Làm giàu trên đất khó

Tá Chuyên 22/10/2016 08:16

Những năm qua, đời sống kinh tế của người dân các huyện miền núi Nghệ An đã có nhiều cải thiện đáng kể. Đặc biệt, nhiều phụ nữ vùng đồng bào các dân tộc đã quyết tâm làm giàu và gặt hái thành công.

Lấy ngắn nuôi dài

Khi nhắc đến chị Ngân Thị Minh, dân tộc Thái, trú tại bản Cói, xã Tiền Phong, Quế Phong (Nghệ An), đồng bào nơi đây không thể không tỏ lòng cảm phục ý chí, quyết tâm làm giàu của chị.

Chị Ngân Thị Minh là con dâu trong một gia đình có 4 thế hệ cùng sinh sống. Với quyết tâm cải thiện đời sống kinh tế, chị luôn để ý học hỏi qua sách báo, tivi và tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương cũng như ở các vùng lân cận. “Không được học hành bài bản nên năm 2010 tôi thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, mạnh dạn chọn thử nghiệm sản xuất, chăn nuôi các loại giống mới cho năng suất cao như: Dê, trâu, bò, vịt bầu…”, chị Minh kể. “Sau khi đã có kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi vững chắc, tôi tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật, huy động vốn đầu tư phát triển mở rộng theo mô hình trang trại”.

Hiện nay, trang trại của gia đình chị Minh đang nuôi 30 con dê, 7 con trâu, bò và 500 con vịt bầu. Để tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có, chị đã quy hoạch nửa hecta chuyên trồng các loại rau màu như: Dưa, đậu leo, bắp cải… Chị còn bàn với gia đình cải tạo thêm 3 ao nuôi cá trắm, rô phi, trồng thêm 4ha cây keo… Sản phẩm tạo ra vừa là nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm dinh dưỡng cho gia đình, vừa cung cấp cho thị trường. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng. Hàng năm chị Minh trích ra trên 10 triệu đồng cho 1 - 2 hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế và hỗ trợ cây, con giống, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng giúp phụ nữ trong xã phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Giống Quýt PQ1 chị Hồ Thị Thanh trồng
Giống Quýt PQ1 chị Hồ Thị Thanh trồng

Với vai trò Chi hội trưởng phụ nữ, chị Minh phát động chị em thực hiện tiết kiệm bằng hình thức thành lập các tổ tiết kiệm phường, hội; tham gia các tổ đổi công, giúp cho trên 30 chị em hội viên vươn lên thoát nghèo. Chị còn vận động phụ nữ địa phương hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tham gia các hoạt động góp công, góp sức và vật tư như: Cát, sỏi, đá… để xây dựng nông thôn mới.

Khởi nghiệp từ 2 triệu đồng tiền vốn

Ở thị xã Thái Hòa, chị Hồ Thị Thanh, dân tộc Thổ, trú tại xóm 4, xã Nghĩa Tiến cũng là một điển hình tiêu biểu cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc miền núi sản xuất kinh doanh giỏi.

Hơn hai chục năm trước, kinh tế gia đình khó khăn khiến chị luôn trăn trở phải làm gì đó trên diện tích 2ha đất đỏ bazan đang bỏ hoang của gia đình để cải thiện kinh tế. “Trong một lần tham dự lớp tập huấn trồng cây do thị xã Thái Hòa tổ chức, tôi tự hỏi tại sao mình không trồng cây ăn quả theo mô hình sản xuất hàng hóa?”, chị Thanh nhớ lại. “Được sự ủng hộ và góp sức của chồng, với nguồn vốn 2 triệu đồng và vay mượn bạn bè, tôi quyết định đầu tư cải tạo 2ha đất đỏ bazan và trồng thử 30 gốc quýt PQ1. Đây là giống quýt khá mới ở thời điểm đó, chống chịu được sâu bệnh cao và hợp với chất đất nơi này”.

Với sự cần cù chịu khó, trong 3 năm, cây quýt PQ1 đã phát triển xanh tốt. Thấy hiệu quả cao, chị tiếp tục trồng thêm 400 gốc quýt PQ1. Hiện nay, gia đình chị đã có gần 500 gốc quýt PQ1 trên diện tích 1,5ha. Không dừng lại ở đó, chị Thanh mạnh dạn trồng thêm 150 cây cam xã Đoài và 100 gốc bưởi da xanh; trồng xen canh 6 sào cây sắn và 60 gốc quất. Ngoài trồng cây ăn quả, gia đình chị còn chăn nuôi gần 500 con gà thả đồi. Hiện nay, thu nhập bình quân từ trồng cây ăn quả và chăn nuôi của gia đình chị lên đến gần 400 triệu đồng/năm.

Chị Thanh từng là Chi hội trưởng phụ nữ xóm 4, Chi hội trưởng nông dân và từ năm 2005 đến nay chị đảm nhiệm cương vị Bí thư chi bộ xóm 4. Bảy năm liền xóm không có người sinh con thứ 3, giảm đáng kể mâu thuẫn trong các gia đình; tỷ lệ nghèo toàn xóm giảm xuống còn 3/111 hộ so với năm 2005. Chị cũng đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, ban công tác Mặt trận xóm vận động nhân dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, phát động toàn dân góp công, góp của, giúp đỡ 7 hộ nghèo xóa nhà tranh tre dột nát.

Một nét đặc biệt là chị Thanh rất tâm huyết với việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Thổ. Chị là người đầu tiên tham mưu thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và Câu lạc bộ Hát dân ca tại địa phương. Hiện nay, chị đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát dân ca tại xã Nghĩa Tiến với 30 thành viên sinh hoạt thường xuyên. Đây là Câu lạc bộ có đóng góp lớn trong nhiều hoạt động lễ hội tại địa phương, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thổ.

Chị Lê Thị Thanh Hải, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An cho biết, tháng 6 vừa qua, chị Minh và chị Thanh đã được vinh danh tại lễ Tuyên dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc. Trong thời gian tới, Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, những cách làm hay nhằm giúp chị em ở các huyện miền núi Nghệ An cải thiện đời sống kinh tế, làm giàu chính đáng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm giàu trên đất khó
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO