Kỷ nguyên đất hiếm đang tới

Phương Minh
Theo The Diplomat
12/01/2013 08:46

Kim loại đất hiếm đang nhanh chóng trở thành nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng tiếp theo dầu mỏ, nhất là đối với nhiều nước châu Á, nơi có thị phần lớn.

Kỷ nguyên đất hiếm đang tới ảnh 1
Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc                                                                 Nguồn: Reuters

Thực vậy, 17 nguyên tố của đất hiếm được tìm thấy ở hầu hết các tiện ích công nghệ cao, từ công nghệ quân sự tiên tiến tới điện thoại di động. Trung Quốc hiện đang tuyên bố nắm giữ 90% lượng sản xuất đất hiếm của thế giới. Khi nhu cầu toàn cầu tăng,việc Bắc Kinh giảm xuất khẩu trong những năm gần đây đã khiến nhiều công ty công nghệ cao phải tái chuyển tới Trung Quốc và buộc chính phủ nhiều nước phải đổ cả núi tiền vào việc thăm dò và sản xuất loại tài nguyên quý này. Hiện Ấn Độ là một trong những quốc gia quan tâm đến sự kiểm soát đất hiếm của Trung Quốc. Trong 12 tháng qua, thế địa chính trị của đất hiếm đã trở nên hiển nhiên và nó đang trở thành nguồn tài nguyên chiến lược mà hai gã khổng lồ mới nổi cạnh tranh ở châu Á. Thật vậy, nhiều người đang cho rằng đất hiếm đang nhanh chóng trở thành thứ “vàng đen- dầu mỏ” tiếp theo.

Có thể cái tên đất hiếm khiến người ta dễ nhầm lẫn. Thực tế, những kim loại này dồi dào hơn nhiều khoáng chất quý giá khác. Tuy nhiên, sự phân tán của chúng khiến cho việc khai thác hiếm khi đạt được số lượng khả thi về mặt kinh tế. Hơn nữa, sự giống nhau về tính chất hóa học của 17 kim loại đất hiếm, được thể hiện bằng sự gần gũi của chúng trên bảng tuần hoàn, khiến chúng rất khó tách. Chính vì vậy, việc khai thác đất hiếm cần phải có vốn lớn và những kỹ năng chuyên sâu. Kim loại đất hiếm được sử dụng nhiều trong sản xuất pin hợp kim, gốm sứ và nam châm, những vật liệu đang tiếp tục phát triển để phục vụ cho ngành công nghiệp công nghệ cao. Nó cũng được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các chi tiết trong máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, và hầu hết các thiết bị được điều khiển bằng máy tính. Tầm quan trọng của đất hiếm cao như vậy nên việc độc quyền tài nguyên này là mối quan tâm nghiêm túc của bất kỳ quốc gia nào.

Hai thập kỷ trước, ông Đặng Tiểu Bình, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã ghi nhận tầm quan trọng của kim loại đất hiếm. Ông từng phát biểu hồi năm 1992: “Trung Đông có dầu và Trung Quốc có đất hiếm”. Quả thật, tầm nhìn xa của ông thật ấn tượng. Trung Quốc nắm giữ một nửa trữ lượng kim loại đất hiếm, khoảng 55 triệu tấn của thế giới theo như nghiên cứu của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ. Không tính đến các nước trong  Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Mỹ có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai với 13 triệu tấn. Ấn Độ ước tính chỉ có khoảng 3,1 triệu tấn. Việc Trung Quốc tiếp tục giảm xuất khẩu đất hiếm đã châm ngòi cho cuộc tranh giành sản xuất, khi các quốc gia khác nhận thấy sự phụ thuộc của mình vào nguồn tài nguyên của đất nước gấu trúc. Chẳng hạn, Ấn Độ có kế hoạch tăng gấp ba lần sản lượng đất hiếm của mình vào năm 2017.

Hồi năm 2010, Trung Quốc đã ngưng các lô hàng đất hiếm sang Nhật Bản sau hai tháng quan hệ ngoại giao căng thẳng với đất nước Mặt trời mọc, khiến ngành công nghiệp công nghệ cao của nước này tê liệt. Một quan chức thương mại Nhật Bản thông báo, Tokyo sẽ cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc bằng cách cắt giảm tiêu thụ 10.000 tấn mỗi năm trong những năm tới. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu đất hiếm lớn nhất trên thế giới cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm của mình khi ký thỏa thuận với tập đoàn Lynas Corp của Australia, tập đoàn Molycorp ở Mỹ và nhiều nhà cung cấp khác. Gần đây nhất, hồi tháng 11.2012, Ấn Độ và Nhật Bản đã ký Biên bản ghi nhớ, trong đó xứ sở Phù Tang cam kết sẽ mua 20% lượng đất hiếm của Ấn Độ. Hay Tokyo cũng đang trong quá trình đàm phán để cùng nhau phát triển trữ lượng đất hiếm của Myanmar. 

Thực tế, nhiều quốc gia đang liên kết lại với nhau để tránh phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc. Chẳng hạn, Triều Tiên và Hàn Quốc hồi tháng 11 năm 2011 đã có cuộc gặp gỡ để thảo luận về vấn đề hợp tác khai thác chung đất hiếm của Bình Nhưỡng, ước tính trị giá tới 6 nghìn tỷ USD. Trong những năm gần đây, Hàn Quốc cũng bắt tay với Nhật Bản về vấn đề dự trữ và chia sẻ tài nguyên năng lượng nhằm đảm an ninh nhập khẩu năng lượng. Những thỏa thuận chia sẻ tài nguyên như vậy có thể sẽ được áp dụng cho cả đất hiếm trong tương lai. Nhìn ra nước Mỹ, hồi năm 2011, nghị sỹ Mike Coffman (R-CO) đã giới thiệu dự luật RESTART (Luật về chuyển đổi tài nguyên và công nghệ dây chuyền cung ứng đất hiếm) ra Hạ viện. Mặc dù dự luật này đã không được thông qua nhưng nó có một điều khoản kêu gọi thành lập một kho dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Đề nghị đó đã được đưa đi đưa lại nhiều lần trong mấy năm qua...

Trong khi đó, Ấn Độ không dự trữ đất hiếm mà bắt đầu tăng cường khai thác và sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ở Orissa, một  nhà máy chế biến đất hiếm có công suất 10.000 tấn dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm tới. Một nhà máy khác trị giá 25 triệu USD cũng dự kiến sản xuất 4% nhu cầu thế giới về khoáng chất chứa đất hiếm monazite. Phần lớn sản phẩm sẽ được dùng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra, cũng giống như Trung Quốc, Ấn Độ cũng bắt đầu xem xét khai thác đất hiếm ở ngoài khơi.

Bất chấp một số quốc gia như Mỹ và Australia đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất đất hiếm và việc gia tăng sản lượng từ những quốc gia khác như Myanmar, Mongolia, Triều Tiên, Ấn Độ... Bắc Kinh vẫn là nhà sản xuất lớn nhất và rẻ nhất. Vì vậy cuộc chiến địa chính trị vì đất hiếm giữa Trung Quốc và các quốc gia khác đang diễn ra khắp thế giới. Và lời khẳng định đất hiếm sẽ trở thành nguồn tài nguyên chiến lược tiếp theo sau dầu mỏ có lẽ không hề ngoa.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kỷ nguyên đất hiếm đang tới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO