Tại cuộc làm việc với Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây nhằm trao đổi kinh nghiệm về thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp và hoạt động repo, đại diện Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, thị trường trái phiếu Chính phủ của Việt Nam những năm qua đã phát triển đồng bộ về khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng và cơ sở nhà đầu tư.
Trái phiếu Chính phủ là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu của ngân sách trung ương. Giai đoạn 2016 – 2022, khối lượng huy động vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm chiếm 65-86% tổng khối lượng vay của Chính phủ; năm 2023 chiếm khoảng 70,6%, tương đương với 21,6% GDP.
Từ năm 2020 đến nay, toàn bộ khối lượng trái phiếu Chính phủ được phát hành thông qua đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch. Kỳ hạn phát hành bình quân hàng năm có xu hướng tăng; giúp kéo dài thời gian đáo hạn bình quân của danh mục trái phiếu Chính phủ, hiện nay đang duy trì ở mức trên 9 năm.
Lãi suất phát hành được điều hành phù hợp với tình hình thị trường và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tại từng phiên đấu thầu được xác định dựa trên nhu cầu vốn của ngân sách trung ương và tình hình thị trường. Tính chung giai đoạn 2016 - 2023, lãi suất phát hành có xu hướng giảm qua các năm, giúp tiết kiệm chi phí trả lãi của ngân sách trung ương.
Năm 2024, KBNN dự kiến phát hành 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. 5 tháng đầu năm, KBNN đã huy động được 127.031 tỷ đồng, đạt 31,8% kế hoạch năm 2024, linh hoạt phát hành các kỳ hạn 5 - 30 năm, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Về tiến độ triển khai nghiệp vụ phát hành mã trái phiếu Chính phủ chuẩn, đại diện KBNN cho biết hiện nay Bộ Tài chính (KBNN) đang phấn đấu tăng quy mô các mã trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm. Năm 2023, quy mô mã trái phiếu Chính phủ trung bình khoảng 14.000 – 16.000 tỷ đồng, quy mô mã lớn nhất đạt gần 23.000 tỷ đồng, tiến sát tới quy mô mã trái phiếu Chính phủ chuẩn theo thông lệ quốc tế (1 tỷ USD).
Về hoạt động mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (repo) của KBNN, được triển khai từ năm 2021, đây là một trong những nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo quy định của pháp luật.
Từ đầu năm 2024 đến nay, KBNN đã ký hợp đồng khung với 21 ngân hàng thương mại (NHTM), trong đó đã có 17/21 ngân hàng có đủ điều kiện tham gia giao dịch và 9/17 ngân hàng thực tế có phát sinh giao dịch repo với KBNN.
Khối lượng giao dịch repo từ đầu năm 2024 tăng, tổng giá trị giao dịch đạt 38.150 tỷ đồng (theo mệnh giá), tập trung ở kỳ hạn 14 ngày và 1 tháng.