Quốc tế

Lạm phát giảm hơn 100 lần: Từ "liệu pháp sốc" đến phép màu kinh tế Argentina

Hồng Nhung 21/07/2025 14:54

Việc Moody’s vừa nâng hạng tín nhiệm cho Argentina là minh chứng mới nhất cho hiệu quả của chính sách thị trường tự do mà Tổng thống Javier Milei theo đuổi - dù còn gây tranh cãi nhưng đang từng bước làm thay đổi diện mạo nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-21 121126
Những cảnh báo từ giới chuyên gia kinh tế về những thử nghiệm táo bạo của Tổng thống
Javier Milei đã được thực tế chứng minh là hoàn toàn sai lầm. Ảnh: Getty Images

Giữa lúc nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang vật lộn với áp lực tài chính: Từ việc Pháp cắt giảm ngày nghỉ lễ để xoa dịu thị trường trái phiếu, cho đến việc Anh loay hoay giải quyết “lỗ hổng ngân sách” hay Mỹ đối mặt với những nghi vấn về tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang, thì một quốc gia từng gắn liền với những cụm từ như “vỡ nợ”, “lạm phát phi mã”, “quản lý yếu kém” lại đang chứng kiến một cú lội ngược dòng ngoạn mục.

Argentina - với lịch sử 9 lần vỡ nợ trong vòng 200 năm - vừa được hãng xếp hạng tín dụng Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm từ Caa3 lên Caa1, lần thứ hai kể từ khi ông Javier Milei nhậm chức Tổng thống vào cuối năm 2023. Bước chuyển này là dấu hiệu cho thấy thị trường tài chính quốc tế đang dần có cái nhìn khác về nền kinh tế nước này.

Moody’s dẫn lý do nâng hạng là nhờ việc Argentina đã thực hiện “tự do hóa mạnh mẽ tỷ giá hối đoái và kiểm soát vốn”. Đây chỉ là một trong nhiều minh chứng cho sự cải thiện tổng thể của nền kinh tế Argentina dưới thời Tổng thống Milei - một nhà lãnh đạo theo đường lối tự do cực đoan, người cam kết vực dậy nền kinh tế đất nước bằng cú sốc cải cách mạnh tay.

Từ “liệu pháp sốc” đến thặng dư ngân sách

Ngay khi bước vào nhiệm sở, Chính phủ của ông Javier Milei đã triển khai hàng loạt biện pháp cải cách gây tranh cãi nhưng quyết liệt như sa thải hơn 50.000 công chức; giải thể hoặc sáp nhập hơn 100 cơ quan, bộ ngành; đóng băng các dự án hạ tầng công; cắt bỏ trợ giá năng lượng và giao thông, đồng thời đưa ngân sách quốc gia từ trạng thái thâm hụt kéo dài sang thặng dư.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-21 121524
Hình ảnh Tổng thống Javier Milei gắn với chiếc cưa máy - với lời hứa "cắt giảm chi tiêu
của Chính phủ". Ảnh: Getty Images

Chính sách tự do hóa và cải tổ sâu rộng của Tổng thống Argentina đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải nhìn lại. Thay vì sụp đổ như một số dự đoán ban đầu, nền kinh tế Argentina đã phục hồi mạnh mẽ: Tăng trưởng kinh tế năm 2025 dự kiến đạt 5,7%, dù chi tiêu công bị cắt giảm trên diện rộng. Lạm phát giảm xuống còn 1,6%/tháng, so với hơn 200%/năm vào thời điểm ông Milei nhậm chức. Giá thuê nhà giảm 40%, sau khi chính phủ xóa bỏ kiểm soát giá thuê, tạo điều kiện cho nguồn cung bất động sản quay lại thị trường. Giá trái phiếu tăng, và chính phủ đã có thể vay vốn trở lại trên thị trường quốc tế. Ngành năng lượng đá phiến bắt đầu bùng nổ, Vista Energy tăng 57% sản lượng và kỳ vọng tăng gấp đôi trong hai năm tới.

Tất cả những kết quả này cho thấy một mô hình cải cách khác biệt đang được định hình tại quốc gia từng là biểu tượng của bất ổn kinh tế ở Nam Mỹ.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-21 120804
Tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Argentina dự kiến đạt 5,7%, cao hơn nhiều so với dự báo
của các nước phát triển. Nguồn: OECD

Lối đi ngược từ những hoài nghi

Trước khi ông Milei lên cầm quyền, 103 nhà kinh tế đã cùng ký thư ngỏ cảnh báo rằng các biện pháp cải cách cực đoan của ông có thể “tàn phá thực sự” nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra theo hướng ngược lại. Argentina, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, đang chứng kiến các chỉ số vĩ mô chuyển biến tích cực và ổn định hơn.

Điều này trái ngược hoàn toàn với tư duy chính sách hiện vẫn đang chi phối nhiều nền kinh tế phát triển: Coi chi tiêu công là động lực tăng trưởng, đẩy mạnh vai trò của các “doanh nghiệp nhà nước tiên phong”, thúc đẩy chiến lược công nghiệp thông qua bàn tay điều phối của nhà nước.

Tại Anh, hàng tỷ bảng đã đổ vào Quỹ Tài sản Quốc gia dù chưa rõ hiệu quả cụ thể. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng các quy định với kỳ vọng thúc đẩy cạnh tranh. Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, áp đặt thuế quan để định hình lại chuỗi cung ứng, đi ngược với nguyên lý thị trường. Trung Quốc vẫn giữ nguyên mô hình nhà nước chủ đạo, rót vốn vào hàng loạt ngành công nghiệp chiến lược.

Trong khi đó, Argentina lại chọn một hướng đi khác biệt, có phần mạo hiểm, nhưng bắt đầu mang lại kết quả.

Một mô hình mới cho tăng trưởng?

Liệu “phép màu Argentina” có bền vững hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Nước này vẫn đối mặt với tỷ lệ đói nghèo cao (dù đã giảm từ 57% xuống còn khoảng 38% vào cuối 2024), cấu trúc công nghiệp chưa thực sự hiện đại, và mức sống của đại bộ phận dân cư còn thấp. Nhưng rõ ràng, đường hướng cải cách quyết liệt theo tư duy thị trường đang tạo ra những biến chuyển thực chất, không chỉ trên giấy tờ, mà cả trong đời sống kinh tế.

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang loay hoay tìm hướng đi giữa nhiều thách thức từ khủng hoảng khí hậu, nợ công, già hóa dân số và năng suất trì trệ, câu chuyện của Argentina mang lại một góc nhìn khác: Cải cách thể chế, giảm vai trò nhà nước và giải phóng năng lực thị trường có thể là con đường khả thi để phục hồi tăng trưởng.

Moody’s đã nhận ra điều đó. Các nhà đầu tư quốc tế cũng đang dần để mắt tới Argentina. Và có lẽ, đến một thời điểm không xa, các nhà kinh tế và hoạch định cũng sẽ phải nhìn nhận nghiêm túc về hướng đi này.

Theo Telegraph
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Lạm phát giảm hơn 100 lần: Từ "liệu pháp sốc" đến phép màu kinh tế Argentina
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO