Sửa luật để đáp ứng yêu cầu cấp bách về tăng trưởng điện năng
Tại phiên thảo luận của Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu) chiều 26.10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của tăng trưởng về điện năng.
Theo quy hoạch và dự kiến, đến 2030, cả nước cần đầu tư gấp 2 lần hệ thống điện hiện nay. Hiện, tổng công suất khoảng 80.000 MW, đến 2030 phải đạt tối thiểu 150.524 MW, tức gấp gần 2 lần hiện nay và đến 2050 phải đạt gấp 5 lần hiện nay, tương đương 530.000 MW trên toàn quốc. Với việc phát triển nguồn mạnh như thế, nếu không có cơ chế thì không thể nào thực hiện.
Để phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050 cần phải chuyển dịch năng lượng, đồng nghĩa phát triển mạnh năng lượng tái tạo, chuyển đổi nguồn điện bù cho điện sử dụng hóa thạch từ than, điện khí. Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật có liên quan rất thông thoáng, đồng bộ mới có thể đạt mục tiêu đề ra.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sở dĩ Ban soạn thảo đề xuất lấy tên gọi là Luật Điện lực (sửa đổi) thay vì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực bởi các lý do sau:
Một là, khi giám sát thực hiện Luật Điện lực, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 937 ngày 13.12.2023, yêu cầu có cơ chế tổng thể để giải quyết bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực điện, mà muốn vậy thì phải sửa toàn diện. Hơn thế nữa, trong quá trình thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều vấn đề, trên cơ sở đó Ban soạn thảo đều đã cố gắng đưa vào trong dự thảo luật để tháo gỡ.
Hai là, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Nếu không sửa Luật Điện lực một cách toàn diện thì sẽ khó hợp tác, thu hút đầu tư.
Ba là, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mới, như Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW). Theo Bộ trưởng, dù chúng ta đã quán triệt, có thể chế nhưng chưa tới tầm, vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật; trong khi điện là ngành đặc thù, nếu không ưu tiên theo Luật Điện lực thì công trình điện sẽ vô cùng khó khăn.
Bốn là, nhu cầu điện tăng phi mã, nên cần phải sửa đổi Luật Điện lực một cách toàn diện để tháo gỡ khó khăn.
Năm là, nước ta có nhiều loại hình nguồn điện có tiềm năng lớn, chẳng hạn như năng lượng tái tạo. Nếu không có cơ chế đồng bộ, khả thi thì sẽ khó làm, bởi không vướng Luật Quy hoạch thì vướng Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Do đó, cần thiết kế lại đồng bộ và phải ưu tiên theo Luật Điện lực.
Ngoài ra, nhìn từ cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua gây cháy trạm điện, đổ cột, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu tổ chức đấu thầu thì sẽ mất thời gian. Hiện, công trình cấp bách đã được quy định trong Luật Đầu tư, nhưng công trình khẩn cấp thì chưa có quy định. Do vậy, rất cần có cơ chế đặc biệt cho các công trình điện khẩn cấp, cấp bách để ứng phó với các sự cố trong tương lai…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, theo Quy hoạch điện VIII, chỉ còn hơn 5 năm nữa chúng ta phải đạt công suất gấp 2 lần hiện nay. Trong khi đó, để làm một dự án điện than theo quy hoạch cũ cần tới 5 - 6 năm; điện khí cần 7 - 8 năm; điện hạt nhân nếu được thông qua chủ trương cần tới 10 năm. Nếu luật không được thông qua trong năm nay thì sẽ không có cách nào thực hiện yêu cầu của Quy hoạch điện VIII.
Mặt khác, chúng ta phải chuyển đổi mạnh về nguồn để đạt Net Zero. Nếu không sửa luật này thì năng lượng tái tạo không thể phát triển, nhà đầu tư sẽ không vào. Đơn cử, muốn phát triển 34.000MW điện khí, thì cứ trên 1.000MW, nhà đầu tư phải bỏ ra 1,5 - 1,6 tỷ USD. Với số tiền lớn như thế, nhà đầu tư cần được biết Nhà nước sẽ bao tiêu cho họ sản lượng điện tối thiểu là bao nhiêu, nếu không sẽ không ai dám đầu tư. Tuy nhiên, luật hiện hành không cho phép quy định bao tiêu sản lượng điện tối thiểu, như vậy sẽ không thể thực hiện được.
Bổ sung quy định về tính kịp thời trong xây dựng và điều chỉnh giá điện
Tại phiên thảo luận ở Tổ 4, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực.
