KỲ VỌNG QUYẾT TÂM ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP

- Chủ Nhật, 07/11/2021, 06:09 - Chia sẻ
Cử tri và Nhân dân kỳ vọng vào những định hướng lớn trong lập pháp và quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV; đồng thời, đồng tình với Quốc hội phải chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa, cải tiến căn bản cách thức lấy ý kiến Nhân dân một cách dân chủ, không chỉ đăng tải công khai dự thảo mà làm cách nào để người dân - đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của luật cũng phải nắm, hiểu được từ sớm, có thời gian nghiên cứu, góp ý, phản biện; cơ quan chủ trì soạn thảo có thời gian tiếp thu, phản hồi, trao đổi đa chiều.

Đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điều hành đất nước bằng chế độ Sắc lệnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ 10.9.1945 đến 31.12.1946, Nhà nước đã ban hành 183 Sắc lệnh và hàng trăm văn bản pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu cụ thể và cấp bách của công cuộc kháng chiến, kiến quốc lúc bấy giờ và là hình thức (nguồn) pháp luật chủ yếu của Nhà nước điều chỉnh các mối quan hệ đời sống xã hội, trong đó có đạo luật cơ bản là Hiến pháp 1946.

Điều đó cho thấy, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi lên cầm quyền đã có sự chuẩn bị trước khá chu đáo, coi trọng đến vai trò của luật pháp trong điều hành và quản lý xã hội. Vì cho rằng, quản lý xã hội bằng pháp luật là dân chủ, tiến bộ, sử dụng pháp luật như một phương tiện để củng cố Nhà nước, coi “Pháp luật là phép của dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số Nhân dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà nước đề ra pháp luật, nhưng Nhà nước cũng phải tuân theo pháp luật, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ dân chủ cộng hòa.

Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; xây dựng nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ và sáng suốt tiếp tục được khẳng định và là kim chỉ nam trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng đề ra từ Đại hội XI, tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021 - 2030.

Tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới, cống hiến

Thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước, ngay sau khi có Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 14.10.2021, Đảng đoàn Quốc hội Khóa XV đã nhanh chóng hoàn thiện Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; đồng thời, xúc tiến ngay việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 3.11.2021 để triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW và Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Đề án.

Theo dõi sát những phản ánh phong phú, đậm nét trên Báo Đại biểu Nhân dân và các báo, đài về diễn biến hội nghị, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao những nội dung hội nghị và Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; cho rằng, quan điểm phải đặt lên hàng đầu, ưu tiên cao nhất cho chất lượng các dự án luật, không chạy theo số lượng, khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập... là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và ý chí của Nhân dân.

Kết luận của Chủ tịch Quốc hội trên cơ sở thực tiễn cách mạng đã chứng minh rằng, chính sách là linh hồn, là nội dung của pháp luật. Đường lối, chính sách của Đảng có đi vào cuộc sống hay không là do thể chế. Sự tồn vong của Đảng và chế độ cũng do thể chế. Thể chế và hiệu lực của thể chế chính sách có vai trò quyết định đối với sự phát triển hay kìm hãm sự phát triển của đất nước, trong đó, thể chế phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật. Pháp luật phải thể hiện ý chí của Nhân dân, bởi vì đó “là phép của dân”. “Cuộc sống mà không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật khó đi vào cuộc sống được”.

Tinh thần “Pháp luật là phép của dân” được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong công tác lập pháp phải liêm chính, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật. Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường giám sát bảo đảm tiến độ nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ lập pháp xác định trong Đề án triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp gắn với minh bạch trách nhiệm của tập thể, tổ chức và cá nhân, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.  

Dân chủ, chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa

Kết luận của Chủ tịch Quốc hội xác định chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này, mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của tất cả cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Họ đều là những người đại diện chính trị của Nhân dân, là công bộc của dân, được dân cử ra, do dân tổ chức nên, tham gia xây dựng pháp luật cũng chính là phục vụ dân, bảo vệ dân.

Pháp luật thường có độ trễ nhưng không cho phép sự trì trệ, quan liêu, “tư duy nhiệm kỳ”, “nửa nhiệm kỳ”(!), luật ban hành thiếu sức sống, mới ban hành đã phải sửa. Cử tri và Nhân dân kỳ vọng vào những định hướng lớn trong lập pháp và quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội; đồng thời, đồng tình với Quốc hội phải chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa, cải tiến căn bản cách thức lấy ý kiến Nhân dân một cách dân chủ, không chỉ đăng tải công khai dự thảo mà làm cách nào để người dân - đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của luật cũng phải nắm, hiểu được từ sớm, có thời gian nghiên cứu, góp ý, phản biện; cơ quan chủ trì soạn thảo có thời gian tiếp thu, phản hồi, trao đổi đa chiều. Bác Hồ dạy: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”, tinh thần đó cần được phát huy rộng rãi trong hoạt động lập pháp.

Thạc sĩ NGUYỄN VÂN HẬU