Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và VPBank là dấu mốc quan trọng trong mô hình PPP++ do Tập đoàn Đèo Cả đặt ra tại dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh nhằm xác định cụ thể nguồn vốn tín dụng huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay thực hiện dự án là khả thi.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, khi tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được hoàn thiện sẽ giúp thúc đẩy lĩnh vực vận tải và kinh tế cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng.
“Với tầm nhìn dài hạn và sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tôi tin rằng Cao Bằng sẽ không chỉ là một tỉnh phên dậu nơi địa đầu Tổ quốc, mà sẽ trở thành một trung tâm giao thương quan trọng, điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi phía Bắc”, ông Trần Hồng Minh cho biết.
Đại diện cho liên danh nhà đầu tư giai đoạn 1 của dự án, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết, tại dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, mô hình đa dạng hoá nguồn huy động vốn PPP++ đang được Tập đoàn này triển khai thành công.
Trong đó, dấu cộng thứ nhất là sự ủng hộ của cơ chế chính sách; dấu cộng thứ hai là cộng tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư, ngân hàng.
Bên cạnh đó, còn một dấu cộng thứ ba tại Dự án này, theo ông Hoàng, là phép cộng niềm tin, sự kỳ vọng người dân hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; là trách nhiệm trước đất nước, trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh của tất cả các bên liên quan đối với việc chung tay đưa mảnh đất cội nguồn cách mạng - Cao Bằng đi lên.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93km. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng tỉnh Cao Bằng đạt 35,36/41,55km tương đương 85%, đáp ứng tiến độ tổ chức thi công. Đối với phạm vi tại tỉnh Lạng Sơn, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đạt 16,16/51,8 km (tương đương 31,2%). Hiện dự án đã được giải ngân 297 tỷ đồng/9.800 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; hơn 300 tỷ đồng/1.813 tỷ đồng vốn nhà đầu tư và nhà thầu thi công.
“Chúng tôi đã rất kiên trì, nỗ lực trong suốt 7 năm qua để thực hiện nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động vốn, giải pháp xử lý hướng tuyến để có thể triển khai Dự án trên thực địa. Việc ký kết hợp đồng này không được là cam kết trên giấy mà cần phải được thực hiện trên thực tế, sớm giải ngân nguồn vốn theo tiến độ như những gì mà các nhà đầu tư, nhà thầu đang để thực hiện hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch”, ông Hồ Minh Hoàng.
Ông Đinh Văn Nho – Phó Tổng Giám đốc VPBank khẳng định sau khi nghiên cứu và thẩm định, ngân hàng tin tưởng vào tiềm năng và hiệu quả của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cũng như cam kết đồng hành với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án để giải ngân kịp tiến độ hợp đồng tín dụng.
“Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ nhà đầu tư và ngân hàng trong việc giải ngân vốn ngân sách nhanh chóng để giảm chi phí tài chính cho nhà đầu tư để đảm bảo an toàn cho dự án”, đại diện VPBank nói.
Để hoàn thành và đưa dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh vào vận hành khai thác trong năm 2026, điều kiện tiên quyết các nguồn vốn phải được khơi thông và giải ngân đáp ứng tiến độ của dự án.
Do vậy, doanh nghiệp dự án kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được bố trí cho dự án. Ngân hàng VPBank giải ngân thanh toán, tạm ứng nguồn vốn tín dụng kịp thời theo tiến độ thi công của nhà đầu tư, nhà thầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự án kiến nghị UBND hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ hơn để đẩy nhanh quá trình điều chuyển chỉ tiêu sử dụng đất và hoàn tất các thủ tục liên quan nhằm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo đúng kế hoạch trong năm 2024; đồng thời, phê duyệt bổ sung các bãi đổ thải, cập nhật quy hoạch các mỏ vật liệu, đẩy nhanh các thủ tục cấp phép để đảm bảo đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án.