Kỷ niệm cấp quốc gia các ngày lễ lớn vào năm chẵn

Cao Sơn 08/07/2011 07:07

Theo dự thảo lần thứ 9 Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài, do Bộ VH, TT và DL soạn thảo, một năm có 7 ngày lễ lớn và chỉ năm chẵn mới tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia (10 năm/lần).

Lễ diễu binh kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam Ảnh: VNE
Lễ diễu binh kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam
Ảnh: VNE

Theo dự thảo, với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 Âm lịch), việc xác định năm lẻ, năm tròn, năm chẵn được tính theo năm dương lịch. Riêng với ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954), sau khi Ban Bí thư T.Ư Đảng đồng ý về chủ trương đưa lễ kỷ niệm hàng năm thành ngày lễ quốc gia và tỉnh Điện Biên lập đề án về phương thức, quy mô tổ chức..., Ban soạn thảo Nghị định đã đưa ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ vào nhóm 7 ngày lễ  lớn của đất nước, được tổ chức kỷ niệm cấp quốc gia 10 năm/lần.

Một trong những điểm mới của dự thảo là đã bổ sung quy định về việc kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước; năm mất của các danh nhân, nhân vật lịch sử. Theo đó, đối với các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước, lễ kỷ niệm ngày sinh lần đầu là khi tròn 100 năm, các lần kỷ niệm tiếp theo là 10 năm/lần. Danh sách các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước được kỷ niệm ngày sinh thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng. Đối với kỷ niệm năm mất các danh nhân, nhân vật lịch sử của Việt Nam, vào năm chẵn, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quê hương của danh nhân, nhân vật lịch sử, chủ trì, phối hợp với ban, bộ, ngành liên quan tổ chức lễ kỷ niệm. Trường hợp chưa xác định được quê hương thì tổ chức lễ kỷ niệm ở nơi mất và nếu chưa xác định được năm mất thì tổ chức lễ kỷ niệm vào năm sinh của danh nhân, nhân vật lịch sử đó. Các danh nhân, nhân vật lịch sử được kỷ niệm là những người nổi tiếng, có đóng góp to lớn trên một hoặc một số lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, có đạo đức trong sáng được lịch sử ghi nhận, được Đảng, Nhà nước công nhận.

Dự thảo cũng quy định rõ, không tổ chức diễu binh, diễu hành trong các lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Khi cần thiết, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định. Đồng thời năm lẻ, năm tròn không tổ chức lễ kỷ niệm mà chỉ tổ chức vào năm chẵn (10 năm/lần). Quy định này xuất phát từ thực tế nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, tỉnh, thành phố, quận, huyện... tổ chức các hoạt động kỷ niệm không chỉ vào năm tròn, năm chẵn mà còn cả vào năm lẻ, tạo sự ganh đua tràn lan, thiếu lành mạnh, lãng phí...

Ngày 7.7, các thành viên Ban soạn thảo Nghị định đã tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào bản dự thảo lần thứ 9 trước khi hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 7 này, và dự kiến ban hành vào năm 2012.

Các ngày lễ lớn trong nước sắp xếp theo thứ tự thời gian trong năm gồm: 1. Tết Nguyên đán (1.1 Âm lịch); 2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930); 3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 Âm lịch); 4. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975); 5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954); 6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890); 7. Ngày Cách mạng tháng Tám (19.8.1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945).

“Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”. “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”. “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kỷ niệm cấp quốc gia các ngày lễ lớn vào năm chẵn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO