Kỹ năng quan trọng với thí sinh
Theo TS. Hồ Thị Giang, khi tham gia ôn luyện trên lớp chính khóa và các trung tâm bồi dưỡng kiến thức, học sinh đã được hướng dẫn khá thuần thục một số lưu ý về kỹ năng làm bài theo định dạng đề thi. Chẳng hạn như phần đọc hiểu lưu ý gì, nghị luận xã hội lưu ý gì, nghị luận văn học lưu ý gì.
Về phương hướng làm bài thi, TS Giang chia sẻ 3 kỹ năng quan trọng giúp học sinh nắm vững hơn và bám sát phương hướng làm bài thi:
Thứ nhất, kỹ năng phân loại câu hỏi. Theo đó, học sinh sẽ nhóm được kiến thức và kỹ năng trả lời tương ứng để tránh nhầm lẫn, sai sót.
Ví dụ, nhóm câu hỏi nhận biết (câu hỏi thường gặp và cách giải quyết), nhóm câu hỏi thông hiểu (câu hỏi thường gặp và cách giải quyết), nhóm câu hỏi vận dụng (câu hỏi thường gặp và cách giải quyết), nhóm câu hỏi tạo lập văn bản (câu hỏi thường gặp và cách giải quyết)
Thứ hai, kỹ năng xây dựng đoạn văn/bài văn. Đề thi tốt nghiệp THPT có câu hỏi tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội và câu hỏi tạo lập bài văn nghị luận văn học. Học sinh không được nhầm lẫn đoạn văn và bài văn. Về nội dung lẫn hình thức, đoạn văn và bài văn có sự khác nhau.
Ở câu hỏi tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh thường vướng lỗi: viết đoạn văn thành bài văn (về hình thức và cấu trúc); ôm đồm thao tác lập luận (về lập luận); dẫn chứng hoặc chung chung, hoặc thiếu tính chọn lọc, thuyết phục (về dẫn chứng); trình bày máy móc (về cách tổ chức ý).
Với dung lượng khoảng 200 chữ, học sinh cần đọc kĩ, gạch chân cụm từ chính trong câu lệnh để viết trúng tâm vấn đề nghị luận và xác định đúng phạm vi dẫn chứng.
Học sinh cần tìm hiểu thông tin cuộc sống để có được vốn kiến thức người thực, việc thực, các hiện tượng nổi bật. Như thế, học sinh sẽ có cơ hội thể hiện mức độ sâu rộng trong quan sát đời sống và khâu xử lý đề thi cũng nhanh chóng, chuẩn xác hơn.
Với bài văn nghị luận văn học, học sinh cần có hệ thống luận điểm, luận cứ sáng rõ, mạch lạc.
Thực tế nhiều bài làm của học sinh chưa bám được đề bài để tách luận điểm. Học sinh thường nắm đại khái vấn đề và huy động những kiến thức về nội dung, nghệ thuật liên quan vấn đề, từ đó xây thành một bài văn – nhìn qua có vẻ công phu nhưng đọc kĩ sẽ thấy độ bám dính vấn đề rất lỏng lẻo.
Ví dụ, đề thi yêu cầu phân tích/cảm nhận hình tượng hoặc tư tưởng trong một phần trích văn bản, học sinh lại huy động tri thức của toàn bộ văn bản để áp vào bài làm. Hoặc là, trong đề có vế liên hệ, so sánh, đánh giá, học sinh cũng thường làm qua loa vài ba dòng, chưa đủ để trình bày rõ suy nghĩ, quan điểm, phát hiện.
Vì vậy, học sinh nên tư duy trúng vấn đề, xuất phát từ vấn đề để tìm cách triển khai, thay vì lấy xuất phát là kiến thức bài học rồi chiếu ứng vào đề và lọc ra một cách đơn giản những cái gì liên quan.
Thứ ba, kỹ năng làm chủ thời gian. Học sinh cần đọc bao quát đề thi, xác định lượng thời gian phân bố cho các câu hỏi để giải quyết tròn trịa, đầy đủ từng phần. Học sinh cũng nên dành khoảng 5 phút đọc soát bài làm, để có cơ hội sửa lại ngữ pháp câu văn, hoặc thay đổi/bổ sung các câu trả lời của phần đọc hiểu.
"Môn Ngữ Văn là môn học có sự kết hợp tư duy khoa học, khách quan và yếu tố cảm xúc. Việc trình bày bài thi Ngữ văn theo đó cũng cần có sự kết hợp giữa mạch lạc, sáng rõ về tư duy và sự tinh tế, sáng tạo trong cảm nhận. Bên cạnh hệ thống kiến thức bài học trong chương trình, kiến thức thể loại và văn bản ngoài chương trình, học sinh cũng cần lắng nghe rung động của mình đối với văn bản" - TS. Hồ Thị Giang chia sẻ.
Theo TS Giang, việc này giúp học sinh có thể khám phá được cách nhìn mới hoặc nhận ra cảm xúc của mình, từ đó cách viết bớt khô cứng, máy móc mà uyển chuyển, sinh động hơn. Với hình thức bài thi tự luận - nơi học sinh có cơ hội bộc lộ sinh động khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, những lưu ý trên góp phần đảm bảo bài viết đúng và hay.
Mặt khác, ôn tập môn Ngữ Văn cũng như các môn khác, cần có sự sắp xếp thời gian hợp lý để đủ hiểu tác phẩm, đủ biết kỹ năng, đủ ngấm vẻ đẹp, đủ chuẩn thời gian làm bài.
Chia kiến thức theo lộ trình
Về quá trình ôn tập, TS Hồ Thị Giang chia nội dung ôn luyện theo các cách: chia lộ trình thời gian; xây dựng chủ đề - thể loại và nhóm theo kỹ năng, từ đó giúp học sinh không bị ngợp giữa "biển" kiến thức.
Chia theo lộ trình nghĩa là căn cứ theo tiến trình bài học, giai đoạn thi cử và mức độ quan trọng để xác lập quá trình ôn tập: giai đoạn đắp nền – giai đoạn bồi dưỡng kiến thức – giai đoạn luyện đề.
Chia theo chủ đề - thể loại nghĩa là nhóm các tác phẩm theo chùm để tập hợp về một vấn đề tư tưởng hoặc đặc trưng thể loại. Như thế, học sinh không chỉ ôn một văn bản mà luôn có cái nhìn so sánh, kết nối, liên hệ, vừa mở rộng tri thức ngữ văn vừa đào sâu hơn điểm đặc sắc của từng tác phẩm.
Chia theo nhóm kỹ năng làm bài là căn cứ trên thực tế cấu trúc đề thi hiện hành để xác lập từng nhóm kỹ năng khác nhau, giúp giải quyết tối ưu nhất bài làm của học sinh. Ví dụ, nhóm kỹ năng đọc hiểu văn bản, nhóm kỹ năng nghị luận xã hội, nhóm kỹ năng nghị luận văn học. Trong từng nhóm, có phân tích mẫu, có xác định cách tư duy, cách trả lời, có thực hành các đề thi khác nhau để nhuần nhuyễn kỹ năng.
Đặc biệt, trong quá trình ôn tập, bên cạnh việc cho học sinh tương tác các văn bản trong chương trình, theo TS Giang, học sinh cần chú trọng khâu chọn lọc ngữ liệu ngoài chương trình. Các ngữ liệu đó không đơn thuần là một văn bản phục vụ mục đích thực tế và tức thì, là dùng để xây câu hỏi theo cấu trúc đề thi, mà qua ngữ liệu, phần nào hình thành được nhãn quan thẩm mĩ của học sinh. Việc này đòi hỏi giáo viên chịu đọc và có khả năng phát hiện ngữ liệu hay để giới thiệu, thảo luận cùng người học.
Qua những ngữ liệu chứa đựng góc nhìn mới mẻ, sâu sắc, học sinh có cơ hội mở rộng hiểu biết, trưởng thành hơn nhiều về tư duy và tình cảm. Một cách âm thầm, điều đó tạo nên những người viết sắc sảo, có cách nhìn sáng, đồng thời gia tăng đáng kể vốn sống cho học sinh.
Rèn luyện tâm lý phòng thi
Chia sẻ với thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS Giang cho rằng, tâm lý trước kỳ thi và trong lúc thi rất quan trọng. Học sinh giữ được tâm lý tốt sẽ tập trung và tự tin hơn vào mục tiêu của mình. Bên cạnh đó, các em sẽ thoải mái tinh thần, không bị hoang mang hay áp lực nặng nề, không được chủ quan và hoảng loạn.
Các em thường sẽ chủ quan về những gì mình đã biết, dẫn tới thiếu sự chắt chiu, kĩ lưỡng trong bài làm; hoặc là chủ quan về “đối tượng cạnh tranh” với mình, dẫn tới coi thường các thí sinh khác, không tạo được động lực và sự thăng hoa tốt nhất trong bài làm của mình.
Trước thi cử, khi học sinh tiếp nhận thông tin đồn thổi nào đó về kỳ thi/đề thi, các em thường bị phân tán và hoang mang, nhất là những thông tin xuất hiện vào cận kề ngày thi.
Học sinh không nên mất thời gian để xào xới, tìm tòi những luồng thông tin thiếu tin cậy, mà luôn giữ bình tĩnh, tỉnh táo để tiếp nhận những thông báo có tính chuẩn chỉ, chính thống.
TS Giang cũng lưu ý sự chuẩn bị sức khỏe tốt giúp loại trừ bớt những rủi ro hay sự cố bất ngờ. Dinh dưỡng trong ăn uống và giấc ngủ tạo nên sự sáng suốt về đầu óc và sự tích cực của cảm xúc. Hơn nữa, học sinh cần tự tin vào những gì mình đã học, đã luyện; tự tin vào khả năng và lựa chọn của bản thân. Lúc đó, học sinh sẽ có được tính quyết đoán trong bài làm và sự thoải mái trước và trong khi thi.