CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Làm chủ kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng

- Thứ Sáu, 03/12/2021, 06:24 - Chia sẻ
Ứng dụng laser quang đông điều trị hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối, cứu sống nhiều thai nhi và hạn chế các dị tật sau sinh; lấy một thùy phổi từ bố và một thùy từ bác ruột để ghép vào phổi của một cháu bé 7 tuổi bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, đã biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn và suy dinh dưỡng độ III, cứu sống bệnh nhân. Đó là hai câu chuyện cảm động thuộc Chương trình "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng" (KC.10/16-20).
Nhiều nghiên cứu được ứng dụng thành công trong việc cứu sống người

Nhiều công trình được ứng dụng để cứu người

Chương trình KC.10 là một trong các chương trình khoa học và công nghệ (KH-CN) trọng điểm cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và được chia thành nhiều giai đoạn thực hiện. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình đã hoàn thiện 40 đề tài và 6 dự án, trong đó đã có 41 đề tài công bố quốc tế, 25 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Thông qua Chương trình, nhiều kỹ thuật trước đây kết quả còn hạn chế, thì nay đã thực hiện ở trong nước khá phổ biến, góp phần đưa trình độ KH-CN về Y - Dược nước ta sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nguyên Giám đốc Học viện Quân Y, GS.TS Phạm Gia Khánh, - Chủ nhiệm Chương trình nhớ lại: Đầu năm 2017, khi Chương trình vừa bắt đầu giai đoạn mới (2016 - 2020), các nhà khoa học, bác sĩ của Học viện Quân y đã nghiên cứu, thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân là cháu bé Ly Chương Bình (7 tuổi, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, đã biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn và suy dinh dưỡng độ III, buộc phải thay cả hai lá phổi. Học viện Quân y phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện cắt bỏ toàn bộ, sau đó lấy một thùy phổi từ bố và một thùy từ bác ruột của bé để ghép. Ca ghép thành công và hiện tại cháu bé sống khỏe mạnh, đánh dấu Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới.

Bên cạnh kỹ thuật ghép phổi “thần kỳ”, còn nhiều đề tài nghiên cứu khác cũng được ứng dụng rất thành công với chi phí bằng 1/10 so với điều trị ở nước ngoài như: Kỹ thuật sử dụng tế bào gốc máu dây rốn được ứng dụng cho bệnh nhân mắc bệnh máu từ đề tài Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thực hiện; nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân điều trị cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ não) do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện; ứng dụng laser quang đông trong chẩn đoán, điều trị hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện; ghép tế bào gốc từ mô mỡ tủy xương được ứng dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là đề tài do Bệnh viện Bạch Mai thực hiện. “Hầu hết các nhiệm vụ tạo ra các giải pháp và công nghệ mới có kết quả đều được ứng dụng ngay trong thực tiễn”, GS.TS Phạm Gia Khánh khẳng định.

Xây dựng cơ chế tốt nhất để các nhà khoa học cống hiến

Phát biểu tại buổi Tổng kết về chương trình KC.10 giai đoạn 2016 - 2020, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y đánh giá, Chương trình đã mang lại rất nhiều thành tựu không chỉ trong y học mà cả trong xã hội, đã tạo được niềm tin của nhân dân vào nền khoa học của Việt Nam. “Tôi thực sự biết ơn những người đầu tiên đề xuất thực hiện các chương trình KC, trong đó có KC.10. Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cơ chế vô cùng tốt, tạo ra sân chơi cho các nhà khoa học về y học với nhiều thành tựu đột phá”.

Là cơ quan quản lý Chương trình, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, những kết quả thành tựu hôm nay là công sức, tâm huyết và đam mê của các thầy thuốc, chuyên gia, nhà khoa học - "niềm tự hào của ngành khoa học công nghệ Việt Nam", ông Tùng phấn khởi nói.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ đang tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH-CN, trong đó tiếp tục tập trung xây dựng, điều chỉnh các thông tư, nhất là trong công tác quản lý cởi mở hơn nữa, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học làm chuyên môn, không bị khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

LINH CHI