Làm rõ địa vị pháp lý của Quỹ phát triển khoa học, công nghệ quốc gia
Cần làm rõ địa vị pháp lý của Quỹ phát triển khoa học, công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; bổ sung nguyên tắc, nhiệm vụ, dự án được hỗ trợ từ các quỹ này trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh và phản biện khoa học.
Đó là đề xuất của các ĐBQH Tổ 17 (gồm các Đoàn ĐBQH: Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau) trong phiên thảo luận chiều nay, 6/5 về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là Nghị quyết 57 - NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Dự thảo Luật quy định nguyên tắc hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguyên tắc hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
.jpg)
Tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030).
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm gắn kết và phát triển khoa học, công nghệ quân sự, công nghệ quốc phòng với sự phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo sức mạnh tổng hợp cho đất nước, có chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng đối với các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, nhân lực chất lượng cao tham gia phục vụ trong lực lượng vũ trang.
Đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định rõ việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển số quốc gia, không tạo ra kẽ hở để lộ, lọt bí mật khoa học, công nghệ đặc biệt là công nghệ mới công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Ưu tiên phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, kỹ thuật nghiệp vụ an ninh, chỉ huy tác chiến của lực lượng vũ trang, phù hợp với chính sách đặc thù, vượt trội trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vừa được Quốc hội thông qua.
Về Quỹ phát triển khoa học, công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã thể hiện được chủ trương hình thành và phát triển các quỹ tài chính nhà nước phục vụ hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, để hoàn thiện cơ sở sở pháp lý, tạo hành lang pháp lý minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, đại biểu đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của các quỹ, đồng thời bổ sung nguyên tắc, nhiệm vụ, dự án được hỗ trợ từ các quỹ trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh và phản biện khoa học; bảo đảm phù hợp với chiến lược quốc gia, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ mới, công nghệ sạch cũng như các lĩnh vực khó huy động vốn xã hội hóa.
Liên quan đến chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu rõ, chấp nhận rủi ro là cần thiết để khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhưng cần tránh lạm dụng, làm thất thoát ngân sách. Do vậy, đề nghị xem xét bổ sung quy định về quy trình đánh giá, xác định rủi ro ngay trong dự thảo Luật thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết.