GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đánh giá, các bộ sách giáo khoa hiện nay nhìn chung đều thể hiện được tinh thần tích hợp, dù mức độ thành công, sự nhuần nhuyễn khi tích hợp có khác nhau.
GS Thuyết cho rằng, nguyên nhân khiến một số trường học, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai dạy học tích hợp trước hết nằm ở khâu tổ chức. Trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo thuộc về các cơ quan quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT); trách nhiệm tổ chức thực hiện thuộc Ban giám hiệu nhà trường. Theo GS Thuyết, nếu vẫn giữ quan niệm “giáo viên vốn dạy khối lớp nào vẫn đóng đinh ở khối lớp đó” thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Về thời khóa biểu, Ban giám hiệu cần bố trí giáo viên hiệu quả để với một số lượng giáo viên nhất định vẫn đảm nhận được tất cả bài học.
Khó khăn thứ hai là do nhiều giáo viên “chưa thông”. Điều này đến từ thói quen không thích ứng, ngại chấp nhận cái mới của nhiều người Việt. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến thông qua các chương trình tập huấn có thể “chưa đến nơi đến chốn”. Bản thân người tập huấn phải làm rõ vấn đề, người đi dự tập huấn phải nêu được vấn đề nếu chưa hiểu.
“Suốt 5 năm qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 9 mô đun tập huấn cho giáo viên về Chương trình GDPT mới, trong đó có vấn đề dạy tích hợp, nhưng tôi thấy rất tiếc rằng trong quá trình xây dựng mô đun lẫn bồi dưỡng cho báo cáo viên, tổ chức thực hiện tập huấn đều gần như không có sự tham gia của những người trực tiếp biên soạn chương trình. Ít nhất nên có sự góp mặt của họ trong khâu cố vấn”, GS Thuyết cho hay.
Một yếu tố khác khiến triển khai dạy tích hợp còn khó khăn đến từ việc dư luận xã hội chưa chia sẻ. Giáo viên khi “chưa thông” mà làm việc dưới áp lực dư luận rằng “dạy tích hợp rất nguy hiểm” sẽ càng khiến họ lo lắng, khó làm tốt, khó đổi mới.
Để triển khai chương trình tích hợp hiệu quả hơn, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất áp dụng một số giải pháp.
Thứ nhất, mỗi giáo viên dạy phần nội dung phù hợp với ngành đào tạo của mình trên cơ sở phân công, phối hợp chặt chẽ với nhau. Đây là giải pháp mà các nước phát triển như Anh, Mỹ vẫn đang thực hiện. Ví dụ, trong môn Khoa học tự nhiên, phần “Chất và sự biến đổi chất” sẽ do giáo viên Hoá học đảm nhận chính, phần “Năng lượng và sự biến đổi” do giáo viên Vật lý đảm nhận chính, phần “Vật sống” do giáo viên Sinh học đảm nhận chính, phần “Trái Đất và bầu trời “do giáo viên Vật lý, Sinh học cùng đảm nhận.
Thứ hai, để những giáo viên có điều kiện và nguyện vọng được học thêm một số tín chỉ ở trường sư phạm để một mình đảm nhiệm được việc dạy trọn vẹn một môn học. Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền để áp dụng chính sách khuyến khích đối với các giáo viên thuộc diện này. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm mở mã ngành đào tạo mới để đào tạo giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí trong tương lai.
GS Thuyết cũng cho rằng sau 2 năm triển khai, Bộ GD-ĐT cần có đánh giá, tổng kết thực tiễn để từ đó đưa ra những văn bản hướng dẫn rất cụ thể về việc tổ chức thực hiện chương trình, tránh việc “mỗi nơi làm một kiểu”; tổ chức các hội nghị, hội thảo để thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng việc đưa tích hợp vào chương trình GDPT mới là chủ trương đúng đắn, sẽ rất đáng tiếc nếu môn tích hợp bị tách về các môn đơn lẻ. “Trên thực tế, tích hợp không sai. Cái cần sửa là những điều chưa đúng khi thực hiện dạy tích hợp”, PGS Thơ nói.
Video Talk show: Dạy và học tích hợp như thế nào cho hiệu quả?
PGS.TS Chu Cẩm Thơ đặt vấn đề, chúng ta hay mơ ước về những thành công ở các quốc gia phát triển trên thế giới và đặt câu hỏi: Tại sao họ năng động, có kiến thức, kỹ năng và thích nghi rất nhanh? Dạy học tích hợp đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu của thế giới. Trong khi đó, nếu so sánh Chương trình GDPT 2018 của Việt Nam với các mô hình trên thế giới về dạy học tích hợp, có thể thấy, những năng lực trong mục tiêu đầu ra và cách tiếp cận không có sự khác biệt quá lớn.
