James Lehman là Thạc sĩ Công tác xã hội nổi tiếng nước Mỹ. Ông đã viết rất nhiều cuốn sách giáo dục bán chạy, được các bậc phụ huynh yêu thích. Bản thân James Lehman có vấn đề nghiêm trọng về hành vi khi còn nhỏ. Sau đó, khi trưởng thành, ông đã phát triển một phương pháp quản lý trẻ em và thanh thiếu niên, giúp các bậc cha mẹ giải quyết vấn đề với con cái của họ.
Dưới đây là bài viết của James Lehman về chủ đề: Làm gì khi con từ chối tới trường học?
Nhiều bậc phụ huynh phải đối mặt với việc con họ tuyên bố không muốn đi học. Nhiều phụ huynh phản ứng bằng cách quát tháo, đánh đập con hoặc khi nản chí, họ mặc kệ con thích làm gì thì làm. Thật ra, khi một đứa trẻ không muốn đi học, bố mẹ có nhiều cách để xử lý vấn đề này.
Tìm ra nguyên nhân
Điều quan trọng nhất cần làm khi con không chịu đến trường là tìm nguyên nhân. Con không muốn đi học vì không thể làm bài tập, sợ thầy cô, áp lực từ bạn bè hay còn vấn đề gì khác.
Theo kinh nghiệm của James Lehman, hầu hết trẻ em không chịu đến trường đều có thể rơi vào hoàn cảnh như sau:
- Sợ bị bắt nạt
- Gặp khó khăn trong học tập
- Có vấn đề hành vi
- Con mắc chứng lo âu
Nếu bạn nghi ngờ con không muốn đi học vì đang phải vật lộn với chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia y tế để có cách ứng xử phù hợp với con của mình.
Tập trung vào việc dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề
Việc một đứa trẻ từ chối đến trường là cách chúng giải quyết vấn đề của mình mà đôi khi chúng không hiểu rằng, việc từ chối đi học sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề mới. Vì vậy, bạn cần giúp con phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn.
Hãy nói với con về việc, hàng triệu người lớn thức dậy và đi làm mỗi ngày. Những người trưởng thành đã phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề thuần thục giúp họ có thể sống, làm việc thật tốt.
Là phụ huynh, bạn hãy thẳng thắn nói với con mình rằng: “Người lớn phải đi làm kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình còn con - “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Con phải đến trường giống như các bạn đồng trang lứa. Đó là cách con thể hiện trách nhiệm với chính bản thân con.”
Bạn đừng “lên lớp” con vào buổi sáng, khi con bạn còn ngái ngủ và không muốn thức dậy để tới trường. Thay vào đó, hãy thảo luận vấn đề khi cả hai đều vui vẻ, thoải mái, bình tĩnh.
Nói với con về “động lực và kết quả”
Bạn có thể phân tích cho con về lý do tại sao người lớn phải đi làm. Người lớn phải nuôi gia đình và nuôi sống chính mình. Người lớn làm việc chăm chỉ để có nhà đẹp, xe đẹp, quần áo đẹp, được đi du lịch đây đó…
Tương tự, trẻ em và thanh thiếu niên cần đi học để có kiến thức, để sau này có thể vào đời mà không thua kém người khác. Bạn có thể khích lệ con kiểu như: “Nếu con thức dậy đi học đúng giờ vào mỗi buổi sáng, cuối tuần bố/mẹ sẽ đưa con đi xem phim, đi tới khu vui chơi…”.
Trong mọi trường hợp, phụ huynh nên kết nối việc thức dậy đi học đúng giờ với điểm cao và thành tích tốt. Khi con đạt kết quả tốt, hãy khích lệ con kịp thời để con có thêm động lực cố gắng.
Khi bạn bình tĩnh giao tiếp với con, bạn sẽ hiểu được suy nghĩ của con và cách trẻ giải quyết hoặc không giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng nên được áp dụng ngay khi con bạn lần đầu phản đối việc đi học. Ví dụ bạn có thể nói: “Vì con đi học muộn, con sẽ bị cắt giờ chơi game vào cuối tuần này”. Việc cha mẹ nghiêm túc dạy dỗ con từ khi con còn nhỏ sẽ tốt hơn bởi “dạy con từ thưở còn thơ”.
Lưu ý, các hình phạt nặng nề hoặc việc đánh mắng sẽ không có hiệu quả trong việc thay đổi hành vi con trẻ.
Cho phép con bạn đối mặt với hậu quả tự nhiên
Hãy để con bạn đối mặt với những hậu quả tự nhiên. Ví như việc con không đi học khiến chúng bị nhà trường, thầy cô đưa ra các hình phạt. Con thậm chí có thể không được thi hoặc bị đúp một năm học vì bỏ học, hãy để chúng phải chấp nhận các hình phạt đó, đừng tìm cách xin xỏ cho con.
Cha mẹ nên chấp nhận sự thật rằng, khi con bước vào tuổi thanh thiếu niên và thanh niên, trách nhiệm và các hậu quả xã hội thuộc về con bạn nhiều hơn là thuộc về bạn.
Đặt giới hạn và đề nghị con sống có trách nhiệm
Cha mẹ của những đứa trẻ không chịu đến trường cần xem xét cụ thể về hành vi, cách ứng xử của con trong gia đình.
Hãy tự hỏi: “Con có làm việc nhà không? Con có thường xuyên không hoàn thành trách nhiệm được giao hay không? Con có chơi game, xem TV quá nhiều hay không?”.
Nếu câu trả lời là có, thì bạn cần đặt ra những giới hạn và tạo ra văn hóa trách nhiệm trong gia đình. Và bạn có thể cần phát triển một cách giao tiếp hoàn toàn mới với con mình.
Đừng để con kéo bạn vào cuộc tranh cãi
Khi bạn cãi nhau tay đôi với con, điều đó không có ích gì trong việc giải quyết vấn đề. Cha mẹ cần học cách không tham dự mọi cuộc tranh luận mà con cái “mời” họ tham gia.
Thay vì tranh cãi, việc quan trọng là phải bình tĩnh giáo dục con và cho chúng thấy tận mắt những hậu quả mà chúng có thể gặp phải. Bố mẹ sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến trẻ em khi không bắt chúng phải chịu trách nhiệm. Sự thật là, những đứa trẻ có trách nhiệm sẽ cư xử tốt hơn và những đứa trẻ cư xử tốt hơn sẽ hạnh phúc, thành công hơn khi trưởng thành.
Sự thay đổi của con cũng không thể là “một sớm một chiều”. Là cha mẹ, hãy kiên nhẫn với con cái từng bước, từng bước một. Những động viên, khích lệ của bố mẹ với sự tiến bộ - dù nhỏ - của con cái sẽ khiến con trẻ nỗ lực hơn vì chúng thấy mình được ghi nhận.