ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình): Có giải pháp cho những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra
Cho tới thời điểm này, đối với 3 nhóm vấn đề được lựa chọn tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, các đại biểu Quốc hội đều đã nhận được báo cáo của các “Tư lệnh ngành” chịu trách nhiệm trả lời chính đối với 3 lĩnh vực: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Các báo cáo đã thể hiện nỗ lực của các ngành đối với những vấn đề được phân công tại các Nghị quyết về chất vấn mà Quốc hội thông qua trước đó.
Trong ba nhóm vấn đề, tôi quan tâm nhất tới lĩnh vực của Bộ Y tế, cụ thể là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý giấy phép hành nghề. Bởi lẽ đây là vấn đề mà nhiều cử tri đang quan tâm, hoạt động này cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm của ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đặc biệt là khám, chữa bệnh trong lĩnh vực tư nhân; góp phần kiểm soát giấy phép giả, giấy phép hết hạn, khám chữa bệnh kém chất lượng…
Tôi cũng quan tâm về việc huy động, bố trí lực lượng y tế; bảo đảm thuốc, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai. Vấn đề này cũng đã được báo cáo của Bộ Y tế giải trình cơ bản rõ ràng, súc tích.
Thời gian qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã cơ bản được khắc phục, song vẫn chưa triệt để. Đối với tình trạng thiếu thuốc chưa được giải quyết, tôi kỳ vọng, thời gian tới Bộ Y tế sẽ hoàn thiện được cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám, chữa bệnh phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế nhằm bảo đảm nhu cầu, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ở lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, nhất là thực trạng hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội rất sôi động và ảnh hưởng ngày càng lớn trong thời gian gần đây, mong rằng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các ngành liên quan như ngành văn hóa, ngành công an, công thương… để có một “bộ lọc” thẩm định chất lượng các sản phẩm mà người nổi tiếng tham gia quảng cáo trên mạng xã hội, từ đó, có giải pháp xử lý phù hợp. Nếu cần, có thể thực hiện các giải pháp “mạnh tay” để người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm với sản phẩm mà mình tham gia quảng cáo.
Tôi tin tưởng, đây sẽ là phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất chất lượng, sôi động, bởi lẽ cả người được chất vấn và người chất vấn đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nội dung chất vấn là những vấn đề rất thời sự mà cuộc sống đặt ra tại thời điểm này trong bối cảnh kinh tế nước ta phải chịu tác động từ bối cảnh khu vực và thế giới; xã hội có nhiều thay đổi với đa dạng các hình thức thông tin, truyền thông đặt ra những yêu cầu cho hoạt động báo chí, tuyên truyền; dịch bệnh, thiên tai diễn biến khó lường cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ khó khăn, thách thức cho ngành y tế…
Tôi kỳ vọng rằng, các bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn sẽ giải trình làm rõ những vấn đề được đại biểu quan tâm và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, cử tri để tiếp tục có giải pháp thực hiện tốt hơn những công việc còn dang dở. Đặc biệt, đây có thể xem là cơ hội cho các bộ, ngành, đơn vị hữu quan phối hợp tốt hơn trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước, nhằm hoàn thành tốt công việc được phụ trách để về đích trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ.
ĐBQHLương Văn Hùng (Quảng Ngãi): Nhận diện đầy đủ tác hại của thuốc lá trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Trong 3 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, tôi quan tâm đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, nhất là công tác quản lý nhà nước về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành năm 2012 đã đánh đấu một bước tiến lớn trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam; thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ người dân khỏi các tác hại về sức khoẻ, kinh tế và môi trường do việc sử dụng thuốc lá gây ra. Cùng với đó, Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã kịp thời xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian qua.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có khái niệm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng” và cũng chưa có cơ chế quản lý vấn đề này, chưa có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để kịp thời ngăn chặn tác hại của thuốc lá mới (gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) gây ra… Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, đây là những sản phẩm độc hại, gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của con người, đặc biệt là giới trẻ. Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, riêng năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Điều đáng lo ngại là, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất dễ tìm kiếm, việc mua bán dễ dàng diễn ra nhanh chóng, thuận tiện từ các trang mạng xã hội hay các địa điểm bán lẻ, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học. Do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không nằm trong danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh hoặc hành vi nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không có trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nên khi phát hiện hành vi vi phạm thì cơ quan chức năng của ngành công thương mới xử lý chủ yếu là hành vi buôn bán hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ…
Từ thực trạng này, tôi mong muốn, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ nhận diện đầy đủ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Với những đổi mới không ngừng trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua, cùng với sự chủ trì điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội, tôi tin tưởng rằng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám sẽ đạt được kết quả tốt, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương):Có giải pháp kiểm soát, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới
Tôi đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội đã quyết định lựa chọn 3 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám là: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Đây đều là những vấn đề quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm.
Trong ba nhóm vấn đề, tôi quan tâm đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, bởi lẽ trong bối cảnh thị trường vàng biến động phức tạp như những tháng vừa qua, nội dung chất vấn tập trung vào công tác quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối những tháng còn lại của năm 2024 và định hướng cho năm 2025 là cần thiết, nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, lạm phát giảm chưa bền vững, tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp; sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp…
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, hy vọng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có giải pháp để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới. Đồng thời linh hoạt trong điều hành các công cụ và giải pháp chính sách phù hợp với diễn biến thực tế.
Tôi hy vọng, dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tọa phiên họp, phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội sẽ súc tích, đi thẳng trọng tâm. Các bộ trưởng, tư lệnh ngành sẽ trả lời trúng vấn đề được đại biểu nêu và quan trọng nhất là đưa ra được giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.