Làm mới đề tài hậu chiến
Mang đậm tính thời sự, vở kịch “Vùng lạnh” của Nhà hát Kịch Hà Nội (đạo diễn: NSND Hoàng Dũng) đan xen câu chuyện thời hậu chiến ăm ắp tình đồng đội, đồng chí, cùng vấn nạn ô nhiễm môi trường, chuyện chạy chức, chạy quyền, ẩn sau đó là sự vô cảm trước mối đe dọa cuộc sống yên lành của người dân…
Hơi thở thời đại
Ở “Vùng lạnh”, một nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý làm ô nhiễm vùng biển, nơi đang có 5 hộ gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Đây là những hộ gia đình trở về từ vùng kinh tế mới, không được cấp hộ khẩu nên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường không bận tâm giải quyết. 5 hộ dân, vì lẽ đó, bị đẩy vào đường cùng khi chẳng còn biết kêu ai, gọi nhờ ai…
![]() Vở diễn khi bằng tiếng cười hóm hỉnh, khi là giọt nước mắt xúc động về cuộc đời người lính |
Trong buổi tọa đàm trao đổi về vở kịch “Vùng lạnh” sáng 24.12, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội tổ chức, nhiều tình tiết nóng hổi thời sự với những tiếng cười hóm hỉnh và cả những giọt nước mắt xúc động một lần nữa được các nghệ sĩ khơi gợi lại. Theo PGS.TS. Trần Trí Trắc, “Vùng lạnh” được NSND Hoàng Dũng thể hiện bằng lối kể mềm mại, gần gũi. Nhiều tình huống kịch chân thực như những gì ta vẫn thấy, đó là sự thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau đời thường của một bộ phận người dân trong xã hội.
Tuy nhiên, NSND Hoàng Dũng cho biết, bên cạnh những “vùng lạnh” của tiêu cực và xảo trá, của những kẻ chỉ biết làm giàu cho bản thân bằng thủ đoạn… vẫn còn đó những vùng nóng, vùng ấm áp. Đó là tình người bất chấp hiểm nguy, mạnh dạn đối mặt đến cùng với cái ác, cái xấu; là tình nghĩa của những người lính năm xưa dành cho nhau, là tình làng nghĩa xóm… ““Vùng lạnh” có thể chưa đủ để người xem cảm thấy căm ghét cái xấu, cái ác, nhưng là truyền đến hơi ấm tình người. Lời thoại của nhân vật Tô Hoàng trong vở kịch giống chân lý: “Bom đạn có thể giết chết một tiểu đội, thậm chí cả một tiểu đoàn nhưng sự vô cảm thì có thể giết chết cả một dân tộc” cũng là thông điệp vở diễn mong muốn gửi đến khán giả”, NSND Hoàng Dũng nói.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhận xét, không ngạc nhiên khi “Vùng lạnh” đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2018. Điểm cộng đầu tiên là cách tiếp cận đề tài khiến các cảnh diễn như được hâm nóng, đốt cháy nối tiếp nhau. “Đây là vở kịch hiếm hoi đi thẳng vào mọi ngóc ngách đời sống, là những vấn đề nhân dân đang nghĩ, đang quan tâm. Có câu chuyện của người lính trở về, nhưng vượt lên trên tất cả, không theo lối mòn nhàm chán, mà có tình, có lý, giải tỏa những móc ngoặc xảo trá, những lừa lọc bằng tình người, cứa vào cảm xúc và mối quan tâm của con người hôm nay”.
Đong đầy cảm xúc
“Vùng lạnh” kể câu chuyện của 3 người lính năm xưa, mỗi người một hoàn cảnh trong thời bình tình cờ gặp lại nhau sau hơn 30 năm. Chỉ vì những hiểu lầm mà một người phải lâm vào cuộc sống oan khuất suốt mấy chục năm trời. Đó là Trần Do với nỗi hàm oan, ấm ức chỉ còn biết dồn nén trong sự im lặng. Ngày ông gặp lại người chỉ huy mình đã cứu mấy chục năm trước, cũng chính là người vô tình đẩy ông vào cuộc sống trớ trêu. Tuy nhiên, không oán hận, cuộc hội ngộ trong nghẹn ngào của họ là dấu lặng tuyệt đẹp của “Vùng lạnh”.
“NSƯT Tiến Hợi, NSƯT Công Lý, nghệ sĩ Phú Thăng… cùng tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội đã có những lớp diễn đong đầy cảm xúc. Khán giả không thấy một Công Lý hài hước hoặc dí dỏm, như vẫn hình dung từ trước đến nay; cũng không nhìn ra phong thái ung dung, tự tại của một Tiến Hợi chuyên vào vai Bác Hồ; các nghệ sĩ đã có được những màn “lột xác”, “hóa thân” vào vai người lính một cách thực sự và bất ngờ”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền đánh giá.
Nhà văn Nguyễn Hiếu cho rằng, mặc dù không thoát ra khỏi đề tài hậu chiến tranh, nghĩa là theo mô típ trong chiến tranh con người yêu thương nhau bao nhiêu thì đến hòa bình họ phân ly bấy nhiêu, kịch của tác giả Xuân Đức cũng đã thoát khỏi thể dạng kịch tuyên truyền, kịch ngoại giao. Câu chuyện của người lính lôi cuốn khán giả ngay khi vào màn, ở phong cách chính kịch.
Vở diễn khi bằng tiếng cười hóm hỉnh, khi là giọt nước mắt xúc động về cuộc đời người lính khiến người xem thêm thấm thía, suy ngẫm, điều chỉnh và thay đổi bản thân trong cuộc sống.
“Vùng lạnh” là sự trở lại của nhà viết kịch Xuân Đức. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước và rất nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật cao quý cho những tác phẩm văn học và kịch bản của mình. Cách đây trên dưới 30 năm, Xuân Đức đã xuất hiện như một kịch tác gia đầy chất sử thi về chiến tranh và người lính với các tác phẩm: “Tổ quốc” (viết chung với Đào Hồng Cẩm), “Chứng chỉ thời gian”, “Người mất tích”, “Đám cưới ly biệt”… Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu cho biết, cùng với một số tác phẩm của tác giả Xuân Đức do Nhà hát Kịch Hà Nội thể hiện đã đạt giải Vàng như “Một người thấp thoáng”, “Điệp khúc virus”, “Vùng lạnh” là tác phẩm mang hơi thở thời đại, bút lực sung sức, vừa sâu sắc lại dễ nắm bắt, theo dõi… |