Lãi suất giảm chưa giúp thị trường chứng khoán phục hồi
Dù lãi suất huy động đã giảm từ 14% xuống còn 11%/năm nhưng vẫn chưa thấy nhận thấy tín hiệu thị trường khởi sắc. Đợt giảm lãi suất lần này, đưa lãi suất huy động về 9%/năm, được cho là có tác động tích cực đầu tiên với ngành ngân hàng vì giúp giải vốn nhanh. Tuy nhiên, dường như tín hiệu tích cực này chưa giúp giới đầu tư chứng khoán an tâm hơn vào triển vọng tăng trưởng của thị trường từ nay đến cuối năm.
Khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động xuống 9%/năm, nhiều ý kiến cho rằng, người gửi tiết kiệm sẽ chọn kênh đầu tư khác để sinh lợi tốt hơn. Ngoài ra, hiện nay đầu tư vàng miếng khó tạo lợi nhuận như trước đây và đang được quản lý chặt chẽ hơn. Thị trường bất động sản vẫn đóng băng nên chưa thu hút vốn đầu tư. Do đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ hút được dòng tiền và đầu tư chứng khoán dài hạn sẽ sinh lời. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm lãi suất huy động chưa giúp hướng dòng tiền đầu tư sang thị trường chứng khoán. Thực tế, thông tin giảm lãi suất huy động thêm 2% chỉ giúp hai sàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng điểm một phiên. Bởi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại không giảm như kỳ vọng khiến nhà đầu tư bi quan về tương lai của doanh nghiệp niêm yết. Vì vậy, vấn đề quan trọng của thời điểm này là gỡ được nút thắt nhằm khơi thông dòng vốn vay cho sản xuất, kinh doanh.
Việc hạ lãi suất về mặt lý thuyết được đánh giá là sẽ có tác động kép, vừa giúp tăng niềm tin vào đà tăng của chứng khoán khiến đầu tư chứng khoán sinh lời tốt hơn trong tương quan với các kênh đầu tư khác, vừa khiến người gửi tiền giảm tỷ trọng gửi ngân hàng và tăng tỷ trọng đầu tư. Tuy nhiên, dù nhiều thông tin hỗ trợ mạnh như nới lỏng tiền tệ; sàn chứng khoán HNX chuẩn bị áp dụng rổ HNX-30; ngăn chặn cổ đông nội bộ lướt sóng, hạn chế thời gian và công bố thông tin… thì tính thanh khoản của thị trường vẫn giảm mạnh trong các phiên giao dịch đầu tháng 6 này. Thị trường mấy phiên gần đây vẫn thờ ơ với thông tin cắt giảm lãi suất mạnh của Ngân hàng nhà nước. Chuyên gia tài chính độc lập Phan Thanh Sơn cho rằng, việc tác động lên thị trường chứng khoán thời điểm này cần rất nhiều yếu tố, trong đó nếu xét về yếu tố nội lực thì chú ý đến sức khỏe của doanh nghiệp và vấn đề dòng tiền. Và hai yếu tố chi phối chính và lâu dài cho thị trường chứng khoán là sức khỏe của doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế. Bởi vậy, khi băn khoăn của nhà đầu tư về cơ hội khởi sắc của kinh tế vĩ mô chưa có câu trả lời thì tâm lý ngần ngại sẽ xuất hiện.
Lý giải về việc thị trường chứng khoán thờ ơ với lãi suất, chuyên gia phân tích Lê Ngọc Nam, Công ty chứng khoán Tân Việt cho biết, thông tin về giảm lãi suất nếu trước đây được gọi là tin tốt thì hiện nay thị trường có dấu hiệu trơ đi vì những đợt giảm trước không gây phản ứng nhiều. Phân tích sâu hơn thấy rằng, lãi suất huy động có giảm nhưng mức 9%/năm vẫn an toàn so với đầu tư vào chứng khoán rủi ro cao. Thêm vào đó, bức tranh toàn cảnh nền kinh tế còn xấu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng hóa không tiêu thụ được nên hàng tồn kho nhiều… chính vì vậy mà các thông tin tích cực khác cũng như lãi suất giảm không đủ sức để gây ra hiệu ứng và tạo niềm tin cho thị trường.
Thực tế, thị trường chứng khoán luôn nhìn vào xu hướng tương lai, trong khi đó, với tình hình hiện nay chưa có gì chắc chắn thời gian tới sẽ tốt hơn, mà nhiều ý kiến cho rằng vẫn khó hồi phục trong ngắn hạn. Hơn nữa, mối lo ngại hiện nay không phải dòng tiền chưa vào mà thị trường chứng khoán đang ngóng kinh tế vĩ mô. Theo các chuyên gia thì doanh nghiệp hiện nay không hấp thụ nổi vốn, sản xuất kinh doanh đình trệ nên nợ xấu sẽ bị ảnh hưởng. Cần có thêm thời gian để lấp khoảng cách giữa hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp.