Ký ức người lính - Hoài niệm để tri ân
Những tháng năm chiến tranh khốc liệt cũng là khi lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, mưu trí sáng tạo và tình người bao la của dân tộc cất cao tiếng hát hòa bình. Từng ngày chứng kiến những ký ức vô giá về một thời máu lửa theo người lính về với đất mẹ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vô cùng trăn trở. Ông cùng cộng sự đang cố gắng lưu giữ kho tài sản vô giá của một thời đại anh hùng để lại cho thế hệ mai sau.
![]() Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (chính giữa) và ban chỉ đạo công trình sách "Ký ức người lính" |
Ký ức người lính- Tài sản vô giá
Là một trong những thành viên của Ban chỉ đạo xây dựng công trình sách “Ký ức người lính”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm sự: trong các cuộc chiến tranh đã qua, đã có rất nhiều những anh hùng với những sự tích lịch sử thời hiện đại, những chiến công lẫy lừng mà chúng ta chưa được biết đến. Tuy nhiên, chiến tranh ngày một lùi xa, những tài sản vô giá ấy trong ký ức người lính dần theo họ về với đất mẹ. Bây giờ chúng ta mới tổ chức xây dựng công trình sách về ký ức người lính là chậm. Nhưng chậm thì chúng ta vẫn phải làm, làm ráo riết.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã trực tiếp tham gia và chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch mùa hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Đi ra từ khói lửa chiến tranh, ông luôn luôn trăn trở khi hàng nghìn đồng đội vẫn nằm lại chiến trường, về nghĩa vụ của những người đang sống với các anh hùng, liệt sỹ, về khối tài sản vô giá trong ký ức của những người từng tham gia chiến tranh chưa được được biết đến.
Trò chuyện về nội dung của công trình sách đồ sộ ký ức người lính, tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết: những người lính từng kinh qua một thời máu lửa sẽ kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong các cuộc chiến đấu thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, các cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới, bảo vệ chủ quyền Hải đảo, bao gồm các cuộc chiến đấu trên đất liền, trên biển và trên vùng trời. Đó là những ký ức chân thật về những chiến công, kỳ tích trong những trận đánh, những cuộc hành quân thần tốc, bí mật, bất ngờ, tình huống gay cấn; đó là những mưu kế đánh giặc tài tình, những sáng tạo trong cải tiến, sử dụng vũ khí; đó là những tình cảm yêu thương đồng bào đồng chí, yêu chuộng hòa bình, tình cảm tiền tuyến, hậu phương…
Vị tướng đồng thời là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học quân sự Liên Bang Nga tràn đầy niềm tin, từ di sản là “ký ức người lính” này, thế trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống cách mạng của cha anh, kinh nghiệm đánh giặc giữ nước; đồng thời, vận dụng, phát huy sáng tạo những bài học kinh nghiệm của ông cha để phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Hoài niệm để tri ân
Bên cạnh việc dành thời gian tham gia chỉ đạo để tập đầu tiên của công trình sách “ký ức người lính” sẽ ra đời trong năm 2013 này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn miệt mài với các hoạt động tri ân đồng đội, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, giúp đỡ các cựu binh và thân nhân cựu binh gặp khó khăn trong cuộc sống. Hàng năm, ông đều dành thời gian vào thăm chiến trường Quảng Trị, mà theo lời ông kể, Quảng Trị là mảnh đất “nghĩa nặng tình sâu” đối với cuộc đời của ông.
Từ khi bước ra khỏi cuộc chiến, tâm niệm tri ân đồng đội luôn luôn thường trực trong suy nghĩ của vị tướng người Nam Định. Chính ông là người nghĩ ra ý tưởng tổ chức các chuyến du lịch hoài niệm thăm lại chiến trường xưa và đồng đội từ năm 2005. Ý tưởng này của ông sau đó được rất nhiều người hưởng ứng và hiện nay vẫn có hàng ngàn cuộc “hành quân đi tìm đồng đội”, về lại chiến trường xưa của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong cả nước.
Kể về ý tưởng xây dựng Tượng đài Hoài niệm tại thị xã Quảng Trị, Thượng tướng Nguyễn Văn Hiệu cho biết: tôi hình dung tượng đài sẽ được đặt trên một đồi nhỏ hình nấm mộ chung. Ở chính giữa nấm mộ sẽ đặt hình tượng mảng tường Thành Cổ Quảng Trị lỗ chỗ vết bom đạn, một tấm áo choàng rũ xuống ôm lấy thân đài. Phía thân đài tạc hình đoàn quân trùng điệp dạng phù điêu. Chân tường thành là lớp lớp sóng thu ba, biểu tượng của dòng sông Thạch Hãn. Khi tôi đem ý tưởng này trao đổi với Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình thì chị Bình góp ý bổ sung thêm 5 cánh chim bồ câu, biểu tượng cho hòa bình cất cao, cùng với 9 ngọn nến trên 9 đài sen như những nén tâm nhang thành kính để thắp lên ngọn lửa siêu thoát cho linh hồn các liệt sĩ, linh hồn các nạn nhân chiến tranh. Sau nhiều cố gắng, thế rồi Tượng đài cũng được xây dựng cạnh Thành cổ Quảng Trị.
Tượng đài Hoài niệm được khánh thành đầu năm 2013 với sự đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị hảo tâm trong cả nước thông qua Quỹ Hòa bình và Phát triển. Ngày nay, đồng bào, cựu chiến binh và du khách quốc tế khi đến với Quảng Trị sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh Tượng đài hoài niệm như là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam, khép lại quá khứ, hướng về tương lai, cầu nguyện cho hòa bình của đất nước và nhân loại.
Khi hình thành ý tưởng xây dựng tượng đài, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu còn gửi gắm trong đó thông điệp hòa giải, hòa bình đầy vị tha, cao cả. Ông tâm sự: “Tượng đài hoài niệm còn chứa đựng tinh thần xóa bỏ hận thù dân tộc, xóa bỏ nỗi đau chia cắt, vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc. Tượng đài Hoài Niệm không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả phía bên kia cuộc chiến. Vì họ cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh do chính quyền của Mỹ và tay sai gây ra tại thời điểm lịch sử đó. Phía bên kia khi đặt chân đến đây họ thấy tội ác và tính chất phi nghĩa của cuộc chiến mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Từ đó họ có ý thức đấu tranh bảo vệ hòa bình. Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây, với tinh thần hòa hợp dân tộc, chúng ta cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cùng xây dựng đất nước phát triển trong hòa bình.”
Những tháng ngày kinh qua trận mạc đã cho Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu một sức khỏe dẻo dai. Hàng ngày, vị tướng ấy vẫn tiếp tục các công việc nghiên cứu khoa học quân sự, tham gia các hoạt động nhân đạo, trồng cây, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ông vẫn lặng lẽ thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn. Nhìn sâu vào đôi mắt ông, chúng tôi hiểu rằng, ông thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau của chiến tranh cũng như niềm hạnh phúc của hòa bình, của độc lập dân tộc.