Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu Eurostat cho biết, tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 ở 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu ÂU đã giảm xuống 5,5% từ mức 6,1% của tháng 5. Mặc dù đó là mức giảm lớn so với mức đỉnh đỉnh điểm 10,6% trong tháng 10 năm ngoái, nhưng tình trạng giá cả vẫn tăng cao liên tục ở Mỹ, Châu Âu và Vương quốc Anh đã khiến một số ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất và để nguyên như vậy cho đến khi lạm phát giảm xuống mục tiêu 2%, vốn được coi là tốt nhất cho nền kinh tế.
Người tiêu dùng ở châu Âu chứng kiến chi phí năng lượng giảm còn 5,6% sau cuộc khủng hoảng năm ngoái, trong khi giá lương thực tăng 11,7% so với một năm trước đó, giảm từ mức 12,5% trong tháng 5.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí nhiên liệu và thực phẩm, tăng nhẹ lên 5,4% từ mức 5,3% của tháng trước.
Tỷ lệ lạm phát cũng không đồng nhất trên toàn khu vực đồng euro: Slovakia có mức cao nhất là 11,3%. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ghi nhận 6,8% và Pháp là 5,3%. Ba quốc gia đạt được mục tiêu 2% của ECB là Luxembourg ở mức 1%, Bỉ ở mức 1,6% và Tây Ban Nha ở mức 1,6%.
Tình trạng lạm phát tở nên căng thẳng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao. Bên cạnh đó, tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 cũng khiến nguồn cung linh kiện và nguyên liệu thô trở nên căng thẳng.
Giá năng lượng và lúa mì đã giảm xuống mức trước chiến tranh và các vấn đề về chuỗi cung ứng đã giảm bớt, nhưng lạm phát vẫn tiếp tục leo thang ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Các công ty cung cấp dịch vụ, một bộ phận lớn của nền kinh tế bao gồm các dịch vụ từ dọn dẹp văn phòng đến cắt tóc và chăm sóc y tế, đã tăng giá đáng kể. Dịch vụ hàng không, khách sạn cũng tính phí du khách mùa hè cao hơn, và người lao động đang thúc giục tăng lương để bù đắp cho sức mua bị hao hụt của họ.
Các ngân hàng trung ương trên khắp châu Âu cho biết, trong khi lạm phát giảm nhanh chóng kể từ khi đợt tăng lãi suất đầu tiên được thực hiện, việc tiến tới mức lạm phát mục tiêu là 2% có thể mất nhiều thời gian hơn và khó khăn hơn.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã cảnh báo trong tuần này rằng lạm phát đang trở nên dai dẳng hơn mong đợi. Tại hội nghị chính sách hàng năm của ngân hàng ở Sintra, Bồ Đào Nha, bà đã cùng với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell và Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey nói rõ rằng lãi suất các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở mức cao hơn và sẽ duy trì ở mức đó trong trường hợp cần thiết.
Bà Lagarde gần như đã tuyên bố sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 27.7 của ECB, và Jack Allen-Reynolds, phó giám đốc kinh tế khu vực đồng euro tại Capital Economics nói rằng “có khả năng cao sẽ có một đợt tăng lãi suất khác tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9”.
ECB cùng với các ngân hàng khác trên khắp thế giới - đã liên tục tăng lãi suất, liều thuốc chính chống lại lạm phát. ECB đã tăng lãi suất 8 lần liên tiếp, từ âm 0,5% lên 3,5%. Lãi suất cao đã làm dấy lên lo ngại về tác động tiềm ẩn của chúng đối với tăng trưởng, đặc biệt là do nền kinh tế khu vực đồng euro giảm nhẹ vào cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Việc tăng lãi suất chuẩn của ECB cũng khiến chi phí để người dân vay tiền để mua nhà và ô tô cũng như mà các doanh nghiệp vay vốn mua nhà văn phòng hay thiết bị nhà máy mới trở nên đắt đỏ hơn. Điều đó đã góp phần làm giảm sức mua. Một tác động rõ ràng là trong lĩnh vực nhà ở, khi giá bắt đầu giảm sau đợt phục hồi kéo dài nhiều năm trên khắp châu Âu do người mua nhà không muốn thế chấp.
Nhưng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 6,5%, nền kinh tế vẫn có những điểm mạnh đáng kể. Bà Lagarde cho biết trong cuộc họp tuần trước rằng dự báo cơ bản của ECB “không bao gồm suy thoái, nhưng đó là một phần của rủi ro”.