Lạm phát 2016 - nên giữ ở mức hợp lý
Mặc dù cho phép lạm phát ở mức 5% nhưng chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với năm 2014. Đã có rất nhiều phân tích trái chiều xung quanh mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát - tăng trưởng cao, lạm phát thấp, nhưng tựu chung, các ý kiến đều khẳng định đã có rất nhiều yếu tố thuận lợi khách quan giúp nền kinh tế phát triển ổn định. Tại cuộc hội thảo về diễn biến thị trường giá cả năm 2015 và dự báo năm 2016 do Viện Kinh tế - Tài chính vừa tổ chức, nhiều chuyên gia dự báo lạm phát năm 2016 có thể vẫn sẽ ở mức thấp, thậm chí thấp hơn cả mức lạm phát của năm nay.
Tác động tích cực
QH đã thông qua một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó: tăng trưởng GDP đạt 6,7% so với năm 2015 và lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng - CPI) dưới 5%. TS. Lê Quốc Phương, Trung tâm thông tin Công nghiệp & Thương mại, Bộ Công thương cho rằng, tăng trưởng GDP cao trong khi lạm phát thấp là điều kiện phát triển lý tưởng của một quốc gia. Vì vậy, với những tác động tích cực từ kết quả tăng trưởng GDP năm 2015 đạt mức cao nhất (6,68%) kể từ năm 2008 đến nay, cùng với đó CPI (chỉ tăng 0,63%) ở mức thấp nhất kể từ năm 2001 đến nay là những điều kiện căn bản để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng cũng như lạm phát của năm 2016. Riêng với chỉ tiêu lạm phát ở mức dưới 5% trong năm 2016, TS. Lê Quốc Phương cho rằng bên cạnh chỉ số CPI rất thấp năm 2015 tạo tiền đề tốt, thì giá cả hàng hóa thế giới chưa thể tăng mạnh trở lại trong năm 2016, trong đó dự báo giá dầu thô vẫn ổn định ở mức thấp là yếu tố thuận lợi căn bản. Tuy nhiên, nên thận trọng trong điều hành với các yếu tố quan trọng khác có thể làm CPI 2016 tăng nhanh trở lại như lãi suất, tỷ giá, nợ công...
![]() Nguồn: ITN |
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát cao hay thấp phụ thuộc 4 yếu tố cơ bản là chi phí, cung - cầu, chính sách tiền tệ và yếu tố lạm phát tâm lý. Trong đó, yếu tố chi phí và chi phí đẩy dự báo vẫn ổn định theo chiều hướng giảm do giá dầu có tác động quan trọng nhất đối với CPI thấp của năm 2015 tiếp tục được dự báo sẽ vẫn ổn định ở mức thấp trong năm 2016. Thậm chí, nhiều quan điểm còn cho rằng giá dầu có thể còn giảm sâu hơn, xuống tới ngưỡng 20 -25USD/thùng. Và, nếu điều này xảy ra, nguy cơ giảm phát là rất lớn. TS. Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo, nếu giá dầu thô giảm xuống ngưỡng 30USD/thùng trong năm 2016 sẽ tác động với sức ảnh hưởng rất mạnh tới nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, theo tính toán, quy mô GDP sẽ giảm khoảng 2,28%, đặc biệt lạm phát sẽ giảm mạnh, thậm chí rơi vào giảm phát nếu không có những biện pháp hữu hiệu để tận dụng những cơ hội từ giá xăng dầu giảm tới hoạt động sản xuất kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế.
Khó giảm phát và thiểu phát
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, khả năng giảm phát hay lạm phát âm ở Việt Nam rất khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, cùng với các giải pháp mạnh để hạ giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từ tác động giá dầu giảm, cần có các giải pháp kích thích cầu để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong điều kiện “dư cung” - tức là nguồn cung của các loại hàng hóa, từ lương thực thực phẩm đến hàng tiêu dùng, thậm chí là năng lượng đang khá dồi dào. Ông Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam khó xảy ra khả năng giảm phát và thiểu phát. Thứ nhất, sự tăng trưởng trên nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam là chưa có. Thứ hai, thiểu phát khi tốc độ tăng trưởng giảm đồng thời giá cũng phải liên tục giảm nhưng kinh tế lại không gặp vấn đề đó. Vì vậy, điều hành của Chính phủ làm sao để lạm phát ở mức hợp lý, tạo cho CPI ở mức hợp lý khoảng 3 - 4% còn nếu thấp quá thì cũng không tốt cho nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát ổn định ở mức hợp lý là điều kiện tốt cho sự phát triển. Mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh mức lạm phát nào là tốt nhất cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo, song các ý kiến đều cho rằng, nếu duy trì được lạm phát ổn định ở mức 4 - 6% sẽ là tốt cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với sự biến động bất thường của giá dầu và những tác động khá mạnh tới nền kinh tế nói chung, chỉ số giá tiêu dùng nói riêng, thì khuyến nghị nên có phương án điều hành một khi giá dầu giảm sâu tới ngưỡng 20 - 25 USD/thùng để tránh rơi vào tình trạng giảm phát cũng là điều đáng cân nhắc.