Làm giàu từ cây dược liệu
Việc trồng cây dược liệu những năm gần đây được nhiều hộ dân thực hiện hiệu quả, xây dựng mô hình chuyên sâu; mạnh dạn chặt bỏ những cây năng suất thấp thay thế bằng các loại cây dược liệu “lạ”, mang lại giá trị kinh tế cao.
Bỏ lúa ngô trồng dược liệu làm giàu
Tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, mô hình trồng cây dược liệu lấy tinh dầu được gia đình chị Phạm Thị Mai áp dụng từ năm 2018 đến nay. Theo chị Mai, trước khi trồng cây dược liệu đời sống người dân trên địa bàn xã rất vất vả, cây nông sản truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, chị Mai tham gia lớp tập huấn về mô hình trồng cây dược liệu chưng cất tinh dầu ở Vĩnh Phúc và xác định đây là hướng đi cho mình, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Quyết tâm của chị được thực hiện ngay bằng việc thuê lại diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả của người dân tại xã, bắt đầu trồng hương nhu, bạc hà, mùi, sả, chanh... Theo chị Mai, các giống cây dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương nên phát triển rất tốt, đem lại chất lượng tinh dầu hoàn hảo đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.

Ngay sau khi có kết quả là các sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn, chị Mai và gia đình đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị hiện đại hơn để chưng cất tinh dầu. Đối với dây chuyền thiết bị mới mà gia đình chị đầu tư hiện nay có thể tiêu thụ khoảng 4 tấn nguyên liệu, cho ra khoảng 30 lít tinh dầu mỗi ngày. “Sản phẩm làm chủ yếu là theo đơn đặt hàng bởi nguồn nguyên liệu còn ít, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó”, chị Mai phấn khởi chia sẻ.
Đối với diện tích đất thuê của các hộ dân, chị Mai thuê người trồng các giống cây dược liệu. Ngoài ra, chị còn vận động người dân trong xã, địa phương lân cận liên kết sản xuất, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm, qua đó giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện vươn lên làm giàu. Hộ sản xuất của gia đình chị Mai cũng tạo công việc cho khoảng 12 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình đủ bảo đảm cuộc sống.
Các sản phẩm bán ra thị trường đều được chị Mai đăng ký thương hiệu, còn tinh dầu thô sẽ bán cho các công ty lớn tại Hà Nội. Doanh thu sau 2 năm khoảng 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 50%.
Xây dựng thương hiệu từ cây dược liệu
Còn tại xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nhiều hộ nông dân đã khai thác tối đa đặc điểm đất đai, từng bước hình thành vùng cây dược liệu, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, phá thế độc canh cây lúa.
Ông Nguyễn Văn Sáu, thôn An Mai, cho biết, hơn 2 mẫu ruộng, cả ruộng chuyển đổi của gia đình và ruộng khoán của những người không có nhu cầu canh tác, ông đã tích tụ trồng cây ngưu tất.

Gia đình ông Nghĩa cũng trồng 1,5 mẫu cây ngưu tất. Theo ông Nghĩa, cây ngưu tất nói riêng và cây dược liệu nói chung cần làm luống cao, thoát nước nhanh khi có mưa, đất nhỏ và tơi, do vậy ông đã đầu tư mua máy làm đất. Để cây ngưu tất phát triển tốt và đạt chất lượng củ thì thời vụ bắt đầu vào trung tuần tháng 9 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa mùa, nếu trồng sang tháng 10 âm lịch, chất lượng và năng suất sẽ giảm. Vào thời vụ, ông Nghĩa phải thuê thêm nhân công làm.
Cây ngưu tất và các loại cây dược liệu như cà gai, bạch chỉ, ích mẫu, xạ đen, cổ sâm, lá khôi, hòe, bồ công anh... được trồng tập trung tại các thôn An Mai, An Đình, An Khoái, cho giá trị thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Riêng cây ngưu tất đạt 8 - 9 triệu đồng/sào, cao lên đến 12 triệu đồng/sào.
Xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, nay được người dân phủ xanh bằng cây dược liệu kim tiền thảo, loài cây này được đánh giá năng suất, thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Theo đại diện Hợp tác xã Sản xuất an toàn và Dịch vụ thương phẩm xã Cẩm Vịnh, đối với loài cây dược liệu này chu kỳ sinh trưởng ngắn, bắt đầu xuống giống từ cuối tháng 3, sau gần 2 tháng gieo trồng sẽ cho thu hoạch lần 1. Sau mỗi lần thu hoạch sẽ bón phân chờ khoảng 20 - 30 ngày sẽ cho thu hoạch lần 2.
Việc người dân đổi từ trồng lúa sang trồng kim tiền thảo giúp nâng cao thu nhập bởi sau thu hoạch, người dân có từ 9 - 10 triệu đồng/sào/vụ, lãi gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Cây kim tiền thảo phù hợp với thổ nhưỡng tại đây nên tốn ít công sức chăm và đầu tư không lớn.
Việc thu hoạch cây kim tiền thảo cũng đơn giản, chỉ cần sử dụng liềm cắt trừ phần gốc, sau đó đưa về nhà cắt nhỏ thành từng đoạn 4 - 5cm rồi phơi khô, đóng gói bán cho Công ty CP Dược Hà Tĩnh, nên sau khi thu hoạch bà con không phải lo đầu ra. Mỗi năm có 3 đợt thu hoạch ước tổng sản lượng đạt 7 - 8 tạ/sào cây dược liệu khô. Nhiều hộ dân sau khi đạt lợi nhuận cao, thoát nghèo, đã mở rộng diện tích trồng loại dược liệu này.