Kỳ Sơn phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn
Nằm ở cửa ngõ của TP Hòa Bình, huyện Kỳ Sơn có 12,9 km quốc lộ 6A và 28 km tỉnh lộ chạy qua địa bàn; 38 km đường liên xã và 60,4 km đường liên xóm. Nhằm thúc đẩy KT - XH phát triển, từ năm 2004 đến nay, phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của huyện được triển khai đồng bộ và rộng khắp. Hầu hết các tuyến đường liên huyện, liên xã, xóm…được đầu tư mở mới, kiên cố hóa phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa.
Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kỳ Sơn Trần Thanh Tùng cho biết: thời gian qua, song song với công tác duy tu, sửa chữa nền đường các loại như phát quang tầm nhìn, vá ổ gà cấp phối, rải mặt đường bằng vật liệu tại chỗ, phong trào làm đường GTNT của huyện đã diễn ra khá sôi nổi, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện, toàn huyện đã hoàn thành được 62,5 km đường bê tông. Đề án cứng hóa đường GTNT triển khai tại Kỳ Sơn theo đúng phương châm “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ”. Trong đó, nhân dân đóng góp vật liệu, thiết bị, ngày công lao động; Nhà nước hỗ trợ xi măng. Đây là một đề án phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của nhân dân và được người dân trong huyện nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ riêng trong năm 2010, toàn huyện đã hoàn thành 14 km đường bê tông, với tổng kinh phí 3,16 tỷ đồng, trong đó, kinh phí từ đề án cứng hóa 1,98 tỷ đồng, ngân sách huyện 383 triệu đồng và nhân dân đóng góp được 795 triệu đồng.
Các tuyến đường hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Một số nơi có phong trào làm đường giao thông phát triển mạnh, rộng khắp, làm thay đổi diện mạo xã nông thôn miền núi như: thị trấn Kỳ Sơn, xã Dân Hòa, Mông Hóa, Hợp Thịnh…. Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Nguyễn Văn Ơn cho biết: Đề án cứng hóa đường GTNT đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trong xã. Những xóm đi lại khó khăn trước đây như Ao Trạch, Gò Bùi, Đễnh… đều đã có đường bê tông đến từng hộ dân. Đến nay, hầu hết đường sá được xây dựng kiên cố, sạch đẹp làm cho bộ mặt của xã ngày càng khang trang, đổi mới. Đường giao thông nông thôn hoàn thành đã góp phần giải phóng sức lao động và tăng thu nhập cho người dân nên người dân trong xã rất phấn khởi.
Kết quả trên là do trong quá trình triển khai, các xã, thị trấn đã nhanh chóng khắc phục những tồn tại; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân và tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức như tiền mặt, vật liệu làm đường, máy thi công, ngày công lao động để hoàn thành kế hoạch được giao. Mặt khác, công tác quản lý, giám sát chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật cũng được quan tâm, chú trọng. Nguồn kinh phí đóng góp được công khai, minh bạch đã khích lệ, tạo lòng tin cho người dân.Và, để phát huy hiệu quả, kéo dài tuổi thọ của hệ thống đường giao thông nông thôn, huyện Kỳ Sơn đã bắt đầu triển khai giao bảo trì, tự quản đường giao thông nông thôn đến nhóm hộ và hộ gia đình.