Góp ý cụ thể vào dự thảo luật, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, tại điều 10 quy định về Phạm vi của quy hoạch phát triển điện lực và phương án phát triển nguồn, lưới điện của cấp tỉnh, có nhiều nội dung chưa được quy định rõ, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát, quy định cụ thể.
Chẳng hạn, tại điểm a, Khoản 1, Điều 10 Quy hoạch phát triển điện lực, bao gồm tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 10 thì nguồn điện có quy mô công suất lắp đặt dưới 50 MW và lưới điện đấu nối từ 110 kV trở xuống lại chỉ thuộc Phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh mà không có trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.
“Quy định như dự thảo luật là chưa có sự đồng bộ. Vì theo quy định của Luật Quy hoạch thì quy hoạch cấp thấp phải phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy định cho đồng bộ, thống nhất”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị.
Hay tại điểm a, Khoản 3, Điều 10 về Nguồn điện sử dụng nguồn nhiệt dư từ dây chuyền sản xuất sản phẩm cho nhu cầu tự sử dụng, không bán điện lên hệ thống điện mà có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia thì có thuộc phạm vi của Quy hoạch phát triển điện lực hay phương án phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh không? Ban soạn thảo cần làm rõ nội dung này, đồng thời rà soát nghiên cứu quy định bảo đảm pháp luật thực hiện công tác quản lý nhà nước.
ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) bổ sung, dự thảo luật cần giải thích rõ nhiều thuật ngữ mới như: carbon thấp, hệ thống điện bền vững, giá bán buôn điện bình quân, giá cố định, giá biến đổi, giá tạm thời, giá chính thức, giá điều tiết, giá điều độ vận hành…; qua đó tạo sự thống nhất về nhận thức.
Đối với quy định về an toàn công trình thủy điện (Mục 3, Chương VII dự thảo luật), đối với đập, hồ thủy điện, đề nghị bổ sung quy định giao thẩm quyền cho một chủ thể giải quyết tranh chấp giữa quy trình điều tiết chống hạn, mặn, thủy lợi để bảo đảm an ninh lương thực với quy trình vận hành đập, hồ trong trường hợp phải giữ nước để bảo đảm an ninh năng lượng.
Về giá điện, theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, dự thảo luật cần bổ sung quy định về tính kịp thời trong xây dựng và điều chỉnh giá điện, vì cùng với việc tính đúng, tính đủ với lợi nhuận hợp lý trong giá điện, phải bảo đảm tính kịp thời để hạn chế tác động không tốt trong kinh doanh cho các đơn vị điện lực; bảo đảm cung cấp “tín hiệu” (thông tin) kinh tế kịp thời, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cho cả sản xuất và tiêu thụ điện; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện phù hợp với thực tiễn…
Bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa khi thực hiện dự án điện gió ngoài khơi
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị, để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi, Ban soạn thảo cân nhắc thể chế hóa và quy định rõ trong dự thảo luật về thẩm quyền của Chính phủ trong phát triển điện gió ngoài khơi; cụ thể các cơ chế ưu đãi đặc thù đối với dự án điện gió ngoài khơi cũng như cơ chế khuyến khích, ưu tiên xuất khẩu điện từ nguồn điện này; bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa trong sử dụng hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cũng theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, về lựa chọn nhà đầu tư điện gió ngoài khơi, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi điểm a, Khoản 1 Điều 42 của dự thảo “a. Dự án không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh” thành “a. Để bảo đảm an ninh, quốc phòng và quyền chủ quyền, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao công ty 100% vốn nhà nước hoặc đơn vị thành viên của công ty 100% vốn nhà nước đề xuất đối tác đầu tư hoặc hợp tác với nhà đầu tư được lựa chọn theo quy định của Chính phủ”. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ không huy động được tối đa nguồn lực từ các đơn vị thuộc tập đoàn Nhà nước.
Chia sẻ với các ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị, về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi (Điều 41), Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi điểm b, Khoản 1, Điều 41 như sau: “b) Nhà đầu tư được chấp thuận thực hiện khảo sát tại điểm b khoản 3 Điều 40 Luật này lập hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư tại khu vực khảo sát và đồng thời trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu vực được thực hiện nghiên cứu, khảo sát theo pháp luật về đầu tư”, để thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát và thực hiện các thủ tục pháp lý lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương để khảo sát, nghiên cứu…