Làm dâu “xứ đàng trong”

Thanh Trúc 30/04/2016 09:02

Mỗi lần có người hỏi: “Làm dâu miền Nam có sướng không”, mình lại nhớ về một miền sông nước mênh mang, nhớ những lần về thăm quê tay trĩu nặng xoài, dừa, mãng cầu, gạo tám thơm nức. Thiên nhiên hào phóng đã sinh ra những con người lạc quan và hào phóng. Người miền Nam dám nghĩ, dám làm, mạnh mẽ và kiên trung như dòng sông Tiền, sông Hậu quanh năm chở nặng phù sa, dào dạt gió và mênh mông như biển…

Nàng dâu Bắc

Sinh vào năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, con bé nặng 4kg, khóc khỏe như mình lẽ ra có tên là Hòa Bình hay Thống Nhất, mẹ mình bảo thế. Vậy mà bố, từ trước đó cả năm trời, nhất định muốn mình phải mang tên một cô ca sĩ giải phóng quân người Nam Bộ, dù là trai hay gái. Bố bảo, nơi cánh rừng bị cày xới tan hoang vì bom đạn, tiếng hát của cô ca sĩ ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho những chàng lính trẻ đặt trong tim 2 từ: Tình yêu Tổ quốc. Mình, con gái Bắc 100%, mang tên một cô giải phóng quân Nam Bộ vẫn thường mơ màng về miền Nam dứa nhiều, xoài thơm. Đằng đẵng những năm 80, bố đi công tác về, chỉ mong quà là mấy quả xoài cát Hòa Lộc và một đôi xăng đan da chính hiệu. Đáp tàu Thống Nhất vào thăm miền Nam hồi ấy, chỉ là một giấc mơ. Vậy mà mình trở thành con dâu miền Nam.      


Tết đầu tiên về quê chồng, nàng dâu Bắc lóng ngóng trèo lên ghe đi chợ đêm sắm ngũ quả, chòng chành giữa kênh, lạc giọng hét vì lo không biết bơi và phó mặc “sinh mạng” của mình cho mấy đứa trẻ miền sông nước đang thoăn thoắt tay chèo. Đêm 30, chợ Tết vùng sông nước Nam Bộ bập bùng ánh đuốc. Trên bến, dưới thuyền, tiếng cười nói xôn xao như đánh thức cả dòng sông. Đi chợ đêm miền sông nước, lạc lối trong mùi trầm thơm nức, trong ánh lửa hồng và ngút ngàn hoa trái. Má chồng nói ban ngày, nông dân còn mải mê với ruộng đồng, tới đêm mới rảnh rang đi chợ. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này đầy hoa thơm quả ngọt, giá rẻ như cho. Đi chợ đêm, chỉ cần hơn một trăm nghìn là đã mua được cả trời đặc sản.

Thú nhất là sắm chuối để bày ngũ quả, chuối vàng ươm quả sum suê, chỉ 10 nghìn đồng mua được cả buồng. Mang về nhà, mẹ chồng cười hiền: “Mâm ngũ quả miền Nam không cúng chuối nghe con!”. Hóa ra tiếng địa phương, “chuối” phát âm gần giống từ “chúi”. Đầu năm mà cúng chuối là cả năm không phát tài. Bởi vậy, nhà nào cũng mua dừa, đu đủ, xoài, mãng cầu, vú sữa hoặc thêm vài loại trái có mầu hồng, đỏ để có mâm ngũ quả “Cầu vừa đủ xài”. Chợ đêm họp tới canh hai. Tàn chợ, những chiếc ghe tỏa theo các ngả kênh rạch, chất đầy trái cây, hương trầm, thực phẩm và cả những bộ quần áo mới cho trẻ con diện Tết. Bập bùng trong ánh đuốc, trên dòng sông bàng bạc là tiếng hò khoan nhặt, sông nước miền Tây đẹp thật bình yên.

Những “bà cô bên chồng”

 “Dâu Bắc về thăm quê lần nào cũng được đãi đặc sản kẹo dừa, mứt dừa và bánh phồng. Ở miền sông nước, người ta có lệ hùn hạp, đổi công, các gia đình thay phiên nhau làm bánh phồng. Cánh thanh niên lĩnh nhiệm vụ cầm chày, phụ nữ thì đảo bánh, lo xửng hấp. Bánh được đem ra cán mỏng, cắt thành khoanh tròn, chờ ráo nước rồi phơi khô. Chị Hai nướng bánh ở lò than hoa sau nhà, hương sữa dừa tỏa thơm ngào ngạt...”

“Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, trước khi gặp chị Sáu giữa Thủ đô, mình lỉnh kỉnh mua áo mới, khăn mới gói trong ba lô mong làm vừa lòng chị. Trời Hà Nội vào chính đông rét căn cắt, chị mong manh chiếc áo len mỏng, quấn khăn rằn, nhất định phải vào thăm lăng Bác Hồ trước rồi sau đó mới cùng đồng đội theo đoàn xe chở gạo đi cứu trợ bà con dân tộc mấy tỉnh miền núi phía Bắc. Thấy mình sắm áo mới, chị mắng sa sả: “Tụi bay kỳ quá, chị ngày xưa theo cách mạng, đầm mình dưới kênh rạch riết thành quen, lạnh gì đâu mà phải sắm áo quần. Tụi bay chịu được lạnh, chị cũng chịu được”. Đồng đội của chị năm xưa giờ tóc đã bạc trắng, những bà má miền Nam xuôi ngược theo những chuyến xe đi làm từ thiện. Cầm tay mình, chị khoe: “Cả họ nhà này mới có một cô em dâu người Bắc. Nó chịu lấy chồng Nam là dũng cảm đó nghe, con trai miền Nam nhậu dữ nên tao thương nó nhất nhà”. Hỏi chị, già rồi sao không chịu nghỉ ngơi, lại còn mải mốt đi vận động bà con góp gạo và quần áo làm từ thiện, chị cười: “Ngày xưa chiến tranh, giặc giã phải lo cứu nước, giờ hòa bình rồi, thì mình lo giúp người nghèo…”.

Nhà chị Hai Phượng ở Bến Tre, ngày trước mỗi lần thăm chị phải đi phà mất cả tiếng đồng hồ. Mấy năm này, nhờ cây cầu “thế kỷ” Rạch Miễu nên tới nhà chị, chỉ cần 10 phút đi từ thành phố Mỹ Tho. Dâu Bắc về thăm quê lần nào cũng được chị đãi đặc sản kẹo dừa, mứt dừa và bánh phồng. Ở miền sông nước, người ta có lệ hùn hạp, đổi công, các gia đình thay phiên nhau làm bánh phồng. Cánh thanh niên lĩnh nhiệm vụ cầm chày, phụ nữ thì đảo bánh, lo xửng hấp. Bánh được đem ra cán mỏng, cắt thành khoanh tròn, chờ ráo nước rồi phơi khô. Chị Hai nướng bánh ở lò than hoa sau nhà, hương sữa dừa tỏa thơm ngào ngạt.

Anh rể là người đàn ông “rặt” Nam Bộ. Tới thăm nhà, nhất định phải ăn cơm và không thể không nhậu. Mồi nhậu nhà anh thì sẵn lắm, đó là sản vật của sông Tiền. Đơn giản là chỉ cần đặt chà ở dòng kênh trước cửa nhà, canh con nước lớn, là tôm cá theo đó tràn vào kênh rạch. Nước ròng, chỉ việc dỡ trà, kéo cá. Món cá lóc nướng trui, cuốn bánh tráng mà anh rể đãi là đặc sản miệt vườn theo phong cách “khẩn hoang Nam Bộ”. Thức uống kèm là loại rượu hảo hạng, nấu từ loại gạo ngon, trăm hạt đều tăm tắp, uống vào thấy êm nhưng từ từ mới thấy chếnh choáng.     

Vậy mà hôm trước, gọi điện hỏi thăm, thấy chị kêu: “Đồng ruộng vườn tược đang khát cháy do hạn mặn, nước ngọt quý như máu, phải chắt chiu từng giọt, cây chết hết ráo, lúa đỏ quạch chỉ vứt cho vịt ăn…”. Thủ thỉ hỏi chị, em biếu chút tiền để anh chị đi mua giống xuống mùa vụ tới, chị lắc đầu quầy quậy: “Tụi em ở Bắc thời tiết bao năm qua cũng có thuận hòa gì đâu! Mất mùa vậy thôi nhưng tới vụ sau lo làm lụng lại có cây trái ngay. Nghe nói Nhà nước sẽ trợ cấp nhưng bà con ở đây không ngồi im chờ tiền chờ cấp đâu, mình lo cứu mình trước, sao lại cứ trông chờ trợ cấp…”.

* *
*

Mỗi lần có người hỏi: “Làm dâu miền Nam có sướng không”, mình lại nhớ về một miền sông nước mênh mang, nhớ những lần về thăm quê tay trĩu nặng xoài, dừa, mãng cầu, gạo tám thơm nức. Nhớ cả lần đầu về quê, nhất định phải gặm hột xoài cát Hòa Lộc và cậy cùi dừa xiêm ăn cho đỡ phí khiến mấy em chồng được một trận cười khoái chí: “Quê mình cây trái thiếu gì đâu, chị cứ dùng hết, tụi em lại gửi ra Bắc”. Thiên nhiên hào phóng đã sinh ra những con người lạc quan và hào phóng. Người miền Nam dám nghĩ, dám làm, mạnh mẽ và kiên trung như dòng sông Tiền, sông Hậu quanh năm chở nặng phù sa, dào dạt gió và mênh mông như biển...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm dâu “xứ đàng trong”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO