịch nước quyết định bắt đầu đàm phán, ủy quyền đàm phán, chủ trương đàm phán và kết thúc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định bắt đầu đàm phán, ủy quyền đàm phán, chủ trương đàm phán và kết thúc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý, luật phải bảo đảm và thể hiện được yêu cầu tại Khoản 14 của Điều 74 của Hiến pháp. Trong đó, quy định QH phê chuẩn quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế. Theo đó, trong Luật có hai vấn đề quan trọng là quyết định gia nhập và quyết định chấm dứt, nhưng phần quy định trong dự thảo về chấm dứt điều ước quốc tế chưa rõ: tại sao chấm dứt ? lý do chấm dứt ? quy trình thủ tục để chấm dứt như thế nào ? Vấn đề này trong dự thảo không thể quy định chấm dứt cũng như sửa đổi bổ sung. Bởi quy định như thế, hậu quả sẽ khó xác định, như vậy việc chấm dứt toàn phần hay chấm dứt một phần điều ước sẽ khó khăn trong việc quyết định. Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị, trong Dự thảo Luật cũng cần quy định rất rõ việc trình QH phê chuẩn. Cụ thể, những vấn đề gì thì trình QH? Chủ tịch Nước phê chuẩn về vấn đề gì ?. Trước đây vấn đề này chúng ta còn lúng túng, nhưng hiện nay trong Hiến pháp đã quy định rất rõ. Vì vậy, dự thảo luật cần thống nhất theo tinh thần của Hiến pháp.  

Về  thẩm quyền quyết định đàm phán điều ước quốc tế như trong dự thảo, Chủ nhiệm Phan Trung Lý bày tỏ băn khoăn chưa rõ về thẩm quyền của cơ quan thẩm tra. Theo luật hiện hành quy định thẩm tra điều ước quốc tế thì giao cho UB Đối ngoại là phù hợp, nhưng phải làm rõ hơn việc tham gia thẩm tra hoặc cùng thẩm tra vì có nhiều điều ước quốc tế hiện nay ngoài mặt đối ngoại thì nội dung rất nhiều vấn đề cần có sự tham gia ý kiến của các cơ quan liên quan. Chủ nhiệm đưa ra dẫn chứng, sắp tới chúng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, các cơ quan của QH, ngoài UB Đối ngoại thì các Ủy ban khác cũng cần phải tham gia thẩm tra hay cùng thẩm tra. Theo đó, cần phải quy định rõ hơn về trách nhiệm, vai trò của các cơ quan tham gia về vấn đề này.

Ảnh:Lâm Hiển
Ảnh:Lâm Hiển

Làm rõ hơn giá trị ý kiến của UBTVQH

Trong trường hợp ký kết điều ước quốc tế hoặc gia nhập điều ước quốc tế mà trái với pháp lệnh của UBTVQH hoặc phải sửa đổi bổ sung pháp lệnh của UBTVQH, Nghị quyết của UBTVQH thì ý kiến của của UBTVQH là cơ sở để cơ quan ký gia nhập điều ước quốc tế xem xét quyết định. Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưuvấn đề ở đây là cần làm rõ hơn giá trị của ý kiến của UBTVQH. Bởi nếu ý kiến này đúng và được đồng ý thì sẽ là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền quyết định ký và gia nhập là quyết định. Còn nếu như UBTVQH không đồng ý thì vấn đề ký vẫn phụ thuộc vào việc xem xét quyết định ở cơ quan có thẩm quyền ký và quyết định gia nhập ... Phó chủ tịch QH cho rằng, gần đây có một số điều ước quốc tế, công ước quốc tế có liên quan đến quyền con người quyền cơ bản nghĩa vụ công dân nhưng lại được hiểu những trường hợp này chỉ cần cấp phê chuẩn là Chủ tịch nước và Chính phủ mà không trình ra QH phê chuẩn, bởi vì xuất phát từ tư duy cho rằng đây là những thông lệ chung. Thực tế những vấn đề này theo đúng quy định của khoản 14, điều 74 là phải trình QH. Theo đó cần làm rõ hơn nội hàm về vấn đề này để tổ chức thực hiện cho thống nhất. 

Dự thảo quy định về thẩm quyền của Bộ Tư pháp thẩm định, thẩm quyền về Bộ Ngoại giao thẩm tra, theo Phó chủ tịch quy định như dự thảo là chưa hợp lý, bởi nếu giao cho Bộ Ngoại giao thẩm tra thì tất cả các điều ước quốc tế mà có nội hàm, nội dung thuộc thẩm định của Bộ Tư pháp, thì Bộ Ngoại giao cũng không đủ điều kiện, nhất là thẩm tra về tính hợp Hiến, tính phù hợp của điều ước đó với các văn bản pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Phó chủ tịch đề nghị cần quy định rõ , nếu không phân định rõ thì có thể dẫn đến không rõ trách nhiệm của các cơ quan khi có vấn đề gì xảy ra. 

 Điều 15. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký điều ước quốc tế

1. Trước khi quyết định ký điều ước quốc tế có quy định khác hoặc chưa được quy định trong luật, nghị quyết của QH, quy định trái pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, điều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, cơ quan có thẩm quyền quyết định ký điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 16 của Luật này trình UBTVQH cho ý kiến.

2. Ý kiến của UBTVQH là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền quyết định ký điều ước quốc tế theo Điều 16 của Luật này xem xét, quyết định ký điều ước quốc tế đó.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm rõ hơn thẩm quyền phê chuẩn, thẩm tra
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO