Góp ý cho Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng về dự thảo “Báo cáo cải thiện quy định kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng năng suất tại Việt Nam”, VCCI cho rằng, báo cáo đã phản ánh và đánh giá khá toàn diện về Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và việc thực thi Nghị quyết này.
Các kiến nghị chính sách trong Báo cáo khá hợp lý và thuyết phục, sẽ rất hữu ích cho các nhà soạn chính sách khi xây dựng các chính sách dài hơi tiếp theo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Để hoàn thiện hơn nữa Báo cáo, VCCI cũng đề nghị cân nhắc, xem xét một số nội dung, trong đó có các khuyến nghị chính sách.
Cụ thể, kiến nghị “cải cách cấp phép cần được hỗ trợ bởi cải cách về kiểm tra”, theo VCCI là chưa rõ. Bởi hiện nay, đối với hoạt động kinh doanh, Nhà nước quản lý theo các cơ chế: cấm đầu tư kinh doanh; áp đặt điều kiện kinh doanh và kinh doanh mà không chịu ràng buộc bởi điều kiện hoặc giấy phép ngoài việc đăng ký kinh doanh. Tùy mức độ rủi ro và tác động đến lợi ích công cộng mà Nhà nước sẽ xác định các biện pháp quản lý tương ứng. Đối với cơ chế cấp phép hoặc không cấp phép kinh doanh, Nhà nước vẫn thực hiện các hoạt động kiểm tra, thanh tra để bảo đảm doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật.
Vì vậy, VCCI cho rằng, kiến nghị cấp phép và kiểm tra là các hoạt động có liên quan với nhau, do đó điều quan trọng là phải phát triển các chiến lược quản lý có xem xét song song các biện pháp kiểm soát trước và sau (kiểm tra). Điều này sẽ bảo đảm một cách tiếp cận chặt chẽ đối với quy định kinh doanh, theo đó các hoạt động kinh tế được xử lý nhất quán dựa trên những rủi ro mà chúng gây ra cho các mục tiêu của cơ quan quản lý. Việc lồng ghép quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra cũng sẽ giúp bảo đảm rằng các hoạt động kinh tế có rủi ro thấp, chịu sự kiểm soát nhẹ nhàng hơn từ trước, sẽ không bị phát hiện”, đang không rõ hướng thực hiện sẽ như thế nào đối với các hoạt động kinh doanh.
“Kiến nghị này có được hiểu, đối với các hoạt động rủi ro thấp, cơ quan Nhà nước sẽ không tiến hành kiểm tra trước (áp dụng cơ chế tiền kiểm) và áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với các hoạt động kinh doanh này? Báo cáo cần viết rõ hơn”, VCCI góp ý.
Về kiến nghị “làm rõ danh mục hoạt động kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư”, theo VCCI, cần xem xét lại ở các điểm: hiện nay việc xem xét điều kiện kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là khá rõ ràng và Luật Đầu tư đã yêu cầu công bố công khai. Các điều kiện kinh doanh quy định cụ thể ở pháp luật chuyên ngành chứ không phải là trong Luật Đầu tư.
Vì vậy, nhận định việc xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục IV của Luật Đầu tư theo hướng áp dụng phân loại các hoạt động kinh tế chuẩn ví dụ VSIC bốn chữ số “sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người quản lý doanh nghiệp kiểm tra các yêu cầu cấp phép áp dụng cho các hoạt động kinh tế này” dường như chưa thực sự phù hợp. Mặt khác, việc xác định ngành nghề nào là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho ra hay bỏ vào Danh mục tại Phụ lục IV Luật Đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là Chính phủ.
Ngoài ra, cần xem lại tính khả thi của kiến nghị “xây dựng khuôn khổ pháp lý theo chiều ngang cho việc cấp giấy phép kinh doanh”. Bởi, trong hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay, các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh đều quy định riêng tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và tuân thủ nguyên tắc quy định về thủ tục hành chính. Luật Đầu tư đang quy định, các yêu cầu nào mà doanh nghiệp phải đáp ứng và phải xin phép mới được hoạt động kinh doanh đều được xem là giấy phép kinh doanh. Còn việc gọi theo tên gọi nào, dường như không quá quan trọng, và không ảnh hưởng đến bản chất của loại giấy phép. Các yêu cầu về thủ tục hành chính đã được quy định tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP. “Xuất phát từ thực tế này, nếu đề nghị xây dựng Luật chung về giấy phép hoạt động và thông báo sẽ khó khả thi vì rất khó thuyết phục được tính cần thiết để ban hành Luật này”, VCCI góp ý.