Lần đầu tiên tôi được gặp và làm việc dưới sự điều hành của ông là vào tháng 5.1960, thời kỳ chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Lúc đó ông là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Ban chuẩn bị văn kiện Đại hội; còn tôi cùng các anh Đậu Ngọc Xuân, Trịnh Ngọc Thái được tổ chức phân công lo tổ chức và quản lý các bộ phận phiên dịch văn kiện sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và tiếng Tây Ban Nha, và lo dịch trực tiếp tại Hội trường.
Qua gần 6 tháng làm việc, tôi chưa biết nhiều về ông. Chỉ có nhận xét đó là vị Thủ trưởng đẹp trai hiếm thấy, làm việc rất khoa học và sát cánh với anh em giúp việc, quan tâm đến mọi người.
Sau này khi được tổ chức điều về làm Thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, tôi có dịp tiếp xúc, làm việc nhiều hơn, do đó có điều kiện hiểu sâu hơn về con người đó, một đồng chí mang đậm nét của "sĩ phu Bắc Hà". Kính trên, nhường dưới, bao dung và chăm lo cho mọi người.
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miêu sinh ngày 28.3.1912 trong một gia đình nho học tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là con thứ hai trong gia đình. Anh cả là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan.
Thuở nhỏ, ông theo học Ban tú tài tại trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Chính tại đây, ông kết bạn với Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ và tham gia bãi khóa, để tang Phan Châu Trinh và bị đuổi học.
Năm 1927, ở tuổi 15, ông gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Tháng 6.1929, ông tham gia nhóm Đông Dương cộng sản Đảng, một trong ba tổ chức cộng sản ở nước ta lúc đó và khi ba tổ chức thống nhất thành một đảng duy nhất, ông trở thành đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tháng 8.1929, ông được cử vào Sài Gòn đi "Vô sản hóa" và gây dựng cơ sở. Tháng 3.1931, trong lúc phong trào công nhân đang phát mạnh và công tác tuyên truyền được mở rộng sang đội ngũ viên chức thì ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Tháng 5.1933, ông cùng 7 người khác bị kết án tử hình trong vụ án "Đảng cộng sản Đông Dương". Do vận động và đấu tranh mạnh của nhân dân ta cũng như nhân dân Pháp, đặc biệt là của các nghị sĩ tiến bộ Pháp, án tử hình được bãi bỏ và trả tự do cho tù chính trị xứ Đông Dương, ông được giảm xuống án chung thân khổ sai cùng các ông Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Lê Quang Sung, Nguyễn Chí Điều và bị đày ra Côn Đảo.
Những năm tháng ở trong tù, ông tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác, cùng Ngô Gia Tự, Phạm Hùng tham gia ban chấp hành Đảng bộ nhà tù, lãnh đạo đảng viên và quần chúng đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù được mệnh danh là địa ngục trần gian.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông cùng anh em bạn tù được Chính phủ đón về đất liền. Do quân Pháp núp sau quân Anh nổ súng chiếm các công sở của ta vào ngày 23.9 nên việc đón tiếp anh em không diễn ra ở Cảng Sài Gòn như dự định mà diễn ra ở nhiều nơi: Tiền Giang, Long An, Cần Thơ... Đặc phái viên của Trung ương Hoàng Quốc Việt cùng Xứ ủy xuống gặp mọi người tại nơi tập kết cuối cùng là Cần Thơ. Tại đây, đặc phái viên của Trung ương cùng các đồng chí trong Xứ ủy đã phân công công tác cho lực lượng cán bộ mới từ Côn Đảo về. Một số đồng chí được bổ sung vào Xứ ủy; số đông được phân đi các tỉnh; đồng chí Lê Văn Lương được bổ sung vào Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ, phụ trách tổ chức. Tháng Giêng năm 1946, đồng chí được Trung ương điều ra Bắc giúp Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách Báo Sự thật, Nhà xuất bản Sự thật, tham gia mặt trận Việt Minh và giúp Tổng Bí thư cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng chuẩn bị cho sự hình thành Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (tức Mặt trận Liên Việt sau này).
Trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, từng là thế hệ đảng viên đầu tiên của Đảng, là một tử tù, qua những năm tháng đấu tranh gian khổ, đồng chí Lê Văn Lương đã từng bước trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng: Là Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Chánh văn phòng Trung ương rồi tái cử Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lần thứ hai và hai khóa làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí Lê Văn Lương được Đảng đánh giá là nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà tổ chức tài năng, là tấm gương đạo đức trong sáng của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Trong những năm tháng làm việc, được tiếp xúc với đồng chí Lê Văn Lương đã để lại trong đôi những kỷ niệm khó quên, những ấn tượng đẹp và sự biết ơn đối với người cộng sản lớp tiền bối.
Kỷ niệm đầu tiên của tôi về ông là tại Đại hội III của Đảng. Với tư cách là Trưởng Ban tổ chức Đại hội, ông phải quán xuyên mọi thứ: chính trị, an ninh, đối ngoại, kể cả cơm áo, gạo tiền... Còn tôi được Ban tổ chức quyết cùng các anh Đậu Ngọc Xuân, Trịnh Ngọc Thái phụ trách bộ phận phiên dịch các văn kiện đại hội. Do tôi nhỏ tuổi hơn, được các anh phân công lo khâu hậu cần. Vì lo khâu hậu cần nên tôi thường được họp với Ban tổ chức. Và vì vậy, có nhiều dịp làm việc với ông - đồng chí Lê Văn Lương.
