Kỹ thuật số thay đổi kinh tế Trung Quốc

- Thứ Tư, 30/12/2020, 06:33 - Chia sẻ
Giống như nhiều quốc gia khác, đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc lao đao cả về kinh tế lẫn đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong cơn bĩ cực, công nghệ kỹ thuật số dần trở thành vị cứu tinh, mang đến nhiều điểm tích cực cho nền kinh tế nước này.

Yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô

Theo bài viết của Giáo sư Yiping Huang, Phó Hiệu trưởng Trường Phát triển quốc gia và là Giám đốc Viện Tài chính kỹ thuật số, Đại học Bắc Kinh, đăng tải trên EAF, khi Covid-19 tấn công Trung Quốc vào cuối tháng 1 năm nay, Chính phủ nước này đã phải thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt từ giãn cách xã hội đến phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Điều đó khiến nhiều hoạt động kinh tế ngoại tuyến sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là tại các nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim, công viên và cửa hàng. Trong khi đó, những hoạt động kinh tế trực tuyến như thương mại điện tử hay các chương trình giáo dục trực tuyến lại tăng mạnh. Nhiều nhà hàng bắt đầu cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi, và nền kinh tế kỹ thuật số, nhờ lợi thế không cần tiếp xúc trực tiếp, đã đóng vai trò quan trọng như yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô.

	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Đây là ví dụ về cách công nghệ kỹ thuật số, bao gồm các nền tảng “bigtech” (công nghệ lớn), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây, đang biến đổi nền kinh tế Trung Quốc. Nền tảng thương mại điện tử đầu tiên của Trung Quốc, Taobao của tập đoàn Alibaba, ra mắt tháng 6.2003 - một tháng trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đã ngăn chặn được dịch SARS. Tuy nhiên, thương mại điện tử khi ấy đã không có bước tăng vọt cho đến năm 2013, khi điện thoại thông minh và mạng 3G/4G trở nên phổ biến rộng rãi. Trước đó, mua sắm trực tuyến chủ yếu được xây dựng trên máy tính để bàn và mạng không dây 2G, khiến trải nghiệm đối với người dùng không đặc biệt thú vị. Đến cuối năm 2019, mua sắm trực tuyến đã vượt quá 1/4 tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc.

Để thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử, Alibaba đã phải vượt qua một trở ngại lớn - đó là thanh toán trực tuyến. Sự thiếu tin cậy giữa người mua và người bán khiến việc đóng các giao dịch trực tuyến trở nên khó khăn. Cuối năm 2004, Alibaba ra mắt ứng dụng mà ngày nay được gọi là Alipay, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động lớn nhất thế giới. Đến giữa năm 2019, Alipay có 1,2 tỷ người dùng. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh chính của Alipay, WeChat Pay đã được ra mắt trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat vào năm 2013. WeChat Pay thu hút một lượng lớn người dùng bằng cách giới thiệu phong bao lì xì đỏ điện tử trong dịp Tết Nguyên Đán 2014. Đến giữa năm 2019, WeChat Pay cũng có khoảng 900 triệu người dùng.

Cho đến nay, thanh toán di động là sản phẩm công nghệ tài chính (fintech) thành công nhất ở Trung Quốc. Nếu không có nó, các hoạt động kinh tế kỹ thuật số giúp ổn định kinh tế vĩ mô trong đại dịch Covid-19 sẽ không thể xảy ra. Song đóng góp quan trọng nhất của thanh toán di động là tài chính toàn diện, mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận với những người bị các tổ chức tài chính truyền thống bỏ lại phía sau. Với điện thoại thông minh và tín hiệu viễn thông, người ta có thể tận hưởng các dịch vụ thanh toán và tài chính khác từ bất cứ đâu. Một số nghiên cứu cho thấy, khi nông dân bắt đầu sử dụng dịch vụ thanh toán di động, cơ hội việc làm của họ sẽ mở rộng và thu nhập tăng lên.

