Ký ức chèo và con chim nhạn

Hồ Anh Thái 12/01/2012 07:46

Tôi biết hát chèo từ lần sơ tán về chính nơi Phủ Giầy rất nổi tiếng bây giờ.

Đấy là năm 1966, Mỹ ném bom miền Bắc và người thành phố phải đi sơ tán về nông thôn, lần sơ tán thứ nhất. Thỉnh thoảng tôi theo đám trẻ sơ tán và đám trẻ trong làng chạy ra chơi trong khuôn viên Phủ Giầy. Thời chiến tranh, miền Bắc xã hội chủ nghĩa bài trừ mê tín dị đoan. Chùa chiền phủ ốc quanh năm vắng lặng thâm u. Phủ Giầy rêu phong xanh rì trên những bức tường, lại chìm lấp giữa vườn cây um tùm thiếu ánh sáng. Thời ấy trẻ con lai vãng đến chùa phủ nơi nào cũng cảm thấy rờn rợn, như là có muông thú hồn ma lẩn khuất bên trong. Vào chính điện lạnh lẽo cũng như có gì đó ẩn nấp sau tượng đồng tượng gỗ ban thờ. Chạy qua cái giếng phủ mặt nguyệt cũng xanh rì rêu bám là cũng chạy cho nhanh. Như có gì vô hình cưỡi gió đuổi trên đầu. Tôi đâu biết hơn ba chục năm sau, hội Phủ Giầy sẽ lại trở nên nức tiếng vào đầu tháng ba. Di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và bảo tồn. Truyền thuyết gắn với bà chúa Liễu Hạnh và các văn nhân thời ấy. Một thánh địa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Khoảng năm 1996 tôi có trở lại chơi hội Phủ Giầy. Tiếng chầu văn rộn rã những giá đồng, một thứ âm nhạc như có ma lực khiến người nghe cũng lung lay lúc lắc theo lúc nào chẳng biết.

Minh họa của Kim Duẩn
Minh họa của Kim Duẩn

Chị Thoa tôi lúc ấy hai mươi mốt tuổi, là cô giáo dạy văn cấp hai, về dạy học ở xã Kim Thái. Khi phải sơ tán, cô giáo tất nhiên đưa gia đình từ thành phố về đây, người làng cũng đón nhận gia đình cô như sự tất nhiên. Mẹ tôi, anh Tài và tôi theo chị về làng, ở nhờ trong gia đình chị Vách, một người đàn bà khoảng ba mươi tuổi có hai con. Chị Vách đi công trường, gặp một người đàn ông ở Diễn Châu, Nghệ An, ra làm thầu khoán công trường đã có vợ ở quê. Hai người sống không hôn thú. Lâu lâu anh chồng về ở một thời gian rồi lại đi. Chị Vách nhận mẹ tôi là mẹ, gọi “bà” xưng “con”. Cũng cái lần trở lại Phủ Giầy năm 1996, giữa ngày hội tưng bừng náo nhiệt, tôi hỏi thì được biết chị Vách đang loanh quanh trong đám người làng ra phục vụ ngày hội. Một lát sau thì tìm được chị. Chị đã thành một bà lão nhà quê, vấn cái khăn vuông và ăn trầu răng đen. Ngày xưa chị là một thiếu phụ đời mới, làm gì có răng đen. Chị kể sau này cháu Tuấn con trai chị có về Diễn Châu, lang thang qua nhiều xã tìm bố nhưng không tìm được. Không ai biết có người như thế tên như thế. Trên đường quay trở ra Bắc, Tuấn vừa đi vừa khóc.

Chiến tranh, tất cả cho tiền tuyến. Ở hậu phương, lương thực thực phẩm khan hiếm, người thành phố có tem phiếu mua lương thực chỉ đủ lay lắt tồn tại. Người nhà quê phải đóng góp hầu hết hoa màu phục vụ tiền tuyến, nguồn sống cho riêng mình thì phải nhặt nhạnh gom góp từng li từng tí. Người thành phố thịt cá mỗi tháng chỉ được ngửi mùi một vài lần. Người nhà quê ở ngay trên ruộng đất của mình mà rau cũng khan hiếm. Có lần mẹ dẫn tôi đi trên đường làng, qua trước ruộng rau muống có người đang lội xuống hái. Hỏi mua. Không, nhà cháu không bán đâu, ruộng rau này chỉ đủ cho nhà cháu ăn thôi. Bán rau thì được tiền mà người ta cũng không có để bán.

Hai mẹ con quay về, bòn mót trong vườn nhỏ của chị Vách mấy lá ớt, mấy cành rau dền. Mẹ ngồi xuống cái sân, dở sân gạch dở sân đất, hái những cành rau sam mọc xuyên qua kẽ đất giữa những viên gạch mấp mô. Những cành rau sam chua chua, lá tròn như ngón tay. Được một nắm rau sam, thêm mấy lá rau dền lá ớt, cũng được một bát canh tập tàng.

Lúc ấy đám học sinh lớp năm của chị Thoa đến tập văn nghệ. Tập ngay trong nhà cô giáo. Một hoạt cảnh chèo. Réo rắt cả lên. Xuân sang í ì sang tươi thắm, kìa là tươi thắm, thắm hoa xuân… Mãi sau này tôi mới biết đó là điệu Lới lơ, lời cổ tôi nghe nghệ sĩ Thanh Hoài hát: Ta đi í ì đi chợ Dốc, kìa là ngồi í i gốc, gốc cây đa… Thấy í i ì là thấy cô mặc áo nâu già… Rồi thì: Khăn xanh cô rí đội đầu, để thương để nhớ để sầu cho ai…

Đội văn nghệ lớp năm đến tập chèo đâu ba bốn lần. Có khi tập buổi tối. Chị tôi ngồi trên giường xem học sinh tập chèo ở giữa nhà. Tôi mới hơn năm tuổi, ngồi lọt thỏm trong lòng chị, hai chị em đều đỡ rét. Hoạt cảnh chèo tự biên tự diễn của phong trào văn nghệ quần chúng, phong trào tiếng hát át tiếng bom rất rôm rả thời ấy. Nước mắt cô Bèo. Đang lúc tuyên truyền cho việc nuôi bèo hoa dâu làm phân bón cho lúa. Cái cô Bèo này tâm tư buồn bã vì bị bỏ quên, rồi vừa may có chị em cây cỏ động viên, cô lạc quan lên, thấy mình sống có ích. Vở chèo dài đến bốn mươi phút. Tôi thuộc lòng từ đầu đến cuối, thuộc tất cả các vai. Mở đầu, cô Bèo xuất hiện, cô than thân trách phận: Lênh đênh mặt nước thân bèo, đã luôn chìm nổi lại nhiều đắng cay… Khổ lắm nắng mưa ơi, trách ai đày đọa thân tôi thế này, nghĩ mình phận mỏng công dày… Cha tôi sơ tán theo cơ quan đài phát thanh ở nơi khác, một lần tôi lên cơ quan ông ở mấy ngày, tôi hát cho bác chủ nhà nghe từ đầu đến cuối vở chèo. Cha tôi thú vị: Lại còn đưa cả Kiều vào nữa chứ: nghĩ mình phận mỏng công dày. Cha tôi kể cô Kim Đức ngày trước là người hát cô đầu (ca trù), hòa bình rồi người ta coi hát cô đầu là văn hóa phong kiến thực dân, cô vào Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển sang hát chèo. Cô Như Hoa thì sinh hoạt văn nghệ ở khu phố, rồi được tuyển vào đài cũng hát chèo. Tôi thích giọng ấm mộc cô Kim Đức hát bài Giấc ngủ em thơ, thích cô Như Hoa hát Ai về Hà Bắc của bác Hồ Tăng Ấn. Giọng trong vang, lanh lảnh chuông đồng của Như Hoa, sau này tôi còn thấy ở Thanh Ngoan. Hồi ấy tôi mong có ngày cha tôi dẫn đến gặp cô Như Hoa mà không thành. Cô mất trong một lần đi biểu diễn về, bị tai nạn giao thông ở Cầu Chui Gia Lâm.

Trong vở chèo Nước mắt cô Bèo có bác Đất, một người chất phác, hồn nhiên. Một chị lớp năm đóng vai bác Đất. Chị quấn lên đầu cái khăn màu nâu, quấn theo kiểu đầu rìu như tiều phu, trông chị như con trai, lại thêm cái giọng khàn. Bác Đất thoáng nghe tiếng cô Bèo than thở bèn chạy ra: Tiếng tiếng ai, than khóc giữa giữa đồng? Nghe ra như hờn như giận, hay là cô nào bên đó, tôi nhìn chưa rõ, chưa rõ thế nào, trách phận than thân… Rồi bác nhận ra: A, tưởng là ai, hóa ra cô Bèo, mới sáng ngày ra sương đêm còn đọng cỏ, lão Mặt Trời chưa ló mặt ra, cô đã sợ nắng hay sao cô ủ giột nét hoa, hãy nghe Đất tươi lên mừng buổi sớm. Rồi bác hát: Tội gì ủ giột nét hoa, sầu tuôn đứt nối châu sa thế này, trông cô vừa xấu vừa gầy… Lại Truyện Kiều.

Một lần đội văn nghệ đang tập, tôi đang ngồi xem, thì anh tôi đi qua. Vốn tính ngứa tay, bao giờ đi qua ai đó, anh cũng phải khoèo chân đá đít bợp tai người ta. Lần này anh bảo tôi đi sắp mâm cơm nhưng tôi mải xem chưa làm. Anh đưa tay bợp tai tôi một cái. Tôi ré lên. Anh bợp thêm một cái nữa đau điếng, kêu à? Tôi lại ré lên. Anh xông vào định cho cái nữa, bị chị Thoa gạt ra. Mấy học sinh lớp năm đang tập chèo bèn dừng lại: Sao lại đánh em? Sao hung thế? Anh đã bị chị tôi đuổi ra xa mấy bước, vẫn đứng nhìn vào theo kiểu sẽ còn đánh nữa. Mấy chị lớp năm bèn hô đồng thanh như đả đảo phản đối: Một hai ba, hung cục! Một hai ba, hung cục! Anh rất cáu, nhưng bọn kia toàn con gái, lại đông, không làm gì được nữa.

Vở chèo kết thúc khi mà ông đội trưởng hợp tác xã ban đầu ngần ngại nhưng về sau đã tán thành chủ trương nuôi bèo hoa dâu để bón cho lúa tốt. Hoan hô ông đội trưởng, thông rồi, thông rồi. Làn điệu Lới lơ rộn rã vui tươi lại nổi lên. Cô mùa xuân và các cô các anh cây cỏ tưng bừng múa hát.

Tôi thuộc hết lời thoại và bài ca của năm sáu nhân vật. Một mình hát hết bằng ấy nhân vật. Hát và nói chứ không đóng kịch, vì không có bạn diễn và cũng không sử dụng đến động tác hình thể.

Sau này, tôi đã học cấp ba, một lần cơ quan cô tôi mời đoàn chèo đến hát. Hôm ấy có trích đoạn Tuần ty đào Huế. Bà vợ cả từ Huế ra đánh ghen bà vợ lẽ ngoài Bắc. Bà vợ lẽ mặc áo tứ thân mớ ba mớ bảy, xống áo và những dải khăn lụa màu hoa lý hoa hiên, vàng chanh, hồng điều, những màu nguyên thủy. Nghệ sĩ Kim Liên mặc áo dài tím đóng vai bà vợ cả người Huế ghen tuông “mà tui nỏ có ghen tuông mần chi cả”. Kim Liên đang nổi tiếng là giọng chầu văn bậc nhất khi ấy. Tôi ngồi xem mê mải. Đồng nghiệp của cô tôi bảo, lạ nhỉ, con trai thành phố mà cũng mê chèo.

Những làn điệu chèo, khi sầu thảm thì tận cùng mà dân dã tươi tắn thì cũng làm người nghe phơi phới đến độ. Chèo là nghệ thuật kịch hát dân tộc lâu đời nhất trong ba loại hình chèo, tuồng, cải lương. Làn điệu phong phú, khả năng biểu đạt cảm xúc đa dạng, ngôn ngữ thì trau chuốt. Từ ngôn ngữ chèo cổ, nhà văn học được rất nhiều. Văn chương ai giàu thành ngữ tục ngữ là nhờ học được ở ca dao dân ca, mà chèo là một loại hình quan trọng. Người có Tây học có ngoại ngữ thì có thêm khả năng đối chiếu lối nói để rồi sở thích có thể đặc biệt nghiêng về lối nói dân gian dân tộc mình, như sự trở về bản ngã, như sự hướng đến cái lạ mà Tây học không cho ta được. Có thể thấy rõ điều này trong văn của những ông Tây học như Thạch Lam, Nam Cao và ở phong cách mô phỏng dân gian rốt ráo của ông Bút Tre cũng Tây học.

Hễ thoáng tiếng trống chèo, tiếng sáo tiếng bầu tiếng nhị, là dù đang thiu thiu ngủ tôi cũng tỉnh ngay, dỏng tai nghe ngóng. Chương trình dân ca và chèo trên đài phát thanh buổi trưa hàng ngày, mười một giờ ba mươi phút. Có lẽ vì vậy mà chèo dường như hợp với khung cảnh một buổi trưa nắng, cái bụng đã đoi đói, đồng quê trải ra hai bên một con đường về còn xa. Có một buổi trưa tôi lang thang bên một cái tháp Chàm ở Phan Thiết, đúng lúc có tiếng hát chèo trên đài phát thanh. Một người làm rẫy gần đó đang mở đài. Chắc là người từ Bắc vào. Khung cảnh tháp Chàm bỗng chốc hóa thành đồng bằng Bắc bộ.

Khi tôi ở nước ngoài quá lâu, người nhà gửi sang cho băng cát xét một số vở chèo. Nghe đi nghe lại đến mức thuộc cả mấy vở Lưu Bình Dương Lễ, Lý Nhân Tông kế nghiệp, Hồ Xuân Hương.

Này đây là lối nói của chèo cổ, khi chàng thư sinh Lưu Bình muốn mời nàng Châu Long một chén rượu trước khi chàng lên đường đi thi vào sáng sớm ngày mai: Châu Long nàng ơi, ngoài vườn trăng đang tỏ, hoa đượm hương tươi nở, phong cảnh thật hữu tình, muốn cùng nàng thâu canh, nhắp chén rượu ân tình cho đỡ nhớ. Rồi chàng hát: Bóng quế giãi thềm, mái tranh êm đềm, rượu đào chính tay anh đã rót chén này mời em, ơi chén đào tiên…

Còn ông hề già trong bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt thì mỗi lời nói ra là một lời văn chương, thứ văn đẹp mộc mạc mang chứa nhiều tâm trạng. Ta là người đi thu nhặt câu hát tiếng cười trong thiên hạ, thấy chuyện nực cười ta cười ha hả, thấy chuyện trái ngang ta cười khinh cười bỉ, thấy chuyện nhố nhăng ta cười ầm cười ĩ, thấy chuyện bất công ta cười đắng cười cay. Ta cười cho sáng lẽ dở hay, kẻ gian hoảng vía người ngay thỏa lòng. Nay các chú bảo ta không hát nữa, mảnh thân tàn còn ở làm chi, huyệt kia chú cứ đào đi…

Tôi còn thích vở Hồ Xuân Hương của Hoàng Yến – Thùy Linh, chèo mới, nhưng nhiều làn điệu không đi chệch khỏi chèo cổ, đặc biệt những làn điệu phổ cho thơ và đọc thơ. Hồ Xuân Hương phải lấy lẽ Tổng Cóc, rồi ông Cóc chết, nàng phải ra khỏi nhà chồng, trở về nhà mình bên Hồ Tây. Nàng tự sự: Nỗi buồn dẫn chân ta đi trong chiều mưa, từ nay ta tự do, ngông cuồng như đời lãng tử, tiếng sênh phách nhà ai gợi sầu tứ xứ, chốn Hồng Châu cũng đượm mối sầu riêng. Đấy là lúc ngang qua chốn hát xướng mang tên quán Hồng Châu, nàng tình cờ gặp ông phủ Vĩnh Tường, một viên quan trẻ. Đời chồng thứ hai. Nhưng rồi ông phủ Vĩnh Tường bị án oan, bị bắt bị tội chết. Hồ Xuân Hương trở về với Cổ Nguyệt Đường, quán thơ cô Xuân Hương bên Hồ Tây: Cổ Nguyệt Đường rêu phong cửa khép, chỉ còn lại mình ta trong sầu muộn cô đơn, hai mươi bảy xuân đời trong ảo vọng, khăn xô hai lượt vấn tang chồng… Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi, cái nợ ba sinh đã trả rồi… Nghệ sĩ Vân Quyền đã ngâm đã hát nỉ non da diết tưởng như Hồ Xuân Hương cũng từng hát từng ngâm đến thế mà thôi.

Cũng những ngày sơ tán ở Phủ Giầy, ở trong làng, tôi còn quen một chị tên là Hảo. Lúc ấy chị Hảo là một thiếu nữ mười sáu mười bảy tuổi. Chị Hảo bị mù từ nhỏ. Mẹ mất sớm, chị ở với cha với bà mẹ kế và mấy đứa em. Chị luôn tay luôn chân làm việc nhà. Tôi mò sang chơi lúc chị đang đứng giã gạo trong cái cối đá. Đứng giã vì người giã phải đạp chân vào đuôi cái chày là một cây gỗ dài vài mét, cái chày sẽ sập xuống cối gạo ở đầu kia. Chị vừa nhún chân đạp cái chày vừa hát: Trèo lên trên non, bắt con chim nhạn. Lời hát cho chị thấy cảnh thấy vật mà mắt chị không thể thấy. Đứng giã gạo bên này mà chị gọi vóng sang nhà bên cạnh, báo cho cô bé đang nấu ăn trong bếp bên ấy rằng canh hơi mặn. Cô bé kia hoảng hốt, chắc là em quá tay, em cho hơi nhiều muối rồi.

Tôi thỉnh thoảng sang chơi với chị Hảo. Rồi thuộc bài hát chèo của chị. Trèo lên trên non bắt con chim nhạn.

Cái lần về lại Phủ Giầy, gặp chị Vách, nghe chị kể chuyện gia đình, kể chuyện cháu Tuấn đi tìm cha mà không tìm được, chị em hàn huyên được nhiều. Ấy thế mà khi quay đi rồi, đi xa rồi, tôi mới nhớ ra đã quên hỏi về một người. Trèo lên trên non bắt con chim nhạn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ký ức chèo và con chim nhạn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO