Ký ức, lịch sử và vai trò của sử gia
Ký ức và lịch sử là hai khái niệm khác nhau, nhưng luôn có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại. Các nhà sử học cần có cái nhìn khách quan để đưa ra ký ức và lịch sử đủ thuyết phục, tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội; đồng thời tiếp cận gần nhất với sự thật.
Theo ông Alain J. Lemaitre, giáo sư sử học hiện đại tại Trường Đại học Haute Alsace, Mulhouse, Pháp: ký ức là những gì chúng ta giữ lại, điều mình yêu mến, gắn bó, nó phụ thuộc nhiều vào bối cảnh xung quanh. Trong khi đó, lịch sử liên quan đến tri thức, là sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học, bảo đảm tính khách quan. Có thể nói: ký ức là quyền, lịch sử là nghĩa vụ. Tuy vậy, giữa hai khái niệm này là mối quan hệ biện chứng. Ký ức là phương tiện, công cụ để phát triển lịch sử. Ví dụ, nếu không có nhân chứng tham gia một cuộc chiến, mọi người không thể hiểu hết được sự khốc liệt của cuộc chiến đó. Mặt khác, nhà sử học không chỉ sử dụng ký ức như một tư liệu mà qua việc làm rõ một vấn đề lịch sử, họ góp phần xây dựng ký ức chung cho mọi người. Đồng tình với ý kiến trên, ông Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam làm rõ thêm: ký ức là tài sản của mỗi con người, có thể trao truyền trong gia đình, dòng họ, và phụ thuộc vào tính thuyết phục của nó, có thể trao truyền cho xã hội. Còn lịch sử được xem là ký ức của cộng đồng, của một thời đại.

Con người có ký ức về tất cả mọi thứ gắn liền với cuộc sống của mình: phong tục tập quán, văn hóa..., nhưng có một mảng quan trọng mà ký ức và lịch sử thường xung đột, đó là về những cuộc chiến. Bởi ký ức này thường bị chia rẽ, phụ thuộc vào bên thắng và bên thua mà mọi người có quan điểm khác nhau. Gs Alain J. Lemaitre lấy ví dụ: Pháp cũng như một số quốc gia châu Âu khác đã có thời kỳ chiếm lĩnh thuộc địa. Dù cuộc cách mạng Pháp năm 1789 đã đưa ra khẩu hiệu Tự do, bình đẳng, bác ái, nhưng bên cạnh nước Pháp tự do, cũng là một nước Pháp từng lấy đi tự do của quốc gia khác. Ở Pháp hiện nay có nhiều lễ kỷ niệm, trong đó ngày 8.5 hàng năm, nước Pháp kỷ niệm chiến thắng Đức quốc xã. Trong lịch sử, đây cũng là ngày thực dân Pháp đàn áp phong trào giải phóng dân tộc Angeria, dù sự kiện này không được nhắc tới. Có thể thấy, các lễ kỷ niệm là một hình thức xóa nhòa những ký ức phi chính thống để xây dựng ký ức chính thống. Qua các lễ kỷ niệm như vậy, một phần ký ức sẽ bị lãng quên, nhiều thế hệ sau sẽ không biết tới sự kiện ở Angeria. Ở Pháp có nhiều tài liệu lưu trữ về chiến tranh của Pháp ở Đông Dương và Angeria, nhưng các lưu trữ này chưa hoàn toàn mở cửa cho sử gia tiếp cận.
Không chỉ ở Pháp, ở Việt Nam và các quốc gia khác, trong một số trường hợp, giữa ký ức của cá nhân với ký ức của cộng đồng có khoảng cách, mà theo nhà sử học Dương Trung Quốc, điều đó bởi nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là con người luôn tư duy vào điều cơ bản nhất là lợi ích. Như các triều đại ở Việt Nam đều có bộ sử nhưng chúng không bao giờ phản ánh khách quan mà luôn đứng về lợi ích của một cộng đồng nhất định. Cho nên, nếu coi Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử cơ bản, chính thốëng còn giữ lại được, thì đương nhiên, bộ sử ấy coi là nhà Mạc là Ngụy triều, cũng như bộ sử của triều Nguyễn coi Tây Sơn là Ngụy triều… Tất cả điều đó phải ánh lợi ích chính trị của một thời kỳ lịch sử. Thiếu khuyết là nước ta không có bộ sử của dân (dã sử) để có thể so sánh, đối chiếu, tìm ra giá trị thật sự… Với chiến sự từng diễn ra, hiện nay có quốc gia tổ chức kỷ niệm để ghi nhớ, có quốc gia lại muốn lãng quên. Vậy, cần có thái độ như thế nào với các cuộc chiến đó, đặc biệt là thể hiện nó trong sách giáo khoa để trao truyền cho thế hệ trẻ? Các nhà sử học Việt Nam và Pháp từng thảo luận điều này. Có thể thấy, với hố sâu ngăn cách giữa các quốc gia được tạo nên bởi chiến tranh, có thể san lấp đi và quên lãng như chưa từng có, hoặc có thể khoét sâu hơn. Điều mà các nhà làm lịch sử thống nhất với nhau là giữ nguyên hố sâu ấy như một bài học của quá khứ, và hai quốc gia hãy cùng xây một cây cầu bắc qua đó, để khi đi trên cầu chúng ta vẫn nhìn thấy hố sâu ấy, để biến những bài học của ký ức chiến tranh thành bài học cho hiện tại… - nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
ông Alain J. Lemaitre bổ sung: Khi ký ức giữa mọi người xung đột, lịch sử phải là kết quả của tri thức khách quan, nhà sử học phải có bước lùi để nhìn tổng quan. Ví dụ, giới sử học phải khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là thất bại của thực dân Pháp, là chiến thắng của Việt Nam, sự kiện có ý nghĩa to lớn với tiến trình giải phóng dân tộc của Việt Nam. Dù quá khứ nhiều khi có máu và nước mắt, sử gia phải hòa mình vào quá khứ và thực hiện nghĩa vụ của lịch sử để xây dựng một thế giới hài hòa và bác ái hơn.