- Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược: Mở ra trang sử mới chung tay hướng tới hiện đại hóa
- Cuộc hành trình về quá khứ và đến tương lai
- Đại sứ Hùng Ba: Định vị mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc
- Báo chí Trung Quốc đánh giá cao quan hệ song phương với Việt Nam
- Chuyên gia nhấn mạnh ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam
Tích cực, toàn diện, thực chất với nhiều điểm sáng
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc là chuyến thăm đầu tiên của Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, đúng một năm sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10.2022).
Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra đúng vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023). Đây là khuôn khổ quan hệ đối ngoại cao nhất mà Việt Nam thiết lập với các đối tác.
Sau 15 năm triển khai khuôn khổ hợp tác này, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn cho biết, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển với xu thế rất tích cực, toàn diện, thực chất với nhiều điểm sáng. Tính toàn diện chính là điểm nhấn xuyên suốt, thể hiện qua việc hai bên thường xuyên duy trì các chuyến thăm, trao đổi cấp cao trên tất cả các kênh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc. Tổng Bí thư của hai Đảng thường xuyên duy trì trao đổi chiến lược với nhiều hình thức và biện pháp linh hoạt. Các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác về chính trị - ngoại giao không ngừng được tăng cường, củng cố. Hợp tác về quốc phòng - an ninh trở thành một trong những trụ cột của quan hệ song phương.
Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, là ưu tiên hàng đầu, là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại. Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Đặc biệt, hai bên hết sức coi trọng, phát huy vai trò định hướng, chiến lược của quan hệ kênh Đảng trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Cùng với quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu, được đánh giá là "điểm sáng" trong quan hệ hai nước. Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Kim ngạch thương mại song phương hiện đã tăng 9 lần, từ mức 20 tỷ USD năm 2008, lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Qua 15 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tính đến hết tháng 10.2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022; chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Giao lưu nhân dân hai nước duy trì xu thế khôi phục nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Đến nay, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam. Trong 10 tháng năm nay, Việt Nam đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc. Song song đó, sự phối hợp trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc trong các công việc chung của khu vực và quốc tế không ngừng được tăng cường. Hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Hiện nay, đã có gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác.
Với nền tảng quan hệ hợp tác và những kết quả cụ thể như vậy, như nhận định của Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn, "chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lần này có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực cho sự phát triển lên tầm cao mới của quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước với những hợp tác hết sức thiết thực, hiệu quả và ngày càng thực chất hơn".
Sẽ là dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ hai nước
Trao đổi với báo chí về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nêu rõ, có 3 điểm mà hai bên đều rất kỳ vọng vào chuyến thăm.
Trước hết là kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai là kỳ vọng về những kết quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ xác định những phương hướng, trọng tâm lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết.
Thứ ba là kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Chuyến thăm này, cùng với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho các ngành, các cấp, các địa phương và đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ sẵn có, qua đó xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng: cùng chung biên giới, là 2 nước XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị truyền thống, có lợi ích ngày càng gắn bó. Do đó, cả hai nước đều coi trọng quan hệ với nhau, đều xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Trung Quốc - Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của mỗi nước.
15 năm qua, kể từ khi thiết lập khuôn khổ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trong đó, có nhiều chuyến thăm cấp cao đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10.2022.
Là chuyến thăm diễn ra ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã dành những nghi lễ trang trọng nhất để đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Và, kể từ Đại hội XIII của Đảng ta đến nay, Trung Quốc là nước đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm sau khi tái đắc cử cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử và đã thành công rất tốt đẹp.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc là chuyến thăm đầu tiên của Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc; và đúng vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Trong bối cảnh như vậy và với tầm mức quan trọng của chuyến thăm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tin tưởng và kỳ vọng, “chắc chắn đây sẽ là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc”.