Chính trị

Làm rõ danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm và dữ liệu cá nhân cơ bản

Đan Thanh 12/05/2025 18:11

Góp ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị, cần giải thích rõ định nghĩa cũng như danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm và dữ liệu cá nhân cơ bản để có biện pháp quản lý phù hợp. Nếu không phân loại rõ và có kiểm soát chặt chẽ, có thể sẽ bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều nay, 12/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

b1(1).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 14 chiều 12/5. Ảnh: Đ. Thanh

Làm rõ căn cứ xử phạt 1 - 5% doanh thu

Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa), góp ý vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Nguyễn Thị Thúy Ngần (Bắc Giang) cho rằng, trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng công nghệ thông tin càng nhiều thì việc sử dụng cung cấp thông tin cá nhân càng lớn.

Do đó, dữ liệu trở thành loại tài nguyên giá trị, tài sản chiến lược quốc gia, là nguyên liệu cốt lõi trong nền kinh tế số. Vì vậy, đại biểu hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này.

Tuy vậy, đại biểu cho rằng, nội dung về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật còn khá rộng, bao trùm. Hiện, đã có các luật liên quan như Luật Dữ liệu năm 2024, Luật Căn cước, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng.

v1.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Thúy Ngần (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Về bản chất, dữ liệu cá nhân cũng là một bộ phận của dữ liệu, do đó các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân đã phần nào được điều chỉnh trong các luật nêu trên. Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần đề nghị, nên cân nhắc việc có tiếp tục mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân hay không, để tránh mâu thuẫn, phân tán trách nhiệm, khó xác định thứ tự ưu tiên áp dụng pháp luật.

Theo đại biểu, dự thảo Luật nên giới hạn phạm vi điều chỉnh một cách rõ ràng, chỉ tập trung vào hai nội dung chính là: Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể có liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Điều 4 dự thảo Luật quy định: Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1 - 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chính phủ quy định chi tiết quy định cụ thể về mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.

Bày tỏ nhất trí, cần có chế tài mạnh mẽ để bảo vệ hiệu quả quyền dữ liệu cá nhân, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần đề nghị cần làm rõ hơn căn cứ đưa ra mức 1 - 5%, để bảo đảm tính khả thi của điều luật.

v2.jpg
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật, song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn về áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% - 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đại biểu, đây là mức cao.

Có những trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì lấy gì để xử phạt? - Nêu câu hỏi này, đại biểu đề nghị nên cân nhắc quy định theo hướng căn cứ vào quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính để xử phạt bằng tiền; tuy theo mức độ của sai phạm sẽ có mức xử phạt bằng tiền tương ứng.

Bổ sung quy định cụ thể về năng lực hành vi dân sự của chủ thể dữ liệu

Liên quan sự đồng ý của chủ thể dữ liệu (Điều 10 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần nêu rõ, đây là một nguyên tắc pháp lý quan trọng cho toàn bộ quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.

“Việc yêu cầu có sự đồng ý rõ ràng, minh bạch của chủ thể dữ liệu là phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như bảo đảm quyền tự quyết của cá nhân đối với thông tin riêng tư của mình theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Khẳng định điều này, song theo đại biểu, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về năng lực hành vi dân sự của chủ thể dữ liệu và vai trò của người đại diện theo pháp luật trong việc cho phép xử lý dữ liệu cá nhân.

“Điều này đặc biệt cần thiết đối với các đối tượng như người chưa thành niên, người bị mất hoặc có năng lực hành vi hạn chế - những chủ thể này không thể trực tiếp đưa ra sự đồng ý một cách độc lập và đầy đủ”, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần nêu rõ.

Ngoài ra, theo đại biểu, tại Điều 22 và Điều 23 dự thảo Luật đã quy định về quy trình xử lý dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, đã chết và trẻ em, nhưng còn thiếu người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Do đó, đề nghị bổ sung đối tượng này để bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Dân sự.

Xác định rõ dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm

Cho rằng, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là dự luật rất khó, liên quan đến rất nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan quyền con người, qua nghiên cứu, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nhận thấy, có nhiều điều khoản liên quan đến dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

v3.jpg
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Tại khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật quy định: "Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể, bao gồm: dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm".

Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật không giải thích rõ ràng thế nào là “dữ liệu cá nhân cơ bản”, thế nào là “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” và cũng không đưa ra danh mục cụ thể.

Trong khi đó, ở bản dự thảo Luật trình Quốc hội tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 7 (tháng 3/2025) có giải thích rõ định nghĩa kèm theo danh mục.

“Phải chăng Ban soạn thảo có ý giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Song dù có như vậy, thì cũng nên giải thích từ ngữ cho rõ tại dự thảo Luật”, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị.

Còn về danh mục dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm, theo đại biểu, có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết, song trong dự thảo Nghị định gửi kèm dự thảo Luật cũng chưa quy định rõ nội dung này.

Nhấn mạnh đây là điều rất quan trọng liên quan đến quyền con người, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị, cần giải thích rõ định nghĩa cũng như danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm và dữ liệu cá nhân cơ bản để có biện pháp quản lý phù hợp. Nếu không phân loại rõ và có kiểm soát chặt chẽ, có thể sẽ bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Liên quan đến việc chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài, đại biểu Phạm Văn Hòa cơ bản đồng tình với quy định của dự thảo Luật, song đề nghị không nên chuyển tất cả dữ liệu cá nhân ra nước ngoài mà cần cân nhắc đối với các dữ liệu cá nhân nhạy cảm, có nội dung ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm rõ danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm và dữ liệu cá nhân cơ bản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO