15 năm Thực hiện Nghị quyết 24 - NQ/TW về công tác dân tộc

Kỳ vọng về những chuyển biến mới

- Thứ Bảy, 10/08/2019, 07:15 - Chia sẻ
Sau 15 năm thực hiện, các mục tiêu của Nghị quyết 24 - NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai kỳ vọng, việc tổng kết Nghị quyết 24 sẽ giúp chính sách dân tộc chuyển biến sâu sắc, toàn diện hơn...

Đậm nét nhất, toàn diện nhất

Quan điểm của Đảng đối với công tác dân tộc được thể hiện trong khá nhiều văn bản, nghị quyết, thế nhưng, theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, “đậm nét nhất, toàn diện nhất vẫn là Nghị quyết số 24 - NQ/TW về công tác dân tộc được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX ban hành ngày 12.3.2003”.

Trải qua 15 năm thực hiện, Nghị quyết số 24 - NQ/TW đã góp phần giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Sản xuất bước đầu phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng sản xuất hàng hóa. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực, công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn, các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Dù vậy, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, một số chỉ tiêu Nghị quyết 24 đề ra, đến nay vẫn chưa đạt. Điệp khúc được nhắc đi, nhắc lại mãi vẫn là vùng dân tộc thiểu số và miền núi là vùng nghèo nhất, khó khăn nhất, dân trí thấp nhất và địa bàn phức tạp nhất. Vậy thì vì sao Đảng đề ra chủ trương rất đúng đắn, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa bằng nhiều chương trình, đề án, chính sách cụ thể, song như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thống kê là 118 chính sách dân tộc mà bức xúc của đồng bào dân tộc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Phải chăng do chính sách không phù hợp, do khâu tổ chức thực hiện không tốt, do thiếu quyết tâm chính trị, do thiếu nguồn lực, hay là tổng hòa của các yếu tố nêu trên?

Qua phân tích, thảo luận tại Hội thảo công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa được tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 24, những vấn đề như: Tình trạng di cư tự do, nhà ở tạm bợ, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… chưa được giải quyết triệt để. Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số còn rất thiếu và yếu kém, có đến 54 xã chưa có đường ô tô kết nối UBND xã với UBND huyện, 187 xã chưa có đường đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 3.400 thôn chưa có điện lưới. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Đáng lưu ý, còn quá nhiều chính sách dàn trải, manh mún; nhiều chính sách không đồng bộ, thiếu kết nối, thời gian thực hiện ngắn. Một số chính sách còn mang tính nhiệm kỳ, giải quyết tình thế. Có chính sách còn bất cập, chồng chéo về đối tượng thụ hưởng và nội dung chính sách. Chương trình, chính sách được giao cho nhiều cơ quan, bộ, ngành chủ trì, chỉ đạo thực hiện các dự án thành phần gây nên tình trạng nhiều đầu mối quản lý.

Xác định mục tiêu theo từng giai đoạn

Công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đây là dịp để Đảng, Nhà nước ta bàn về công tác dân tộc, chính sách dân tộc một cách đồng bộ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị sẽ trực tiếp chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 về công tác dân tộc. Hiện nay, các tiểu ban Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng cũng đang khẩn trương dự thảo các nội dung đặc biệt quan trọng để trình Đại hội, trong đó có những vấn đề về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc. Chính phủ đang tổng kết chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2019 nhằm xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030. Tại Kỳ họp thứ Tám tới đây (tháng 10.2019), QH dự kiến sẽ xem xét, phê duyệt Đề án và ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Nếu được thông qua, đây cũng là lần đầu tiên QH ban hành Nghị quyết về công tác dân tộc theo Khoản 5, Điều 70 của Hiến pháp năm 2013.

Với ý nghĩa nêu trên, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai mong muốn, khi đã nhận diện đầy đủ kết quả, hạn chế việc thực hiện Nghị quyết 24 thì trong giai đoạn tới, chính sách về công tác dân tộc phải khả thi hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đặt yêu cầu cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số làm trung tâm của chính sách. Chính sách phải thực sự đủ, mạnh, có quyết tâm và có hiệu quả. Dự thảo Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, chúng ta trở thành nước có thu nhập trung bình cao và năm 2045. Với mục tiêu đó, Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu vấn đề, đồng bào dân tộc sẽ đứng ở đâu trong mục tiêu phát triển của đất nước, đồng bào dân tộc sẽ được hưởng thành quả gì trong quá trình phát triển chung đó?

Các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất là xác định mục tiêu công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo từng giai đoạn, mục tiêu sau phải tích cực hơn mục tiêu trước. Nhất trí với đề xuất này, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, phải có nguồn lực, phân công rõ trách nhiệm trong hệ thống chính trị. Chúng ta cần có 3 nhóm chính sách: Chính sách chung cho vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù cho từng khu vực, miền núi và chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Mọi chính sách phải chú ý đến sự công bằng, công bằng ngang và công bằng dọc. Công bằng ngang tức là ai có điều kiện như nhau thì chính sách phải như nhau. Công bằng dọc là ai khó khăn nhất thì phải xếp ưu tiên nhất. 

Về cơ chế điều phối chính sách, nhiều ý kiến đề nghị phải sắp xếp hợp lý, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực tốt hơn, chú ý đến người hưởng thụ là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương, chúng ta phải có đầu mối chỉ huy rõ ràng, có cơ chế phối hợp nhịp nhàng, có người chịu trách nhiệm và huy động được sự tham gia của đồng bào dân tộc vào tổ chức thực hiện chính sách.

Mục tiêu của Nghị quyết 24 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Trong bối cảnh mới, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai kỳ vọng, việc tổng kết Nghị quyết 24 sẽ giúp chính sách dân tộc chuyển biến sâu sắc, toàn diện hơn, đưa công tác dân tộc trở thành chiến lược, lâu dài, cấp bách trong chính sách của quốc gia và chính sách đại đoàn kết dân tộc; tạo ra sự đồng bộ trong nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị.

Ý Nhi