Sát ngày khai mạc Đại hội, bộ phận dịch viết chúng tôi khá vất vả vì đến lúc đó các đoàn khách quốc tế mới lần lượt đến, mới có bài để dịch. Nhiều đoàn lại không đưa ngay, chờ nghe diễn văn khai mạc của chủ nhà, nghe tham luận của các Đảng bạn mới hoàn chỉnh bài phát biểu của mình và chỉ đưa cho bộ phận phiên dịch vào giờ chót, nghĩa là nếu phát biểu sáng hôm sau thì tối hôm trước mới đưa. Thế là guồng máy phiên dịch làm việc thâu đêm: dịch từ tiếng nước bạn sang tiếng Việt và từ tiếng Việt các tổ chuyển sang các thứ tiếng khác. Mà không phải một đêm.
Thông cảm với những khó khăn của bộ phận dịch viết, đêm ngày 6.9 - một ngày sau hôm khai mạc Đại hội, anh Lương bất chợt đưa Bác đến thăm bộ phận phiên dịch chúng tôi. Cùng đi có anh Ung Văn Khiêm và anh Tố Hữu. Hôm đó Bác rất vui. Bác khen bản dịch chính xác, diễn văn sát ý, văn phong tốt. Bỗng Bác quay lại hỏi anh Lương:
- Thế tiêu chuẩn ăn hàng ngày của các cô, các chú phiên dịch là bao nhiêu?
- Thưa Bác, là 5 ký gạo.
- Còn đại biểu Đại hội?
- Thưa Bác là 10 ký.
Bác góp ý với anh Lương:
- Chính sách của chú như vậy là chưa xã hội chủ nghĩa, chưa thực hiện đúng nguyên tắc: làm theo năng lực, hưởng theo lao động.
Và thế là hôm sau, ba bữa ăn chính của bộ phận phiên dịch được cải thiện. Ngoài bữa chính, anh Lương còn chỉ thị cho bộ phận hậu cần bổ sung thêm suất "bồi dưỡng ca đêm" vào lúc 12 giờ khuya.
Và hàng ngày, cứ 7 giờ tối, tôi có trách nhiệm phải báo cáo anh Lương về công việc của bộ phận phiên dịch cũng như tình hình sức khỏe của anh chị em trong tổ (nhất là phiên dịch người Nga, Trung Quốc, Cuba) và chất lượng của các bữa ăn.
Và điều nhớ nhất trong tôi là tại buổi Bác chụp ảnh với các đoàn đại biểu quốc tế, đại biểu trong nước và cán bộ nhân viên phục vụ, để tranh thủ thời gian, các đoàn cần tập hợp đội hình trước để khi Bác đến là có thể chụp được ngay. Tôi được đồng chí Lê Văn Lương giao cho làm việc đó. Công việc diễn ra thuận lợi nhưng đến lượt đoàn đại biểu các dân tộc được chụp chung với Bác thì xảy ra tình trạng lộn xộn. Do nhiều đồng chí lần đầu được gặp Bác nên thấy Bác anh chị em bỏ hàng ngũ đã sắp xếp sẵn sàng chạy vây quanh Bác. Anh Chu Văn Tấn lúc đó là Trưởng đoàn rất lúng túng. Anh Lương gọi tôi đến giúp một tay. Ổn định trật tự xong tôi định chạy đi thì Bác gọi lại, bảo anh Tấn nhích lại gần Bác để tôi ngồi giữa anh Tấn và anh Lương.
Chụp xong, Bác hỏi tôi:
- Cháu dân tộc nào?
- Thưa Bác, cháu dân tộc Kinh. - Tôi thưa.
Bác ồ lên một tiếng.
- Bác tưởng cháu là dân tộc thiểu số. Sao da cháu nâu vậy?
- Thưa Bác, mấy hôm nay cháu phải chạy nhiều da bắt nắng.
- Thế cháu làm ở cơ quan nào, đã có gia đình chưa?
Tôi chưa kịp trả lời thì anh Lương đã trả lời:
- Thưa Bác, đồng chí đó là cán bộ giảng dạy trường Đại học Bách Khoa, chưa có gia đình nhưng đang có người yêu.
Tôi khá bất ngờ sao anh Lương lại nắm chắc lý lịch mình đến thế.
Bác rất vui quay sang bảo anh Lương cấp cho tôi hai giấy mời, kèm theo là giấy điều động xe do chính anh Lương ký để đón người yêu đi dự buổi lễ của nhân dân Thủ đô chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tổ chức tại Sân vận động Hàng Đẫy.
Kết thúc bài viết này, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với anh - đồng chí Lê Văn Lương - Bí thư Thành ủy khi giám đốc Sở Nhà đất gọi tôi lên trao quyết định phân nhà cho tôi - một việc mà tôi chưa hề biết trước.
Cụ thể, lúc đó gia đình tôi có bảy người: mẹ vợ, hai vợ chồng và 4 đứa con, sống trong một phòng rộng 15 mét vuông nhà cấp bốn dãy 22 khu nhà tập thể Bách Khoa. Đến thăm nhà, thấy cuộc sống khó khăn quá, đồng chí Hoàng Quốc Việt trong một lần làm việc có trao đổi với đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Bí thư Thành ủy giao Giám đốc Sở Nhà đất xác minh và giải quyết.
Khi nhận quyết định lên nhà K8 Bách Khoa cả gia đình ngỡ ngàng vì có sự "đổi đời" đó. Đồng chí Lê Văn Lương - người cho gia đình tôi cái "đặc ân" đó sống mãi trong tâm chúng tôi.