Xây dựng “hệ sinh thái toàn diện”

Ngày nay, Alipay và WeChat Pay không còn chỉ là phương tiện thanh toán nữa mà những ứng dụng này đã được xây dựng “hệ sinh thái toàn diện”. Người dùng có thể tổ chức cuộc sống hàng ngày của mình trên các hệ sinh thái này, từ đặt khách sạn, gọi taxi, mua vé máy bay, đến đặt giao đồ ăn…

Một số công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Ant (chi nhánh fintech của Alibaba) và Tencent (công ty tạo ra WeChat), bắt đầu cung cấp tín dụng bằng cách phát triển hệ thống quản lý rủi ro tín dụng bigtech mới. Hệ thống này bao gồm hai trụ cột: Nền tảng bigtech và đánh giá rủi ro tín dụng dữ liệu lớn. Các nền tảng bigtech của Trung Quốc như Taobao/Alipay và WeChat/WeChat Pay đóng vai trò quan trọng theo ba cách. Đầu tiên, các nền tảng này giúp thu hút một lượng lớn khách hàng với chi phí thấp, tận dụng tính chất “long tail” (cái đuôi dài). Long tail là hình thức kinh doanh tập trung vào những sản phẩm không thuộc sản phẩm được ưa chuộng hoặc không còn là sản phẩm được ưa chuộng nữa. Do đó, thị trường “cái đuôi dài” được coi là vô tận. Thứ hai, các nền tảng ghi lại dấu chân kỹ thuật số (tức là dấu vết khi sử dụng internet) của khách hàng và tích lũy dữ liệu lớn để theo dõi thời gian thực hoạt động của người vay tiềm năng, tạo thành đầu vào cho phân tích rủi ro tín dụng. Cuối cùng, các nền tảng cũng có thể giúp quản lý trả nợ.

Sự kết hợp giữa các nền tảng bigtech và đánh giá rủi ro tín dụng dữ liệu lớn cho phép các công ty bigtech cấp tín dụng cho một số lượng lớn cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hầu hết trong số này chưa bao giờ vay từ ngân hàng. Chẳng hạn, công ty cho vay MYbank (có liên kết với Ant), thực hiện mô hình kinh doanh “3-1-0”: chỉ mất chưa đầy ba phút để đăng ký trực tuyến, nếu được chấp thuận, số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người đăng ký trong một giây và không có sự can thiệp của con người.

Bằng cách đó, mỗi trong số ba công ty cho vay bigtech của Trung Quốc có thể cấp hơn 10 triệu khoản vay mỗi năm. Quan trọng hơn, tỷ lệ nợ xấu trung bình dưới 2%, so với mức trung bình 5,5% đối với các khoản cho vay SME của các ngân hàng thương mại (các khoản vay nhỏ hơn 5 triệu nhân dân tệ).

Tín dụng bigtech cũng đứng sau hoạt động kinh tế tương đối ổn định hơn của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Một đóng góp quan trọng khác cho ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính là loại bỏ cái mà cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke từng gọi là “máy gia tốc tài chính”. Vì hầu hết khoản vay của SME từ các ngân hàng thương mại đều được thế chấp, nên có một cơ chế phản hồi tích cực giữa giá tài sản và chính sách tín dụng.

Thực sự, công nghệ kỹ thuật số đang thay đổi nền kinh tế Trung Quốc, giúp nó trở nên thuận tiện hơn, tăng hiệu quả, giảm chi phí, thay thế lao động và cải thiện trải nghiệm người dùng. Điều này đặc biệt quan trọng khi đất nước gấu trúc có dân số già nhanh chóng. Trong nhiều lĩnh vực, robot và AI có thể thay thế lao động, giúp giảm bớt thiếu hụt lao động.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số chỉ mới bắt đầu, vẫn cần nhiều thời gian để hiểu hết những hệ quả kinh tế của nó. Trong khi một số lợi ích là rõ ràng, công nghệ kỹ thuật số cũng gây ra nhiều vấn đề cho các nhóm yếu thế. Ví dụ, câu chuyện từng được truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi trong đại dịch Covid-19 ở nước này là một cụ già bị chặn đi tàu điện ngầm khi không xuất trình được mã sức khỏe điện tử của mình.

Linh Anh