Sinh tử phòng, chống “giặc nội xâm” và chủ nghĩa dân túy

Kỳ 3: Cái gốc vẫn là kiểm soát quyền lực

- Thứ Tư, 13/01/2021, 06:20 - Chia sẻ

Không kiểm soát quyền lực (dù là quyền lực chính trị hay quyền lực kinh tế…) thì không thể nói tới sự tồn tại hợp lý hay phát triển của bất cứ thể chế chính trị nào. Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý hợp thành cơ chế tổng hòa trong quản lý toàn bộ xã hội; phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đó là ba mối quan hệ chính trị cơ bản nhất ở Việt Nam hiện nay nhằm kiến tạo và thực thi những vấn đề cơ bản của thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, đây là vấn đề căn bản của mọi vấn đề, quán xuyến và xuyên suốt mọi phương diện của đời sống chính trị xã hội đất nước.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị bảo đảm sự vận hành một cách đồng bộ và thống nhất hệ thống các thể chế, các thiết chế liên quan trong kiểm soát quyền lực của Đảng, của Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của nhân dân, trên nền tảng Quốc pháp và Đảng cương nhằm bảo đảm các chủ thể kiểm soát và các đối tượng kiểm soát hoạt động đúng vị thế, chức năng và nhiệm vụ của mình được Hiến định, theo Quốc pháp  và Đảng cương. Đổi mới phương thức kiểm soát quyền lực: Nắm chắc cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước của chính bản thân Đảng, Nhà nước (các cơ quan nhà nước) là cơ chế kiểm soát tự bên trong; đồng thời, cải cách phương thức kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, Nhà nước gồm Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước… (các tổ chức nhà nước và cá nhân ngoài Đảng, Nhà nước…), của Đảng đối với Nhà nước… được coi là cơ chế kiểm soát từ bên ngoài.

Theo đó, về cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị đối với Đảng. Nghĩa là Đảng thực thi đồng thời hai loại quyền lực: quyền lực chính trị (lãnh đạo) và dẫn dắt quyền lực nhà nước (cầm quyền). Nắm giữ hai tư cách quyền lực như thế, việc kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng trước hết, dù với tư cách nào, đều được chế định tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013. Đó chính là thước đo tính đúng đắn, tính khả thi, sức mạnh và hấp lực của cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng được pháp luật hóa, hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp, với ba tính chất chính danh, chính pháp và chính năng của người cầm quyền dẫn dắt dân tộc. 

Để kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Đảng theo Hiến pháp và pháp luật. Việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng được thực thi bởi việc đo lường mức độ và thực tế  gắn bó mật thiết với Nhân dân bằng sự hài lòng của Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa hẳn vào Nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của Nhân dân, hoạt động và chịu trách nhiệm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.  Định lượng hiệu quả lãnh đạo, lòng tin của Nhân dân, uy tín của Đảng trên trường quốc tế theo vai trò, chức năng của Đảng cầm quyền được chế định bởi Hiến pháp và pháp luật.  

Nói khái lược, việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng bằng Quốc pháp và Đảng cương trước hết về chính trị  với những sự tha hóa, thoái hóa, ăn cắp quyền lực và then chốt là công tác cán bộ, nhất là ăn trộm chức vụ và buôn bán chức vụ đạt tới mức độ nào thì sức mạnh chính trị và uy tín chính trị của Đảng được bảo đảm một cách căn bản thành công tới mức độ đó. Theo đó, Lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và sức mạnh của thể chế, dưới ngọn cờ của Đảng, được nhân lên và phát huy sức mạnh tới mức độ đó, uy tín quốc tế của Đảng được thừa nhận tới mức độ đó. Nghĩa là kiểm soát quyền lực của Đảng cả ba phương: diện pháp lý - đạo lý - và sự tín nhiệm!      

Đồng thời, việc kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện, nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của Nhà nước, cơ quan, nhân viên nhà nước trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước (phòng ngừa và triệt tiêu mọi sự tha thóa, thoái hóa, trộm cắp quyền lực…), bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực thi theo Hiến pháp, pháp luật, đúng mục đích, trên cơ sở nhu cầu và ý nguyên của Nhân dân. Cơ chế kiểm soát tự bên trong (Nhà nước tự kiểm soát mình, các cơ quan nhà nước tự kiểm soát mình và kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước) nhằm bảo đảm sự thống nhất (về cơ cấu tổ chức, về mục tiêu hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp,…) giúp cho bộ máy nhà nước tránh được những nguy cơ đe dọa phá vỡ tính thống nhất và sự vận hành có hiệu quả cao của cả bộ máy nhà nước từ những sai lệch có thể xảy ra của mỗi cơ quan, mỗi bộ phận của bộ máy nhà nước gắn với kiểm soát toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Đây là khâu mấu chốt trong kiểm soát quyền lực cán bộ, công chức. Mặt khác, giữ cho các cơ quan nhà nước luôn duy trì được mối quan hệ nội tại với nhau với tư cách là bộ phận của bộ máy chỉnh thể và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự ngang tầm với công vụ.. 

Bảo đảm sự hợp lý trong việc phân công về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước phù hợp với những yêu cầu của quá trình thực hiện quyền lực nhà nước trong bộ máy nhà nước thống nhất; đồng thời, bảo đảm thực hiện phối hợp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu chung của cả bộ máy nhà nước, phải duy trì sự kiểm soát, chế ước, phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện không đúng, không hiệu quả trong việc thực thi quyền lực nhà nước của mỗi cơ quan, nhân viên nhà nước hoặc của các thiết chế khác khi tham gia thực hiện quyền lực nhà nước, trong tính chỉnh thể thống nhất. Chủ động thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm trong sạch hóa, tinh nhuệ hóa, chuyên nghiệp hóa và thành thục hóa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức nhà nước, song hành với kiểm soát quyền lực cán bộ, đảng viên trong bộ mát đảng và các thành viên của hệ thống chính trị.   

Nói cụ thể, quyền lực nhà nước được phân định thành quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và giao cho các cơ quan khác nhau của Nhà nước thực hiện. Vì vậy, đối với mỗi quyền lực nhà nước, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát có tính chất bộ phận phù hợp nhưng bảo đảm thống nhất.  Về nguyên tắc, đối tượng bị kiểm soát là các tổ chức và cá nhân nắm giữ và thực hiện quyền lực nhà nước, không trừ một ai, một cơ quan nào. 

Về cơ chế kiểm soát quyền lực của Nhân dân.  Giữ địa vị chủ thể quyền lực nhà nước là Nhân dân. Nói cách khác, duy chỉ Nhân dân mới có chủ quyền đối với quyền lực nhà nước. Nhưng Nhân dân ủy quyền cho các đại biểu của mình và giám sát đại biểu đó trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước. Nhân dân làm chủ bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp (thông qua các đại biểu, các cơ quan dân cử và các đoàn thể của dân). Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.

Quyền làm chủ của Nhân dân không chỉ được đảm bảo bằng Hiến pháp, pháp luật, mà bằng hệ thống các phương tiện khác: báo chí và truyền thông, các thiết chế Quy chế Dân chủ ở cơ sở, bảo đảm Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đối với Nhà nước, Nhân dân ủy một phần quyền để tạo thành nhà nước (quyền lực công, ý chí chung, tự do công cộng...), phần còn lại Nhân dân tự do với các quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật. Đó là nguyên tắc. Những điều pháp luật cấm là những điều được xã hội thỏa thuận và ghi thành khế ước (Hiến pháp) và được cụ thể hơn nữa thông qua các đạo luật. Đó cũng chính là giới hạn quyền lực của công dân (Nhân dân) để công dân thực hiện đúng, đầy đủ và hiệu quả quyền lực của mình bằng và thông qua pháp luật trong việc kiểm soát quyền lực. 

Tôn vinh và bảo vệ công luận một cách vô điều kiện, theo Hiến pháp và pháp luật.

Nói khái lược, mọi tổ chức bộ máy và cán bộ của bất cứ bộ máy nào trong hệ thống chính trị đều phải tuân thủ nghiêm nhặt và vô điều kiện Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Đảng. Dân chủ và pháp quyền phải đi song hành và quán xuyến trong toàn bộ cơ chế hoạt động của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với việc kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tha hóa, thoái hóa, âm mưu sở hữi và trộm cắp quyền lực.

Đặc biệt, điều then chốt nhất, không thể giao quyền lực vào tay những người đạo đức kém hoặc vô đạo đức. Làm trái thế, như đã trình bày nhiều lần, chính là hành động thả rông thú dữ vào xã hội, “nối dáo cho giặc”, làm băng hoại kỷ cương, kỷ luật của tổ chức của Đảng và Nhà nước, phá vỡ đội ngũ cán bộ, đảng viên và tất yếu dẫn tới sự nguy nan của thể chế. 

Sự tín nhiệm của Nhân dân - Quốc pháp và Đảng cương công cụ căn bản, phải được thực thi một cách Dân chủ, với phương châm thượng tôn kỷ luật, thượng tôn pháp luật, thượng tôn tín nhiệm, trong công việc hệ trọng này!  

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản