Hướng dẫn lưu thông hàng hóa trong dịch bệnh:

Làm càng nhanh càng tốt

- Thứ Ba, 23/02/2021, 08:24 - Chia sẻ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh trong vùng dịch gặp khó khăn trong tiêu thụ, cần phải “giải cứu”. PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương cho rằng, việc hướng dẫn, có quy trình cụ thể để xác định hàng hóa an toàn, bảo đảm lưu thông hàng hóa là vấn đề then chốt nhằm thực hiện mục tiêu kép, do đó các bộ, ngành cần làm càng nhanh càng tốt.

Ách tắc do quy định chưa hợp lý

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản của các tỉnh trong vùng dịch như Hải Dương, Hải Phòng không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng. Mặc dù những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đứng ra “giải cứu” nông sản cho các tỉnh này song chỉ giải quyết được phần nào.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công thương cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, tính đến ngày 15.2, toàn tỉnh thu hoạch được 19.500ha rau màu, còn 2.802ha đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 46.000 tấn hành; 30.700 tấn cà rốt; 8.000 tấn cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá; 1.000 tấn lợn sữa. Trong đó, có tới 80% số nông sản này phục vụ xuất khẩu. Tuy vậy, toàn tỉnh có tới hơn 90.000 tấn nông sản chưa tiêu thụ được (còn 4.080ha rau đang đến kỳ thu hoạch, bao gồm 3.205ha hành, 621ha cà rốt và 261ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá).

Còn tại Hải Phòng, dù chưa có số liệu thống kê chính thức song Hội Nông dân thành phố xác nhận nhiều nông sản bị ứ đọng, giá thành xuống mức thấp khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, giá rau bắp cải bán tại ruộng là 4.500 - 5.000 đồng/cái từ 3 - 4kg; cà chua giá từ 900 - 1.000 đồng/kg, su hào giá 3.000 đồng/củ… Còn tại Hợp tác xã nuôi trồng Thủy sản Tân Lập, huyện Thủy Nguyên - đơn vị cung cấp cá vược lớn cho thị trường Hải Phòng và các tỉnh lân cận - hiện còn khoảng hơn 200 tấn. Lượng cá song tại huyện Cát Hải còn trên 100 tấn…

Trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản ở vùng dịch, Bộ Công thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Tuy vậy, trong Công văn số 901/BCT-TTTN vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Công thương xác nhận: Trong quá trình thực hiện vẫn có một số vướng mắc, khó khăn.

Theo đó, các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng, chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương, khiến việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc. Thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hóa ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.

Bên cạnh đó, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7.2.2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ, khó tiêu thụ. Sở Công thương Hải Dương cho biết, có địa phương yêu cầu lái xe, người giao hàng phải có xét nghiệm Covid-19 (xét nghiệm PCR) âm tính trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, năng lực xét nghiệm PCR tại Hải Dương rất hạn chế vì phải ưu tiên xét nghiệm cho các F1, F2... Thông thường sau 1 - 2 ngày mới có kết quả, khi đó giấy xác nhận đã gần hết hiệu lực để được đi qua chốt.

“Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng, thậm chí bị đứt gãy, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương”, Bộ Công thương cho biết.

Hội Phụ nữ phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thu hoạch và bán bắp cải giúp các gia đình đang bị cách ly, phong tỏa

Nguồn: Báo Người lao động

 

Không thể cách ly hàng hóa

Trước thực tế này, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, trong đó có nông sản, Bộ Công thương đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay. Bên cạnh đó, chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm Covid-19 hỗ trợ các tỉnh trong vùng dịch, bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất, nuôi trồng các loại nông lâm thủy sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông lâm thủy sản…

Đối với các địa phương, thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28.01.2021 quyết liệt triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, bảo đảm các phương tiện được lưu thông thông suốt, không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” diễn ra trên địa bàn. Thông báo công khai, thông tin rộng rãi về các đơn vị được chỉ định xét nghiệm Covid-19; ưu tiên tổ chức xét nghiệm cho đội ngũ lái xe và người áp tải hàng. Các địa phương có dịch và địa phương giáp ranh chủ động liên hệ làm việc với các tỉnh, thành phố có kinh nghiệm (Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Quảng Nam…) để tổ chức các mô hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả…

Cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải sẵn sàng tâm thế “sống chung với dịch” và xác định dịch có thể sẽ kéo dài, PGS.TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương nhấn mạnh: Các bộ ngành liên quan cần sớm đưa ra hướng dẫn, quy trình cụ thể trong vấn đề xác định hàng hóa an toàn, bảo đảm lưu thông hàng hóa. “Đây là vấn đề mang tính sống còn trong bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất, do đó các bộ, ngành cần làm nhanh nhất có thể để tạo sự thích ứng nhanh, thống nhất trong thực hiện”, ông nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường nên “khó để nói các bộ, ngành đã chậm chạp” trong việc ban hành quy trình, hướng dẫn bảo đảm lưu thông hàng hóa, tránh ứ đọng. Tuy vậy, đã đến lúc việc phản ứng nhanh cần được thể hiện rõ hơn. “Chúng ta phải xác định cách ly con người là cần thiết nhưng không thể cách ly cả hàng hóa”. Do đó, ngành y tế cần sớm nghiên cứu, công bố liệu dịch bệnh có thể lây lan qua hàng hóa không; các bước thu hoạch, đóng gói thế nào để bảo đảm an toàn cho người sử dụng? Hình thức bán hàng ra sao, địa điểm bán hàng thế nào cũng cần được tính tới và phải huy động sự chung sức của cả xã hội. Đồng thời, phải bảo đảm trong vùng thực hiện cách ly nhưng vẫn phải duy trì sản xuất, thu hoạch mùa màng kịp thời, tránh để cánh đồng "bỏ không", ông Thắng đề xuất.

Đan Thanh