Làm phim lưu giữ văn hóa các dân tộc

Thanh Yến 06/01/2014 09:16

Văn hóa các dân tộc thiểu số có vị trí quan trọng trong nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc của Việt Nam. Cùng với xu thế toàn cầu hóa, sự xuất hiện của internet và du lịch đại chúng đã ảnh hưởng nhất định đến văn hóa truyền thống của các dân tộc. Vì vậy, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp thiết, trong đó làm phim dân tộc học là một cách hữu hiệu.

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô Nguồn: silo.vn
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô                         Nguồn: silo.vn

Từ năm 2005, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VICAS) đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) thực hiện dự án sản xuất và khai thác loạt phim tài liệu với tiêu đề Việt Nam, những lễ hội và nghi thức tại một số dân tộc thiểu số. Theo đó, dự kiến sản xuất 6 phim tài liệu có thời lượng 26 phút do Guy Devart đạo diễn, nhằm tái hiện các lễ hội, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như: Tày, La Ha, Lô Lô, Kháng, Mường, trên cơ sở các dữ liệu VICAS cung cấp. Mới đây, hai bộ phim tài liệu Lễ hội cầu mùa (dân tộc La Ha) và Lễ cúng tổ tiên (dân tộc Lô Lô) đã được chiếu giới thiệu tại Hà Nội.

Lễ hội cầu mùa và lễ cúng tổ tiên là hai di sản văn hóa phi vật thể của hai dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Hai bộ phim được hoàn thành dựa trên những đoạn phim tư liệu do các nghiên cứu viên VICAS quay năm 1999 và năm 2002. Đến năm 2005, trên cơ sở tư liệu của VICAS, đặc biệt là từ những cảnh quay vào các thời khắc quan trọng của nghi lễ, đạo diễn Guy Devart đã bắt tay thực hiện phần hậu kỳ cho hai bộ phim. Tuy nhiên, hai bộ phim mới chỉ giới thiệu, mô tả các hoạt động trong lễ hội của hai dân tộc thiểu số mà chưa có sự tiếp cận tổng thể về văn hóa của họ. Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa sinh thái và Du lịch (VICAS), PGs, Ts Bùi Quang Thắng nhận xét: ấn tượng đầu tiên của hai bộ phim chính là âm thanh, nhờ có âm thanh mà hình ảnh trong phim trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Đáng tiếc là cả hai bộ phim này đều thiếu vắng tiếng nói của chủ thể. Giá như đạo diễn để nhân vật nói bằng ngôn ngữ của dân tộc họ và thực hiện phần phụ đề cho các lời hát, lời thầy cúng thì người xem sẽ phát hiện được nhiều điều thú vị trong văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.  

Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu và sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, điều quan trọng là phải làm thế nào để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản của mỗi người trong chính dân tộc đó. Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, PGs.Ts Nguyễn Chí Bền cho biết: “Hiện Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đang triển khai chương trình quốc gia về sưu tầm và bảo tồn văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số. Theo đó, mỗi dự án sưu tầm là một bộ sản phẩm gồm: băng ghi âm, băng ghi hình, album ảnh và báo cáo khoa học. Băng ghi hình gồm băng tư liệu và băng đã biên tập thành phim khoa học (phim dân tộc học) có độ dài trung bình khoảng 25 - 30 phút nhằm giới thiệu bức tranh toàn diện về chủ đề của phim. Vì vậy, làm phim về dân tộc học có thể xem là phương án tốt trong việc lưu trữ và giữ gìn văn hóa các dân tộc ít người ở Việt Nam”.

PGs, Ts Bùi Quang Thắng cũng khẳng định, làm phim dân tộc học không thể thiếu trong công tác bảo tồn. Tuy nhiên, muốn phát huy hiệu quả, mỗi bộ phim dân tộc học phải có tiếng nói của chính nhân vật, tức là phải được làm bằng ngôn ngữ của dân tộc đó. Để bảo tồn đời sống thực tại của mỗi tộc người, phim về dân tộc học phải làm cho đồng bào hiểu, để họ biết tự hào và quý trọng, từ đó họ có ý thức bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc mình. Để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả nghệ thuật của các bộ phim dân tộc học, theo đạo diễn Guy Devart, các nhà nghiên cứu cần nhiều thời gian thực địa, sống cùng cộng đồng, quan sát và ghi hình các hoạt động đời sống bên ngoài lễ hội. Từ các tư liệu đó, chúng ta mới có thể dựng thành những bộ phim tài liệu hoàn chỉnh.

Dự án làm phim dân tộc học là bước đầu thành công trong quan hệ hợp tác giữa VICAS và CNRS với mục đích giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc ít người ở Việt Nam. Giám đốc hình ảnh CNRS Catherine Balladur tin tưởng: trong bối cảnh truyền hình, internet đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất của Việt Nam thì sự ra đời của phim tài liệu dân tộc học là một trong những cách làm hay để bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ kỹ thuật hiện đại cũng sẽ góp phần cải thiện chất lượng và nâng cao thời gian lưu trữ cho các phim tài liệu về di sản văn hóa. Thời gian tới, CNRS sẽ tiếp tục hợp tác cùng VICAS để bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm phim lưu giữ văn hóa các dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO