Đến thời điểm này, các địa phương vùng Tây Nguyên đã ban hành đầy đủ cơ chế, chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn làm căn cứ, cơ sở thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Tây Nguyên cũng là vùng ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia đầy đủ trên cả nước. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2024 của khu vực Tây Nguyên đạt tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Dù vậy, trong 7 tháng năm nay, các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng mới chỉ giải ngân được khoảng 1.532,6 tỷ đồng, đạt 36,45% kế hoạch (bao gồm cả vốn đầu tư của các năm trước kéo dài sang năm 2024), trong đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, khoảng 38%. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp của khu vực Tây Nguyên còn rất thấp, chưa đến 5%, dù nguồn vốn này không lớn và có ý nghĩa rất quan trọng, là nguồn hỗ trợ đối với hộ nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp.
Không chỉ Tây Nguyên mà trên bình diện chung cả nước, kết quả giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trong 7 tháng qua cũng còn rất thấp. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, ước luỹ kế giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng 7.2024 đạt khoảng 43,5% kế hoạch, cả nước mới chỉ có 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%, trong khi đó, có tới 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 10%. Điều này không chỉ tạo áp lực lớn đối với công tác giải ngân vốn trong những tháng cuối năm cũng như việc hoàn thành mục tiêu được Chính phủ đặt ra ngay từ đầu năm là giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao trong năm 2024 mà còn với tiến độ, hiệu quả của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia với các tỉnh khu vực Tây Nguyên vừa được tổ chức ngày 2.8, lãnh đạo các địa phương cho biết, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ trong quá trình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 111/2024/QH15. Trong đó có những khó khăn do việc một số văn bản chưa được ban hành như: Quyết định về điều chỉnh, bổ sung đối với 83 thôn, buôn đạt tiêu chí thôn, buôn đặc biệt khó khăn sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên vẫn chưa được ban hành khiến các địa phương không có cơ sở triển khai chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này; chưa có quy định về trình tự, thủ tục bố trí kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách địa phương trung hạn, hàng năm ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi không phải lập danh mục chương trình, dự án theo quy định tại Luật Đầu tư công và chính sách tín dụng ưu đãi cho đối tượng vay vốn là “hộ có mức sống trung bình”...
Những khó khăn, lúng túng của địa phương do chưa có văn bản hướng dẫn có lẽ không chỉ xảy ra ở khu vực Tây Nguyên. Tại Hội nghị trực tuyến nêu trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, chậm nhất đến chiều 9.8 tới sẽ gửi các ý kiến, kiến nghị của các tỉnh Tây Nguyên bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ để tổng hợp gửi các bộ, ngành xử lý. Với các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải sớm hoàn thiện một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay trong tháng 8 này.
3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Thời gian thực hiện 3 Chương trình của giai đoạn này không còn nhiều, trong khi tiến độ vẫn còn rất chậm.
Giám sát tối cao việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023, Quốc hội đã chỉ rõ, một trong những tồn tại, hạn chế là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai các Chương trình thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương còn chậm, số lượng văn bản ban hành nhiều, một số nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện, việc giải quyết một số kiến nghị, vướng mắc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Qua giám sát tối cao, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 108/2023/QH15 nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các Chương trình. Nghị quyết số 111 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường sau đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đã được Quốc hội "làm ngay" để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy việc thực hiện các Chương trình.
Như vậy, về phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương - đã nỗ lực rồi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phải làm ngay các việc có thể làm, đặc biệt là những việc cần phải làm để thực hiện thành công 3 Chương trình trong thời gian tới, với tinh thần như Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục nhấn mạnh trong các cuộc làm việc "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó và không nói có mà không làm".