Làm được - nếu quyết tâm!

- Thứ Bảy, 03/07/2021, 05:20 - Chia sẻ
Chống dịch hiệu quả đồng thời duy trì phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu kép Chính phủ đã kiên định thực hiện từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong năm nay, với số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, có thể nói mục tiêu này được duy trì khá tốt. Dịch bệnh vẫn nghiêm trọng nhưng trong tầm kiểm soát và tăng trưởng GDP vẫn khá cao.

Bức tranh tổng thể thực sự ấn tượng nhưng trong sự lạc quan chung đó cần thấy rằng nhiều nhóm dân cư, doanh nghiệp vẫn chịu khó khăn nghiêm trọng, đòi hỏi các cơ quan Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương cần chủ động và trách nhiệm hơn nữa trong hỗ trợ các nhóm này. Chẳng hạn, GDP tăng cao nhưng nhóm ngành dịch vụ, đặc biệt du lịch, giải trí, ăn uống tiếp tục “đóng băng” do đại dịch. Ở một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…, dịch đã tác động đến khu vực sản xuất, làm ngừng trệ hoạt động của các nhà máy. Lao động tự do, những người làm việc trong các lĩnh vực phi chính thức ở đô thị lớn khắp cả nước… đều bị gián đoạn công việc và thu nhập khi giãn cách xã hội diễn ra.

Chính phủ trong năm 2020 và 2021 đều nắm được thực tế này và chủ động đưa ra các gói hỗ trợ. Nhưng trong khi các biện pháp hỗ trợ chung (như giảm tiền điện cho hộ gia đình, doanh nghiệp; hoãn nghĩa vụ đóng các quỹ bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp…) được thực hiện tốt, thì các gói hỗ trợ đặc thù vẫn chưa đến được những nhóm bị tác động nghiêm trọng nhất và cần sự hỗ trợ nhất.

Một ví dụ là hỗ trợ cho nhóm lao động tự do. Trong phiên họp Chính phủ gần nhất, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận đây là nhóm chịu tác động lớn nhất, mức tổn thương cao nhất nhưng lại chưa được tiếp cận với các hỗ trợ tài chính từ Nhà nước. Nguyên nhân được đưa ra là khó xác định các nhóm đối tượng này. Một ví dụ khác là nhóm tiểu thương, những người buôn bán nhỏ trong các chợ truyền thống phải ngừng kinh doanh vì dịch bệnh. Cơ quan thuế có đề xuất hỗ trợ nhưng trên thực tế cách thực thi có những cứng nhắc nhất định về thủ tục, quy trình thực hiện khiến chính sách hỗ trợ vẫn “nằm trên giấy”.

Giải thích của các cơ quan chức năng có thể hiểu được nhưng tính thuyết phục chưa cao. Những khó khăn về thực thi, đặc biệt khi liên quan đến thủ tục hành chính giấy tờ, là những khó khăn mang tính chủ quan. Nghĩa là, nếu các cơ quan hành chính nhà nước thực sự xắn tay vào hành động một cách có trách nhiệm thì hoàn toàn có thể tháo gỡ được.

Thực tế, các bệnh viện từng đối mặt với việc thiếu các nguyên vật liệu y tế phục vụ chống dịch do quy trình và thủ tục mua bán chưa phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Khi Quốc hội có Nghị quyết và Chính phủ ban hành danh mục mua sắm đặc biệt, các khó khăn này đã được giải quyết. Tương tự, thủ tục giải ngân một số hạng mục của dự án cao tốc Bắc Nam gây khó khăn cho các doanh nghiệp đã từng bước được tháo gỡ với sự vào cuộc của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Chính phủ.

Những ví dụ đó cho thấy, nếu thực sự quyết tâm làm, các cơ quan nhà nước như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành thuế, các địa phương… hoàn toàn có thể khắc phục được khó khăn để thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ lao động tự do, các tiểu thương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang lâm vào khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu kép, vai trò của người dân, doanh nghiệp là quan trọng. Và để người dân, doanh nghiệp thực hiện được vai trò đó, các cơ quan nhà nước càng phải có trách nhiệm lớn hơn. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng người dân, doanh nghiệp muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ thì “lên tivi”!

Hà Lan