“Một số người cho rằng tại sao không quay lại dùng Chương trình GDPT những năm 1990, 2002 hay 2006? Nhưng Việt Nam đã tham gia vào hội nhập quốc tế, đã cam kết với những mục tiêu giáo dục thiên niên kỷ, trong đó điều quan trọng nhất là kiên trì mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng cho người học bước vào cuộc sống.
Tôi cho rằng chúng ta không thể đi lại con đường cũ, vì như thế chỉ làm hài lòng một số người đang quen với cách dạy cũ, nhưng không thể chuẩn bị cho tương lai. Thế hệ các con của chúng ta sẽ không thể nào hướng đến tương lai như chúng ta mong muốn nếu vẫn dùng cách làm cũ”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.
Qua làm việc trực tiếp với rất nhiều trường học và các nhà quản lý, PGS Thơ đánh giá, tại Việt Nam đang có rất nhiều hình thức, cấp độ khác nhau của việc dạy và học tích hợp. Có những trường học rất tiến bộ, đã dạy được tích hợp theo đúng nghĩa chuyên môn, tức là dạy có chủ đề, có chủ điểm theo từng kế hoạch năm học và theo sự nhuyễn lại với nhau của các kiến thức, phương pháp. Có những trường tập trung cải tổ phương pháp dạy học, mong muốn các giáo viên được “cầm tay chỉ việc”, được giúp đỡ để thực hành.
Cũng có những nhà trường đang gặp nhiều khó khăn, tạm thời nói tên môn là tích hợp, nhưng thực tế là tích hợp ghép của các giáo viên vào với nhau. Mô hình vận hành chuyên môn của nhiều trường học đang cũ, không có sinh hoạt chuyên môn, không có cộng đồng liên môn với nhau. Vì vậy, trong 2 năm qua, thực trạng ở rất nhiều trường khi ra một đề kiểm tra là “cô dạy Sinh thì ra phần Sinh, cô dạy Hoá thì ra phần Hoá, cô dạy Lý thì ra phần Lý”- phép cộng cơ học để đánh giá học sinh. Đó là điều đáng tiếc và không phù hợp với ý nghĩa của việc dạy học tích hợp.
Theo PGS Thơ, để triển khai một chương trình giáo dục, trong đó có dạy học tích hợp cần 4 trụ cột: mục tiêu gắn liền với tích hợp; nội dung dạy học và phương pháp dạy học; điều kiện dạy học; hệ thống đánh giá. “Tuy nhiên, trong tất cả những nghiên cứu của tôi, chưa trường học nào làm được việc đồng bộ 4 trụ cột này”, PGS Thơ cho hay.
PGS Thơ cho rằng tại Việt Nam hiện nay, đối với nhiều trường công lập, sự đầu tư về trang thiết bị, điều kiện hạ tầng còn hạn chế. Đa số các trường phổ thông chưa được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, cơ sở vật chất vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”. Đây là lý do khiến tại nhiều nhà trường, giáo viên và học sinh chỉ có thể “dạy chay, học chay”, không được làm thí nghiệm hay có bài tập thực hành; không thể hình dung thế nào là dạy học tích hợp.
Bên cạnh đó, Hệ thống đánh giá của địa phương và quốc gia hiện chưa có khuyến nghị nào để đánh giá năng lực theo Chương trình GDPT 2018.
PGS Thơ kiến nghị, cần quyết liệt trong khâu đầu tư các hạ tầng, trang thiết bị cho giáo viên. Để tạo hệ sinh thái cho Chương trình GDPT 2018 đi được vào cuộc sống, động lực về mục tiêu, phương pháp, nội dung, hạ tầng triển khai phải hoà cùng động lực từ hệ thống đánh giá. PGS Thơ bày tỏ kỳ vọng, các nghiên cứu về đánh giá người học sẽ được tuân thủ và triển khai trong xây dựng phương án thi năm 2025.
Đặc biệt, cần tạo niềm tin, động lực cho học sinh và giáo viên về ý nghĩa của việc dạy học tích hợp; giúp thầy cô, phụ huynh nhận thức được dạy học tích hợp là cơ hội để phát triển năng lực cho con em mình.
“Có thể hiện tại, lợi ích mà chúng ta nhìn được chỉ là sự hứng thú học của học sinh, nhưng sau này sẽ trở thành năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực chuyên môn mà các em có thể vận dụng trong định hướng nghề nghiệp. Lúc đó, chúng ta mới thấy dạy học tích hợp có ích lợi - giống như nhìn vào sự thành công của các quốc gia khác”, PGS Thơ nói.
Ông Hiếu cho biết, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy lợi ích nhất định của việc dạy học tích hợp.
Đối với học sinh, việc dạy tích hợp giúp các em hiểu rõ ngữ cảnh học tập, từ đó, tăng sự tương tác cảm xúc trong việc học và với thế giới xung quanh. Dạy học tích hợp cũng được chứng minh giúp làm tăng những kỹ năng tư duy cao cấp cho học sinh như tư duy phản biện, tư duy logic về mặt khoa học, tư duy giải quyết vấn đề,…; kích thích trí tò mò của học sinh; tăng cường nhận thức của các em về vấn đề xã hội và sự trân trọng trong việc học; tăng cường kỹ năng làm việc hợp tác từ các lĩnh vực khác nhau; làm sâu sắc hiểu biết của học sinh về chủ đề từ các góc nhìn khác nhau.
