Kỹ năng và nhiệt huyết

- Thứ Tư, 11/05/2016, 09:05 - Chia sẻ
(ĐBNDO) – Làm đại biểu dân cử thì trình độ chuyên môn mới chỉ là một phần, phần đấy không phải là quyết định, mà vấn đề nhiệt huyết, kỹ năng quan trọng hơn. Đơn cử như khi phát biểu tại hội trường, trước toàn thể ĐBQH, trước lãnh đạo cao cấp của nhà nước, trước cử tri cả nước thì làm sao để nói rõ ràng, mạch lạc cũng là điều cần có sự rèn luyện, có kinh nghiệm, bản lĩnh. Nói được thì mới dám đứng dậy bảo vệ ý kiến, quan điểm của bản thân được - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy chia sẻ.

Sự ghi nhận của người dân

Gặp Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy nhân dịp về dự Kỳ họp thứ 17 – Kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ 2011 – 2016 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, bà chia sẻ, trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, hoạt động với tư cách là ĐBQH, bản thân đã nỗ lực hết sức mình để đóng góp cho QH. Trong quá trình đó, có nhiều điều hài lòng về những việc đã làm được. Thể hiện nhất đó chính là sự ghi nhận của người dân.

ĐBQH Hồ Thị Thủy kể: những kỳ họp khi đi tiếp xúc cử tri, được gặp gỡ, được nghe cử tri đánh giá về Đoàn ĐBQH, cũng như cá nhân, đó là những ý kiến bản thân rất ghi nhận. Nghe cử tri nói, cử tri bày tỏ rằng có theo dõi QH và thấy được những tâm tư, nguyện vọng của mình đã được phản ánh đến QH và Chính phủ. Hay bài phát biểu về vấn đề này, vấn đề kia rất đúng. Đặc biệt có một số nội dung cũng được tiếp thu. “ Đối với người đại biểu nhân dân đây là điều thành công nhất”, bà Thủy xúc động nói.

Bà cho biết, vừa là ĐBQH, vừa là đại biểu HĐND nên có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động với tư cách là người đại diện cho nhân dân nói lên tiếng nói của họ. Đó là khi đem những vấn đề được bàn ở QH về địa phương đối chiếu để áp dụng; đồng thời đối với việc tham gia ý kiến, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương thì cũng có được kiến thức cũng như thông tin từ QH để thông tin đến cử tri và các đại biểu HĐND để căn cứ vào tình hình chung mà có quyết định chính xác về những vấn đề quan trọng của tỉnh.

Theo đại biểu Thủy, được cử tri đánh giá tốt và nhớ đến là cái được lớn nhất của người đại biểu. Tuy vậy, đối với ĐBQH Hồ Thị Thủy vẫn còn những trăn trở. Đó là những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với QH và Chính phủ về vấn đề liên quan đến chính sách, đó là những chính sách cho người có công rồi các chính sách cho cán bộ cơ sở cũng như vấn đề giáo dục, y tế. Hay cử tri mong muốn giải quyết vấn đề tham nhũng, vấn đề lãng phí, thực hành tiết kiệm, vấn đề bộ máy hiện nay chưa đáp ứng được mong muốn sự phát triển đi lên của đất nước. “Còn nhiều ý kiến, tâm tư của cử tri rất chính đáng, hợp lý, nhưng bản thân không thể quyết định hay làm gì được, thậm chí cả tư lệnh ngành cũng không thể giải quyết ngay được trong một sớm một chiều do điều kiện, đặc biệt là điều kiện nguồn lực chưa thể đáp ứng được”.


ĐBQH Hồ Thị Thủy - Tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: quochoi.vn)

Giám sát đến tận cùng

Đánh giá về chức năng giám sát của QH trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy cho biết, QH Khóa XIII có nhiều kỳ giám sát rất sâu, đặc biệt là giám sát chuyên đề về giảm nghèo, về y tế, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Và hầu hết đối với các chuyên đề được giám sát, bà đều có ý kiến. Từ những ý kiến đó để thấy được những cái được cũng như vướng mắc của Vĩnh Phúc và nhìn nhận chung các địa phương trên toàn quốc. Thông qua các nghị quyết giám sát để thấy được Chính phủ cũng đã vào cuộc quyết liệt để giải quyết các kiến nghị của ĐBQH cũng như cử tri liên quan đến vấn đề giám sát.

Đối với ý kiến cho rằng sau mỗi cuộc giám sát thì việc lật ngược lại vấn đề và giải quyết đến tận cùng chưa được thực hiện triệt để, theo ĐBQH Hồ Thị Thủy khi giám sát chuyên đề có Nghị quyết thì Chính phủ và các Bộ, ngành bám vào nghị quyết của QH để điều hành thực hiện. Sau này các Đoàn ĐBQH giám sát lại việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương. Tất nhiên, đại biểu Thủy cũng cho rằng, thực tế vẫn còn nhiều việc làm được và nhiều việc chưa làm được.

“Thực ra chưa chắc nó là vấn đề khó, chưa chắc vướng mắc về nguồn lực hay về thể chế, nhưng có một lý do chủ quan của các Bộ, ngành là chưa thực sự quan tâm, chưa đi sâu đi sát, nhiều lúc các bộ, ngành trung ương chưa quan tâm đến vấn đề chỉ đạo điều hành mà chủ yếu giải quyết vấn đề tình thế là chính. Khi xảy ra rồi thì bịt, nhưng bịt chỗ này nó lại hổng chỗ kia mà chưa có chiến lược dài hơi” – đại biểu Thủy nói.

Chuyên trách phải chuyên nghiệp

Tin tưởng vào thế hệ ĐBQH Khóa XIV khi trình độ đại biểu đã được nâng lên, trình độ tiến sỹ, thạc sỹ nhiều hơn. Song theo đại biểu Thủy, làm đại biểu dân cử thì trình độ chuyên môn mới chỉ là một phần, mà phần đấy không phải là quyết định, mà vấn đề nhiệt huyết, kỹ năng quan trọng hơn. Đại biểu trẻ với năng lực, trình độ cao nhưng vấn đề tự tin, bản lĩnh thì khó có thể bằng những người có kinh nghiệm, có kỹ năng được. Đơn cử như khi phát biểu tại hội trường, trước toàn thể ĐBQH, trước lãnh đạo cao cấp của nhà nước, trước cử tri cả nước thì làm sao để nói rõ ràng, mạch lạc cũng là điều cần có sự rèn luyện, có kinh nghiệm, bản lĩnh. Nói được thì mới dám đứng dậy bảo vệ ý kiến, quan điểm của bản thân được. Tất nhiên có các thế hệ kế cận là điều cần thiết, nhưng riêng đối với đại biểu dân cử thì cần phải có kỹ năng và nhiệt huyết.

“Muốn có kỹ năng thì phải có quá trình học tập, rèn luyện, còn về nhiệt huyết thì tôi chưa giám đánh giá, nhưng hy vọng họ sẽ đầy nhiệt huyết để làm sao cho Quốc hội Khóa XIV này thực sự đổi mới đáp ứng được nguyện vọng của cử chi và nhân dân cả nước” – ĐBQH Hồ Thị Thủy nói.

Đồng thời, đại biểu Thủy cũng cho rằng, cùng với việc có kỹ năng và sự nhiệt huyết, cần thiết phải có sự phân biệt rõ giữa chuyên trách và chuyên nghiệp. Bởi, chuyên nghiệp hơn chuyên trách rất nhiều, chuyên trách chỉ là một phần của chuyên nghiệp, trong khi hiện nay xu hướng là muốn hướng tới chuyên nghiệp chứ không phải chỉ chuyên trách, vì chuyên trách đơn thuần chỉ là hoạt động hành chính. Nếu tăng thì ĐBQH chuyên trách sẽ dành toàn bộ thời gian cho hoạt động, đấy cũng là thế mạnh, nhưng chuyên trách phải chuyên nghiệp, phải có kỹ năng, nhiệt huyết, nhiều người chuyên trách để vào hoạt động như một nghề nghiệp bình thường để hoàn thành nhiệm vụ thì cũng chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri cũng như mong muốn đổi mới chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử.

Lan Chi - Lê Hoa