Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống
Chiều 14.2, thảo luận tại Tổ 6 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Sóc Trăng, Bình Định, Hà Giang, Bạc Liêu) về mục tiêu tăng trưởng, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có đánh giá, dự báo bối cảnh chi tiết, cụ thể hơn nữa tình hình kinh tế thế giới và trong nước để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025. Trong đó, đẩy mạnh làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô…
Bảo đảm tính khả thi của Đề án
Quan tâm đến Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, các đại biểu cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2024. Đây là nền tảng quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), trong các năm qua, tuy kinh tế có tăng trưởng khá song vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước rất khó khăn. Lấy dẫn chứng, đại biểu cho biết: tháng 1.2025 ghi nhận 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1.2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công; có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặt khác, đại biểu cho rằng, tăng trưởng GDP vẫn dựa trên 3 trụ cột chính là đầu tư công; xuất khẩu và sức mua thị trường nội địa. Do đó, giải pháp phải hướng vào 3 trụ cột này. Đồng thời, cần đánh giá khó khăn của khu vực tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu; có biện pháp chống chịu trước biến động thị trường thế giới để có giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tinh gọn nội dung nghị quyết sát hơn với mục tiêu đề ra. Trong tờ trình của Chính phủ đã nêu rất nhiều nhiệm vụ giải pháp, trong đó có những nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ; có những nội dung mới, muốn thực hiện được thì cần hoàn thiện các bước, quy trình, quy định, liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của Quốc hội. Bởi vậy, đề nghị trong nghị quyết cần làm rõ và có ý kiến cụ thể về những nội dung này.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Đánh giá cao việc Chính phủ xây dựng kịch bản tăng trưởng với nhiều nội dung cụ thể và mang tính vượt trội, đại biểu Lâm Thanh Mẫn (Sóc Trăng) cho rằng, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, theo đại biểu Lâm Thanh Mẫn, cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như: củng cố niềm tin thị trường, thúc đẩy mạnh đầu tư tư nhân, công nghiệp chế biến, chế tạo. Thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, sức lan tỏa lớn; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực; tăng chi đầu tư phát triển; sớm rà soát, tháo gỡ, thực hiện các dự án đang bị tồn đọng, ách tắc. Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Tin tưởng đất nước ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh về nguồn đầu tư công năm 2025 là gần 900 nghìn tỷ. Trong đó, mới bổ sung thêm trên 158 nghìn tỷ. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng là chúng ta phải giải ngân nhanh và hiệu quả. Từ đó, kéo theo các nguồn đầu tư tư nhân.
Phó Thủ tướng cũng phân tích thêm, trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam, đột phá về nguồn nhân lực đã được cụ thể hóa qua Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị. Việt Nam đang tập trung triển khai các giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cao của thế giới. Song song đó là đột phá về khoa học và công nghệ, một lĩnh vực gắn chặt với khả năng làm chủ công nghệ. Để thực sự làm chủ công nghệ, Việt Nam cần một lực lượng nhân lực chất lượng cao và các giải pháp chuyển giao công nghệ hiệu quả. Đây được xem là yếu tố cốt lõi để thay đổi bản chất tăng trưởng kinh tế, hướng đến tăng trưởng với chất lượng cao, bền vững và mạnh mẽ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang chuyển mình sang nền kinh tế xanh và kinh tế số. Trong đó, nền kinh tế số liên quan mật thiết đến các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và blockchain. Những công nghệ này đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất lao động, kết nối mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, từ văn hóa, du lịch đến công nghiệp.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã và đang dồn nguồn lực để đầu tư. Dự kiến, năm 2025, bố trí nguồn vốn đầu tư công khoảng 800 nghìn tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào các công trình trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam (khởi công năm 2027), các tuyến đường sắt cao tốc từ Trung Quốc nối về Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội, nối từ TP. Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu, Kiên Giang… Không những tập trung vào cơ sở hạ tầng về đường sá, bến cảng, mà còn phát triển cơ sở hạ tầng về điện (điện hạt nhân, năng lượng tái tạo), khu công nghiệp, khu kinh tế…
“Những dẫn chứng trên là cơ sở để tin rằng, với sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống trị, sự đoàn kết, đồng thuận cao của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.