Làm giàu tri thức về Hà Nội

Thảo Nguyên thực hiện 31/12/2022 06:22

Hà Nội là “lắng hồn núi sông ngàn năm”, đi vào ký ức của mọi người Việt Nam, dù họ vẫn ở Thủ đô hay tỏa đi khắp trong và ngoài nước. Lắng đọng cùng thời gian, những câu chuyện về nét đẹp, tinh hoa của Hà Nội đã và đang được kể lại với nhiều cung bậc cảm xúc.

Làm giàu tri thức về Hà Nội -0
Các cuốn sách trong Tủ sách Hà Nội - Phố và Người

Bộ sách “Chuyện người Hà Nội” nằm trong Tủ sách Hà Nội - Phố và Người của Tri Thức Trẻ Books, cùng các cuốn sách như: du khảo “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” của tác giả Tạ Thu Phong, chuyên khảo “Tứ trấn Thăng Long - Hà Nội” của tác giả Nguyễn Doãn Minh, khảo cứu “Hà Nội một thuở phố và người” của tác giả Nguyễn Việt Cường, “Tản mạn bóng đá Hà thành” của tác giả Hồ Công Thiết, “Hà thành hương xưa vị cũ” của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung... 

Giám đốc Tri Thức Trẻ Books Đỗ Kim Cơ mong muốn qua thông tin, tư liệu của những nhà nghiên cứu, sưu tầm, những người hoài niệm về Hà Nội, Tủ sách sẽ là nơi lưu giữ, điểm tô cho những kỷ niệm của tất cả những con người đã sống và luôn hướng về Hà Nội, lan tỏa tình yêu Hà Nội đến với thế hệ trẻ.

“Chuyện người Hà Nội” tập 3 vừa được Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội ra mắt, tập hợp các bài viết về một Hà Nội đa sắc màu, nhiều cung bậc cảm xúc với chiều rộng của không gian, chiều sâu của thời gian. Ông Ngô Thế Long, đại diện nhóm tác giả Hà Nội Tri Thức, người tập hợp bản thảo, chia sẻ về quá trình thực hiện bộ sách.

- Đã có vô vàn trang viết về Hà Nội ở nhiều góc độ, khía cạnh, điều gì thôi thúc ông có ý tưởng và tập hợp bản thảo “Chuyện người Hà Nội”?

- Tôi sinh ra, lớn lên và đến nay vẫn ở Hà Nội. Nhưng tôi từng có hai giai đoạn sống xa Thủ đô, một là khi đất nước có chiến tranh, tôi học tại Trường Đại học Bách khoa ở Lạng Sơn, hai là lúc tôi tham gia quân đội, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Những ngày đó, anh em chúng tôi - những người Hà Nội thường gặp gỡ, trò chuyện với nhau để nhớ về thành phố của mình. Qua rất nhiều câu chuyện như vậy, và sau này là các bài viết trên trang Hà Nội Tri Thức (nơi có gần 56 nghìn thành viên), tôi nghĩ rằng cần phải tập hợp lại tất cả ký ức đó để thỏa mãn bản thân khi nghĩ lại những chuyện xưa, đồng thời có thể có ích cho thế hệ trẻ sau này.

Cũng xin chia sẻ, khi đất nước thống nhất, tôi là kỹ sư phụ trách bộ phận cơ sở dữ liệu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội. Qua đó, tôi hiểu biết thêm về tư liệu, đặc biệt là tư liệu của Pháp để lại. Phải nói rằng người Pháp ngày xưa đã sưu tập tương đối nhiều tư liệu về Hà Nội. Kho tư liệu nơi tôi làm việc có khoảng 10 vạn ảnh, trong đó có hàng vạn ảnh về Hà Nội. Đấy là tư liệu quý, bên cạnh tư liệu văn bản. Dữ liệu về Hà Nội đã khá nhiều, và tôi mong muốn “Chuyện người Hà Nội” tiếp tục bổ sung vào khối lượng khổng lồ đấy.

- Từ khi có ý tưởng như vậy cho tới lúc cầm trên tay cuốn sách tập hợp các bài viết về “người thật, việc thật” của Hà Nội một thời, ông thấy thế nào?

- Tôi đã chia sẻ quan điểm lựa chọn các bài viết và xuất bản sách với nhiều người, trong đó có Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc. Ông góp ý nếu xuất bản sách, nên về “Chuyện người Hà Nội”, nghĩa là những bài viết kể sự thật, chuyện của mỗi người đã trải qua trong cuộc đời mình. Qua đó sẽ tạo thành một mảng lịch sử, bổ sung cho văn bản lịch sử chính thức, giúp mọi người sau này hiểu thêm về Hà Nội.

Chúng tôi lựa chọn 36 bài viết trên trang Hà Nội Tri Thức, và bài viết của nhiều người tôi quen biết là nhà văn, nhà báo... để tập hợp thành sách. Tác giả phần lớn đều đã 60 - 70 tuổi, có người sinh ra và có gia đình sống lâu đời ở Hà Nội, có người không có gốc gác nhưng sống và làm việc trên mảnh đất này. 

Khi đọc các bài viết tôi thấy bất ngờ vì có nhiều điều mình chưa biết, qua câu chuyện kể của mọi người mới thấy con người Hà Nội ngày xưa đáng quý ra sao. Chẳng hạn, trong tập 3 “Chuyện người Hà Nội”, bạn đọc biết đến cụ Nguyễn Hữu Đang - Trưởng Ban tổ chức Ngày Độc lập 2.9.1945 có mối tình rất đặc biệt, để hiểu thêm về “tình yêu thời cách mạng”. Hoặc đọc “Năm người mẹ của tôi”, tôi càng thêm xúc động khi người Hà Nội trong thời kỳ khó khăn nhất đã nuôi dưỡng những người con có cha mẹ đi theo kháng chiến. Bài viết cho thấy họ hy sinh rất nhiều cho cách mạng, cho đất nước và cho Hà Nội. 

Năm nay tròn 120 năm khánh thành cầu Long Biên, một trong những cây cầu sắt lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Nhiều người chỉ biết rằng cầu hoàn thành năm 1902, nhưng ít ai biết những câu chuyện thực tế phía sau cùng nhiều con số liên quan. Có bài viết nói về những sự kiện gắn với lịch sử của Hà Nội như trận “Điện Biên Phủ trên không", một thế hệ học trong bom đạn và xếp bút nghiên ra trận...

- Sau 3 tập sách, "Chuyện người Hà Nội” còn được tiếp nối không, thưa ông?

- Tham vọng của chúng tôi là mỗi năm ra một tập, gồm 3 phần là tản văn, viết về người Hà Nội, khảo cứu về Hà Nội. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn có sự tham gia của lớp trẻ với các bài viết về cảm nhận của họ và những câu chuyện về con người Hà Nội sau này. Những bài viết như vậy sẽ góp phần tạo ra lớp mới dữ liệu về Hà Nội.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm giàu tri thức về Hà Nội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO