Hợp tác Mỹ - Trung về biến đổi khí hậu

Kỳ vọng ở mức nào?

- Thứ Hai, 10/05/2021, 06:49 - Chia sẻ
Mới đây, Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện thiện chí hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để có được sự hợp tác thực chất, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải gạt bỏ lợi ích, điều mà họ chưa sẵn sàng.
	Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu hôm 23.4 do Mỹ chủ trì - Tân Hoa Xã
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu hôm 23.4 do Mỹ chủ trì - Tân Hoa Xã

Tín hiệu bề nổi

Bất chấp cạnh tranh ngày càng gay gắt, Mỹ và Trung Quốc gần đây đã gửi tín hiệu hợp tác tiềm năng về chống biến đổi khí hậu. Các tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp giữa tháng 4 giữa Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Kiến Hoa khẳng định, hai nước sẽ dốc sức hợp tác với nhau và với các nước khác cùng giải quyết khủng hoảng khí hậu và ứng phó dựa trên tính nghiêm trọng, cấp bách của vấn đề; chung tay và cùng các bên tăng cường thực thi Thỏa thuận Paris. Đồng thời nhấn mạnh một ý quan trọng rằng, hai chính phủ có thể cố gắng sử dụng hợp tác về khí hậu để ngăn mối quan hệ của họ từ cạnh tranh trở thành thù địch.

Không quá khó hiểu để giải thích tại sao Mỹ và Trung Quốc lại hành xử có trách nhiệm vào thời điểm hiện tại. Cả hai nước đều coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu và có lợi ích hợp tác mạnh mẽ. Cả Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều hiểu rằng, một thái độ không khoan nhượng hoặc theo đuổi chủ nghĩa bất hợp tác trong vấn đề này sẽ khiến họ phải trả giá đắt về mặt dư luận quốc tế.

Trong Chiến tranh Lạnh, cuộc đấu tranh ý thức hệ đã chia cắt thế giới và gắn kết các liên minh. Nhưng trong thập kỷ tới, chỉ riêng ngọn cờ ý thức hệ khó có thể giúp Trung Quốc và Mỹ tập hợp được lực lượng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang thực sự là mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn vong của con người và việc lãnh đạo giải quyết vấn đề này sẽ định hình các liên minh quốc tế. Đó cũng là lý do mới đây, Washington đã thúc đẩy sáng kiến SALPIE nhằm tăng cường hợp tác với các quốc đảo nhỏ ở Caribe, Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương - các quốc gia có chung mối quan tâm về biến đổi khí hậu và Covid-19. Trọng tâm của sáng kiến ​​này là công nhận các quốc đảo nhỏ đang đi đầu trong cuộc chiến chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Họ vốn là các quốc gia thải ra lượng khí thải carbon không đáng kể, nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Rào cản trong hợp tác

Việc biến các cam kết khoa học về khí hậu thành hành động sẽ khiến cả hai quốc gia phải đối mặt với khó khăn trong những năm tới. Chẳng hạn, ngay sau hội nghị thượng đỉnh về khí hậu gần đây của ông Biden với các nhà lãnh đạo thế giới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ám chỉ sự hợp tác của Trung Quốc với Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc hay không”.

Khi nói đến “công việc nội bộ”, Trung Quốc ám chỉ các vấn đề liên quan đến Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông và quan trọng nhất là Đài Loan. Tuy nhiên, ông Kerry đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ những vấn đề này để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc về biến đổi khí hậu. Điều đó cho thấy, trừ khi Trung Quốc hoặc Mỹ mềm mỏng hơn trong lập trường của mình, nếu không, sự leo thang căng thẳng Trung - Mỹ về các nút thắt khó gỡ này có thể gây nguy hiểm cho các nỗ lực hợp tác khí hậu song phương.

Bên cạnh khó khăn trong ngăn chặn xung đột song phương làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, vẫn chưa rõ mức độ hợp tác trong lĩnh vực khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tiến triển đến đâu. Tuyên bố chung Mỹ - Trung mới đây khá ngắn gọn và chỉ đưa ra một vài chi tiết cụ thể. Do không có lòng tin nên không quốc gia nào sẵn sàng đưa ra các cam kết mang tính ràng buộc hơn.

Do đó, hợp tác song phương về biến đổi khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thiếu ổn định. Sự bất ổn trong hợp tác của lĩnh vực này bắt nguồn từ sự bất ổn tổng thể của quan hệ Mỹ - Trung, bởi bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào trong quan hệ song phương chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực hợp tác khí hậu. Sự nghi ngờ và thù địch lẫn nhau cũng sẽ ngăn cản hai bên có những bước tiến lớn hay thúc đẩy họ vượt qua những cuộc thương lượng khó khăn.

Mỹ - Trung có thể làm gì?

Do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc có lẽ hợp tác tốt nhất bằng cách kiềm chế các hành động nhất định, thay vì cố gắng đạt được mọi thứ cùng nhau. Ở đây, điều cấp thiết đầu tiên là hai nước nên tránh gắn mối quan hệ hợp tác khí hậu với các khía cạnh bất lợi nhất của mối quan hệ song phương, chẳng hạn như nhân quyền, thương mại và an ninh.

Việc thực hiện các biện pháp kiềm chế như vậy đòi hỏi sự nhượng bộ từ Trung Quốc nhiều hơn là Mỹ, bởi vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng tin rằng vấn đề khí hậu mang lại cho họ đòn bẩy quan trọng đối với các chính sách của ông Biden trong các lĩnh vực khác. Sự chống Trung Quốc mạnh mẽ ở cả lưỡng đảng của Mỹ khiến Tổng thống Biden không còn nhiều cơ hội để hành động, và sự thiếu kiên định của Trung Quốc có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của ông Tập Cận Bình với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc cũng nên kiềm chế ý muốn ghi điểm trước đối phương bằng cách tấn công vị trí của nhau trong các cuộc đàm phán đa phương về khí hậu. Đối với các vấn đề cụ thể như mục tiêu giảm phát thải và đóng góp vào việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nền kinh tế đang phát triển, mỗi quốc gia cần đưa ra những phản biện trên cơ sở khoa học, kinh tế và đạo đức đúng đắn. Quan trọng hơn, mỗi khi đưa ra lập luận phản bác, họ nên đề xuất những lựa chọn thay thế mà bên thứ ba cho là hợp lý, thực tế và có thể chấp nhận.

Có thể thiếu thực tế khi kỳ vọng về sự hợp tác tích cực giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch, nhất là khi hai nước đang thúc đẩy cuộc chiến công nghệ. Và mặc dù trong tuyên bố chung gần đây, Mỹ và Trung Quốc nhất trí chỉ thảo luận chứ không cam kết hợp tác về công nghệ xanh, nhưng rõ ràng họ vẫn có thể tìm kiếm các cách thức để tách lĩnh vực này khỏi cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn liên quan đến công nghệ.

Thế giới cần Mỹ và Trung Quốc hợp tác về biến đổi khí hậu, nhưng cũng không nên ảo tưởng. Điều tốt nhất có thể hy vọng là hai siêu cường có đủ kỷ luật để tránh một cuộc chiến gây tổn hại cho nhân loại khi họ cạnh tranh để giành lấy lợi thế địa chính trị.

Đạt Quốc (Theo PS )