Văn phòng Thống kê quốc gia Anh hôm 19.6 cho biết tỷ lệ lạm phát, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng, đã giảm xuống 2% trong tháng 5, từ mức 2,3% của tháng trước. Tỷ lệ này đã giảm sau gần ba năm vượt mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đề ra. Lần cuối cùng lạm phát ở mức 2% là vào tháng 7.2021 trước khi cả giá bắt đầu tăng vọt. Nguyên nhân là do gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid - 19. Sau đó, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến chi phí năng lượng tăng cao.
Dữ liệu này được đưa ra trong bối cảnh BoE vừa phát đi tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất vào mùa hè, khi chi phí đi vay đang ở mức cao nhất trong 16 năm là 5,25% để hạn chế đà tăng giá hơn nữa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, BoE sẽ chưa cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 20.6. Một số nhà hoạch định chính sách vẫn lo ngại về quy mô tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ quan trọng và tốc độ tăng lương. Điều này làm tăng nguy cơ lạm phát trở lại ngân hàng cắt giảm lãi suất quá sớm. Thị trường tài chính gần như có sự đồng thuận cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 8.
Ông Suren Thiru, Giám đốc kinh tế tại Viện Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales, cho biết: “Bất chấp tỷ lệ giảm lạm phát có sự sụt giảm mang tính bước ngoặt, vẫn còn những lo ngại về áp lực giá cả và tác động của việc thay đổi chính sách trước cuộc tổng tuyển cử. Điều đó có nghĩa là khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 6 gần như chắc chắn không thể thực hiện được”.
Mặc dù BoE hoạt động độc lập với Chính phủ nhưng cũng có kỳ vọng chung rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ giữ vững lập trường trong chiến dịch bầu cử.
BoE cũng giống như Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác, đã tăng lãi suất mạnh mẽ vào cuối năm 2021 để hạn chế đà gia tăng nhanh chóng của lạm phát, từng đạt mức cao trên 11%.
Tin tức về lạm phát giảm mạnh tạo tiền đề cho cuộc tổng tuyển cử năm nay, khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang bị đảng Lao động dẫn trước trong các cuộc thăm dò ý kiến.
Thủ tướng Sunak, người coi việc cắt giảm lạm phát là ưu tiên hàng đầu, nhấn mạnh: “Hôm nay đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế, khi lạm phát trở lại bình thường. Đây là bằng chứng cho thấy các kế hoạch và những quyết định khó khăn mà chúng tôi đưa ra đang mang lại kết quả”.
Tuy nhiên, phát ngôn viên tài chính của Công đảng Rachel Reeves đã chỉ trích khả năng quản lý nền kinh tế của Đảng Bảo thủ, khi để xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ. Bà Reeves lập luận: “Lạm phát đã giảm nhưng bây giờ không phải là lúc để các bộ trưởng Đảng Bảo thủ khui sâm panh. Giá cả tăng vọt, hóa đơn thế chấp tăng và thuế đang ở mức cao nhất trong 70 năm”.
Việc duy trì lãi suất cao một mặt giúp hạ nhiệt nền kinh tế bằng bằng cách khuyến khích người dân chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều hơn, đã giúp giảm bớt lạm phát, nhưng gây ra sự trì trệ đối với nền kinh tế Anh, vốn hầu như không tăng trưởng kể từ khi đại dịch bùng phát.