Làm ăn chân chính mà cũng khó

Huyền Trang 31/10/2015 07:45

Trong kinh doanh, ai cũng muốn “một mình một chợ” nhưng điều này là không thể. Vậy thì phải cạnh tranh, dưới mọi hình thức, từ hợp pháp đến không hợp pháp; lành mạnh và không lành mạnh. Đủ mọi chiêu trò, miễn triệt hạ được đối thủ. Nhưng cũng có khi, muốn được cạnh tranh lành mạnh (điều này trên thực tế ai cũng nói nhưng chỉ là “nói vậy nhưng không phải vậy”) cũng khó, cũng khổ trăm đường.

Như trường hợp ở một tỉnh phía Nam, đơn thuần chỉ là một sạp thịt heo. Do muốn mở rộng địa bàn kinh doanh, buôn bán nên hộ kinh doanh này đã thuê mặt bằng và thành lập doanh nghiệp. Mọi việc suôn sẻ: Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp phép thành lập. Mọi thủ tục khác như đăng ký thuế, con dấu đều đã xong và hợp pháp. Phấn khởi kinh doanh, buôn bán. May thay, công việc “xuôi chèo mát mái”, khách hàng ngày một đông. Nhưng cũng từ đó mà nảy sinh ra chuyện. Chẳng là các tiểu thương khác kinh doanh cùng mặt hàng thấy sạp này bán được hàng, “hút” được nhiều khách nên họ khiếu kiện lên tận tỉnh. Thế là sở, huyện, xã cùng “vào cuộc”. Kèm theo đó đương nhiên sẽ là những lần kiểm tra, những buổi làm việc, rồi giải trình… Cơ quan chức năng kết luận: Việc cấp phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho doanh nghiệp không sai nhưng địa điểm kinh doanh không phù hợp với quy hoạch của địa phương; doanh nghiệp chưa đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm nên phải đình chỉ, dừng hoạt động (không bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh)…

Phía doanh nghiệp thì cho rằng, lỗi duy nhất của họ là Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn (trước đó doanh nghiệp đã đến Chi cục Thú y tỉnh đăng ký tập huấn để được cấp giấy chứng nhận nhưng được trả lời là chưa mở lớp, khi nào mở lớp sẽ mời doanh nghiệp tập huấn và cấp giấy chứng nhận).

Sở dĩ phải dẫn giải cụ thể sự việc như vậy để thấy rằng các cơ quan chức năng đã rất “sốt sắng” vào cuộc để giải quyết vấn đề, cho dù phần lỗi chính ở đây thuộc về các cơ quan chức năng chứ không hề né tránh. Đây là việc làm đúng, là tinh thần cầu thị đáng hoan nghênh bởi nếu không vào cuộc kịp thời, rất có thể “bé xé ra to”. Dù vậy, cũng phải nói lại rằng, cách giải quyết vấn đề của địa phương vẫn có gì đó “chưa ổn” bởi, bản chất của vấn đề chỉ là cạnh tranh trong kinh doanh. Một bên có thế mạnh là chất lượng hàng hóa tốt, giá cả cạnh tranh; một bên chưa làm được điều này dẫn đến mất khách hàng. Vậy thì tỉnh có cần thiết phải đứng ra mời các hộ kinh doanh lên làm việc để tìm ra giải pháp hợp lý hay không hay chỉ cần khắc phục những sai sót về thủ tục hành chính, việc cạnh tranh, nên tuân theo cơ chế thị trường chứ không nên chỉ vì “sức ép” của vài chục hộ kinh doanh mà cả bộ máy chính quyền phải vào cuộc, phải “nuông chiều” theo những đòi hỏi vô lối như vậy?

Trong mọi vấn đề, dù nhỏ, dù lớn nếu thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của các cơ quan chức năng thì việc sớm vào cuộc và vào cuộc một cách quyết liệt để giải quyết vấn đề là cần thiết. Nhưng đừng quá ôm đồm, đừng làm vấn đề từ đơn giản trở nên phức tạp hoặc sai lệch bản chất sự việc. Như trong trường hợp này, vấn đề chính đó là bình đẳng trong cạnh tranh và cạnh tranh một cách lành mạnh. Cơ quan chức năng không nên vì các sai sót trong thủ tục hành chính hay những yêu cầu, đòi hỏi vô lý mà cản trở việc cạnh tranh lành mạnh. Đừng làm khó những người làm ăn chân chính, thật thà.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm ăn chân chính mà cũng khó
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO