Nghệ sĩ "bắt tay" nghệ nhân
Mỗi tác phẩm sơn mài, dù là bức tranh hay sản phẩm đồ mỹ nghệ đều phải trải qua hàng chục công đoạn. Quy trình này bắt đầu bằng việc lựa chọn loại gỗ phù hợp để tạo dáng cho từng sản phẩm, gọi là làm mộc. Sau đó, từng lớp sơn được phủ lên rồi mài đi, vừa tạo độ cứng cho mộc, vừa chống mối mọt lại mang đến thẩm mỹ.
Ngày trước, chất liệu nhựa sơn mài Việt Nam chủ yếu đến từ cây sơn, nổi tiếng ở tỉnh Phú Thọ. Khi mới được chiết xuất từ cây, nhựa sơn mài có màu trắng đục như sữa, gặp không khí sẽ ngả vàng và dần chuyển thành màu đen khi đông lại. Mộc tiếp tục được phất một lớp vải mịn để bảo đảm không bị nứt hay co ngót ở điều kiện khí hậu khô lạnh. Năm lớp sơn mài lần lượt được phủ lên lớp vải đó để tạo độ dày cần thiết. Tuy nhiên, thợ sơn mài phải đợi từng lớp sơn khô đi mới tiến hành mài nước. Công việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần (có khi tới 15 lớp sơn mài, thậm chí hơn) để sơn mài đạt độ mịn màng, óng ả. Tùy vào thiết kế của từng sản phẩm sơn mài, nghệ sĩ/nghệ nhân sẽ quyết định các bước trang trí một cách phù hợp nhất.
Sơn mài ngày nay đã có một số thay đổi để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, như thay thế gỗ tự nhiên, nhựa sơn mài bằng các chất liệu mới như gỗ MDF, sơn công nghiệp, nhưng quá trình lao động thủ công kiên trì và tỉ mỉ vẫn được duy trì. Riêng để làm ra dòng sản phẩm sơn mài thủ công cao cấp, quá trình thực hiện phức tạp, cần sự kỳ công, kỹ lưỡng, sáng tạo hơn nhiều.
Nghệ nhân Trần Văn Kiên, người đứng sau rất nhiều sản phẩm sơn mài của Hanoia cho biết, để tạo tác một sản phẩm, từ giai đoạn tìm kiếm cảm hứng, những bản phác họa vẽ tay đến lựa chọn chất liệu là một hành trình dài trải qua những công đoạn khắt khe, tỉ mỉ. Ngoài niềm đam mê và óc sáng tạo của nghệ sĩ, còn đòi hỏi sự tập trung cao độ và tay nghề khéo léo của nghệ nhân. Ở đây, sự phối hợp ăn ý giữa nghệ nhân và nghệ sĩ là điểm cộng tạo ra những đột phá cho sản phẩm sơn mài. Theo đó, các kỹ thuật như cẩn trứng, chạm khắc, vẽ tay, dát lá vàng/bạc… có thể được áp dụng dựa trên đặc điểm riêng biệt của mỗi thiết kế. Nếu thiết kế là dấu ấn của cá nhân nghệ sĩ, thì sản phẩm sơn mài là thành quả chung từ vô vàn công đoạn tỉ mỉ và sự cần cù ở đội ngũ nghệ nhân.
Từ những tinh hoa kỹ nghệ truyền thống, sơn mài cao cấp khởi sinh từ nhiều thể nghiệm và phương thức chế tác gắn với những thiết kế độc bản. Nghệ nhân Trần Văn Kiên cho biết, sơn mài truyền thống Việt Nam chỉ giới hạn trong khoảng hơn chục màu với sắc độ cơ bản. Để tạo nên một dòng sơn mài cao cấp với đa dạng biểu cảm màu sắc, người làm buộc phải có những cách tân về chất liệu.
“Sản phẩm sơn mài cao cấp sinh ra từ phương thức chế tác gắn với những thiết kế độc bản, buộc người làm không những lành nghề mà còn biết sáng tạo. Bên cạnh các kỹ thuật ứng dụng sơn mài trên chất liệu truyền thống như gỗ, sừng, lá kim loại, vỏ trứng, còn sáng tạo kết hợp sơn mài với các chất liệu mới như giấy bồi, ngọc trai, lụa, gốm, thủy tinh… Có như thế mới giúp sơn mài cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của thị trường”, nghệ nhân Trần Văn Kiên nói.
Nâng tầm sản phẩm thủ công
Gần 10 năm trước, vào tháng 11.2015, trong tuần lễ trà phố cổ Hà Nội, thương hiệu Hanoia và bộ sưu tập đồ trang trí nội thất - trang sức lần đầu tiên được giới thiệu trong không gian ngôi nhà cổ 87 Mã Mây. Những hộp trà, bình hoa, đế nến… để lại ấn tượng trong lòng công chúng về sản phẩm sơn mài kết hợp hài hòa văn hóa Đông - Tây, truyền thống và hiện đại, đa dạng công năng sử dụng. Giám đốc Marketing Hanoia Đinh Văn Tài cho biết câu chuyện sơn mài của Hanoia thực ra đã bắt đầu từ trước đó rất lâu.
Người khơi nguồn cảm hứng là một nhà thiết kế người Pháp. Năm 1998, Rose Morant đến Tương Bình Hiệp - ngôi làng làm sơn mài ở Bình Dương và bắt đầu hành trình cùng với một nhóm nghệ nhân tạo nên trải nghiệm mới với chất liệu truyền thống. Thay thế kiểu cách sơn son thếp vàng trước đây là những sản phẩm sơn mài thủ công cao cấp đa dạng từ đôi guốc, bình, lọ hoa trang trí, ấm trà… với kỹ thuật sơn mài trên gỗ, trên gốm, sau đó là dòng sản phẩm sơn mài trên chất liệu sừng.
Năm 2016, Hanoia House ra đời trong khuôn viên đình Đồng Lạc, giữa phố cổ Hà Nội. Từ đó đến nay, đội ngũ nhà thiết kế và nghệ nhân của Hanoia tiếp tục tạo ra các sản phẩm với kỹ thuật sơn mài phát triển theo hướng tôn vinh nét độc đáo của các chất liệu thuần Việt, thông qua hình khối, sắc màu, hoa văn; đồng thời mở rộng trên các chất liệu khác cũng như phát triển thiết kế nắm bắt xu hướng đương đại…
Những năm qua, địa chỉ số 38 Hàng Đào được Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đưa vào điểm đến trong tour tham quan khu phố cổ Hà Nội, để giới thiệu tinh hoa nghệ thuật sơn mài của dân tộc tới du khách và bạn bè quốc tế. Đó cũng là cách lan tỏa hướng đi của nghề thủ công truyền thống, để sản phẩm truyền thống bắt nhịp, đến gần hơn với đời sống đương đại. Theo Giám đốc Marketing Hanoia Đinh Văn Tài: “Ngoài kia có rất nhiều sản phẩm sơn mài với mẫu mã rập khuôn, giá trị thấp, không phù hợp với thị hiếu mới của thị trường. Chúng ta phải vượt qua tư duy đóng đinh trong khuôn mẫu kỹ thuật, thổi hồn đương đại cho sơn mài, để truyền thống vừa được bảo lưu, vừa phát triển theo hướng hiện đại, độc đáo và nâng tầm giá trị”.