Đối với giáo viên, theo chuyên gia Lê Đình Hiếu, trước đây khi dạy đơn môn hoặc trong các lối giáo dục truyền thống, thầy cô trong vai trò là người cung cấp kiến thức nhiều hơn. Khi chuyển sang dạy tích hợp, giáo viên trở thành người điều phối và hỗ trợ quá trình học tập cho học sinh. Thay vì cung cấp thông tin bằng cách đưa ra câu trả lời, thầy cô phải đặt nhiều câu hỏi hơn để điều phối quá trình tìm hiểu thông tin của học sinh.
Ngoài ra, lợi ích quan trọng khác là giáo viên được làm việc và học tập, hợp tác với các chuyên gia cũng như đồng nghiệp. Các chuyên gia ở đây có thể không phải là người làm giáo dục chuyên nghiệp, được đào tạo từ trường lớp sư phạm, nhưng họ là những chuyên gia trong từng lĩnh vực khác nhau. Sự tham gia của họ sẽ giúp phát triển các dự án dạy học tích hợp và đóng góp những góc nhìn từ xã hội, thực tiễn.
Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu đưa ra một vài bài học thực tiễn, lời khuyên từ các quốc gia phát triển, đã triển khai dạy học tích hợp rất thường xuyên.
Theo đó, cần chính sách toàn diện về hệ thống dạy học và đánh giá cho việc học tích hợp. “Thầy cô dạy tích hợp, nhưng nếu thi cử, đánh giá vẫn dựa trên đơn môn thì thật ra việc dạy học tích hợp rất khó cho các thầy cô”, ông Hiếu nói.
Về phía các nhà trường cần chuẩn bị tài liệu, thiết bị, công cụ, phương tiện để học sinh thực hiện các dự án học tích hợp; chuẩn bị các cài đặt cho việc tích hợp các mô đun/đơn vị/chủ đề vào chương trình học hợp tác với các lĩnh vực xã hội khác. Trường học cần trở thành một mắt xích của một hệ sinh thái giáo dục lớn, tức là chúng ta không chỉ dạy học trong đúng bối cảnh của nhà trường, mà có thể kết hợp với các lĩnh vực xã hội khác (các đơn vị thư viện, bảo tàng, công viên, doanh nghiệp,…) để triển khai dạy học tích hợp.
Đối với giáo viên, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển chỉ ra rằng, cần một khoá đào tạo giáo dục toàn diện cho giáo viên tương lai về việc dạy học theo chương trình tích hợp. Bên cạnh đó, cần sự hợp tác giữa nhà nghiên cứu giáo dục, chuyên gia về các chủ đề và giáo viên trường học để làm việc trên các dự án hoặc chủ đề.
“Những giáo viên dạy học tích hợp tốt là giáo viên có năng lực về hợp tác, tức là họ biết phối hợp không chỉ giữa các giáo viên với nhau mà còn có thể phối hợp với các chuyên gia, những nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đối tác cộng đồng để xây dựng lên những dự án dạy học tích hợp đủ thú vị cho học sinh” - Chuyên gia Lê Đình Hiếu thông tin.
Đối với học sinh, đối với mỗi chủ đề, học sinh cần được thông báo về mục tiêu học tập và hướng dẫn cho kế hoạch học tập (ví dụ, câu hỏi hướng dẫn). Các em cũng cần được dạy các khái niệm chính, kỹ năng cơ bản trong các chủ đề; biết các chiến lược học tập (ví dụ, sử dụng sơ đồ khái niệm, kiến thức về thông tin).
“Việc học tích hợp không còn đơn giản là chỉ cầm đề cương và cầm sách giáo khoa của từng môn để học, mà các em phải bắt đầu sử dụng sơ đồ tư duy, phải có kỹ năng tìm kiếm thông tin, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tổng hợp thông tin. Đây là một loạt kỹ năng mềm mà học sinh cần được phát triển để học tích hợp tốt hơn”, ông Hiếu nói.
Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với các nhà giáo trên cả nước tổ chức ngày 15.8.2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, căn cứ vào thực tế triển khai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định, xem xét, có thể điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các nhà giáo góp ý để việc điều chỉnh không gây ra những xáo trộn tiếp theo, không ảnh hưởng đến việc sử dụng đội ngũ giáo viên và những năng lực của giáo viên đã được chuẩn bị thời gian vừa qua; điều chỉnh để thuận lợi hơn, tốt hơn cho việc triển khai chương trình GDPT 2018 mà không ảnh hưởng đạt đến mục đích của đổi mới.
Nhóm Phóng viên