Văn hóa

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025):Bác Hồ trong trái tim nghệ sĩ tạo hình

Ngọc Phương 18/05/2025 07:25

Cuộc đời bình dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận, lay động trái tim các nghệ sĩ, thôi thúc họ vẽ tranh, tạc tượng, thể hiện tình yêu và sự tôn kính với Người.

Nguyện vọng tự thân của mỗi nghệ sĩ

TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Bảo tàng đang lưu giữ bộ sưu tập hàng trăm tác phẩm mỹ thuật thể hiện chân dung Hồ Chủ tịch của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân Việt Nam và nước ngoài. Các tác phẩm gồm nhiều thể loại và chất liệu khác nhau như hội họa, đồ họa, điêu khắc, tranh thêu, tranh trổ giấy, tượng của các nghệ nhân dân gian... Qua đó khắc họa những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, hoạt động, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thời niên thiếu, qua những năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, cho tới khi Người trở về và trực tiếp dẫn dắt cách mạng Việt Nam thành công.

img_8227.jpg
Các nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm với thể loại và chất liệu khác nhau. Ảnh: Ng. Phương

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, việc vẽ tranh, nặn tượng chân dung Hồ Chủ tịch là một nguyện vọng tự thân của mỗi nghệ sĩ. Tháng 5/1946, theo giới thiệu của Hội Văn hóa Cứu quốc, Bác Hồ đã cho phép các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim vào Bắc Bộ phủ, vẽ và nặn tượng Người.

Ba nghệ sĩ được làm việc cạnh Bác trong 3 tuần. Được giới chuyên môn đương thời đánh giá cao nhất là tác phẩm sơn dầu Hồ Chủ tịch làm việc ở Bắc Bộ Phủ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Tranh được trưng bày ở Triển lãm Mỹ thuật đầu tiên sau khi nước nhà giành độc lập, tháng 8/1946. Tiếc rằng, tác phẩm này cùng với nhiều tranh khác được sơ tán vội vã trước ngày 19/12/1946 nên bị thất lạc. Sau đó, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã triển khai bức tranh khắc gỗ Bác Hồ ngồi làm việc và được Đoàn Văn hóa Kháng chiến in phổ biến để cổ động, tuyên truyền cách mạng.

Họa sĩ Phan Kế An cũng được ở bên Bác hơn 2 tuần tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 11/1948 và thực hiện hơn 20 bức tốc họa và một bức thâm họa. Tuy vậy, nhiều bức vẽ trong số này đã bị thất lạc trong thời gian kháng chiến. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm được hai bức ký họa đều được ông thực hiện ngày 27/11/1948, là Hồ Chủ tịch Hồ Chủ tịch làm việc tại Việt Bắc.

Bác Hồ đọc tuyên ngôn, Nguyễn Dương, Bột màu, 1979
"Bác Hồ đọc Tuyên ngôn", tranh bột màu của Nguyễn Dương, sáng tác năm 1979

Qua thời gian, nhiều họa sĩ chuyên và không chuyên đã vẽ chân dung Bác, thể hiện tình yêu, niềm tôn kính với Người; đồng thời để phục vụ nhu cầu tuyên truyền cách mạng, cổ vũ và đáp ứng mong mỏi “được thấy Bác Hồ” của Nhân dân cả nước… Hình tượng Hồ Chí Minh đã được các nghệ sĩ cảm nhận và thể hiện ở các góc độ, khía cạnh khác nhau.

Sáng tạo bức tượng thạch cao Bác Hồ đọc báo (1976 - 1977) khi đang học trong Trường Mỹ thuật, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam kể: “Trong một bài học sáng tác tự do, tôi tình cờ thấy tờ báo có hình ảnh Bác Hồ đọc báo ở chiến khu Việt Bắc, và đã tạo nên bức tượng. Sau này, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chủ tịch và có nhiều tác phẩm về Người, gần đây nhất là tượng đài Bác Hồ tại Phú Quốc".

Góc nhìn mới mẻ về hình tượng Bác

Bà Vương Lê Mỹ Học, Trưởng phòng Trưng bày - Giáo dục, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, trong triển lãm “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình” (đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đến hết ngày 30/5), một số tác phẩm lần đầu tiên ra mắt công chúng, mang đến những góc nhìn mới mẻ về hình tượng Bác.

img_8230.jpg
Một góc triển lãm. Ảnh: Ng. Phương

Trong đó có bức tranh mang phong cách dân gian, khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh rạng rỡ, giản dị và gần gũi của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm. Tại miền Nam, năm 1953, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm đã sáng tác tác phẩm Cụ Hồ Chí Minh, mẫu tranh Tết được in phổ biến rộng rãi để cổ động kháng chiến. Bức tranh khắc họa chân dung Bác trong những ngày Cách mạng tháng Tám, với vầng trán cao, đôi mắt sâu nhưng sáng rực, toát lên ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi. Tác phẩm này còn được trang trí với các biểu tượng truyền thống của tranh Tết như chữ Phúc, Lộc, Thọ, cùng với các biểu tượng quốc gia như quốc kỳ Việt Nam, ngôi sao năm cánh… Có thể thấy, chân dung Bác được đưa vào tranh Tết một cách tự nhiên, gần gũi, thể hiện sự hòa nhập sâu sắc của hình ảnh Bác vào đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có ảnh hưởng lớn không chỉ ở trong nước mà còn truyền cảm hứng sâu rộng tới nhiều quốc gia. Và vì thế, không chỉ nghệ sĩ Việt Nam, nhiều nghệ sĩ tạo hình thế giới cũng sáng tác tranh, tượng để bày tỏ tình cảm với Người. Trong số có họa sĩ David Thomas, cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam những năm 1969 - 1970.

Khi đó ông không biết nhiều về Hồ Chủ tịch nhưng sau khi về nước, qua thông tin ít ỏi bằng tiếng Anh, ông hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Ông đã quay lại Việt Nam trong vai trò một họa sĩ với mong muốn dùng nghệ thuật để hàn gắn những vết thương từ quá khứ. Năm 1988, ông hoàn thành tác phẩm Hồ Chí Minh và đã tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

img_8296.jpg
Tác phẩm của hai họa sĩ Mỹ và Hàn Quốc được giới thiệu tại triển lãm

Tác giả Hàn Quốc Lee Sang Phil lại sử dụng kỹ thuật in hiện đại để đặc tả Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên bức tranh, ông sử dụng những bài thơ của Bác Hồ chuyển sang chữ Hàn Quốc để phổ biến rộng rãi. Điều này thể hiện sự kính trọng và mong muốn lan tỏa giá trị tư tưởng của Bác đến bạn bè quốc tế.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, mỗi người một ngôn ngữ, đường nét, sắc màu, các nghệ sĩ đã sáng tạo những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua nghệ thuật tạo hình, công chúng hôm nay có thể cảm nhận vẻ đẹp hình tượng Hồ Chủ tịch, về thời khắc lịch sử đã đi qua hàng thế kỷ vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025): Bác Hồ trong trái tim nghệ sĩ tạo hình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO